06:08, 23/08/2017

Nham nhở Hòn Chuông

Khu vực núi Hòn Chuông (xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) thuộc quy hoạch của Chính phủ về hoạt động khai thác khoáng sản hiện tại đã có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá granite ốp lát. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trên ngọn núi này còn có những mỏ đá chưa có giấy phép vẫn hoạt động.

 

Khu vực núi Hòn Chuông (xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) thuộc quy hoạch của Chính phủ về hoạt động khai thác khoáng sản hiện tại đã có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá granite ốp lát. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trên ngọn núi này còn có những mỏ đá chưa có giấy phép vẫn hoạt động.


Khai thác tấp nập


Đứng từ dưới đường liên xã, nhìn dọc theo triền núi Hòn Chuông, có thể thấy hàng chục điểm khai thác đá nham nhở. Lần theo con đường nội đồng đã bị xe chở đá cày nát dẫn vào chân núi, vượt qua hàng trăm mét đường đất dốc đứng, chúng tôi mới tiếp cận được các điểm khai thác đá gần trên đỉnh đồi. Một số thợ đá nơi đây cho biết, những điểm khai thác đá này hoạt động đã lâu. Để thuận tiện cho công việc, chủ các mỏ đá còn dựng lán trại bằng tôn, có điểm thậm chí xây nhà kiên cố ngay dưới chân núi để thợ đá ăn, ở tại chỗ. Đa số các điểm khai thác chủ yếu là đá granite khối, phần đá vụn thì làm đá chẻ. Với công suất làm việc liên tục, mỗi ngày, các thợ xẻ đá có thể khai thác được hàng trăm khối đá. Hàng ngày, có hàng trăm lượt xe tải lớn nhỏ nườm nượp chạy vào khu vực này “ăn hàng”. Một thợ đá cho biết, ngoài thợ ở Khánh Hòa, những ông chủ ở đây còn thuê cả thợ từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên vào để làm việc, vì những người này có tay nghề cao, đá làm ra đẹp hơn.

 

Một vị trí thăm dò khoáng sản, nhưng lại tiến hành khai thác rầm rộ

Một vị trí thăm dò khoáng sản, nhưng lại tiến hành khai thác rầm rộ

 


Trong vai nhân viên công ty xây dựng đi mua đá, chúng tôi tiếp cận một mỏ đá nằm trên gần đỉnh núi Hòn Chuông. Tại đây, chúng tôi gặp một công nhân khai thác đá, xưng mình tên Sơn. Qua trao đổi, làm quen, ông Sơn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi xem điểm khai thác đá ở đây. Không khác gì cảnh nhìn từ xa, núi Hòn Chuông đang bị đào nham nhở một vùng rộng lớn, đường đi được san ủi rộng rãi đủ để các loại xe tải có thể lên lấy đá dễ dàng. Không chỉ vậy, tại đây, ông chủ mỏ đá còn sắm đủ loại máy móc hiện đại như: máy xẻ đá, máy ủi, máy múc… để phục vụ cho hoạt động khai thác đá. Ở đây, mỗi ngày có khoảng 20 thợ hì hục đục, xẻ đá. Nhiều đống đá khối lớn, đá chẻ được xếp ngay ngắn ngay tại bãi. Ông Sơn cho biết: “Chúng tôi chủ yếu khai thác đá khối bán cho các công ty chuyên xẻ đá ốp lát, còn phần đá vụn thì tận dụng làm đá chẻ bán cho những ai có nhu cầu xây dựng. Mỗi ngày, chúng tôi khai thác được hàng chục khối đá. Đá khối vừa được hạ xuống liền cho xe ủi ủi xuống bãi tập kết sẽ có xe tải vào chở đi ngay. Còn đá chẻ thì khỏi phải chê, nếu các chú muốn mua thì giá 3.500 đồng/viên, đây là giá chung của cả khu. Các chú muốn mua với số lượng bao nhiêu chúng tôi cũng đáp ứng được”.


Chưa có phép đã ủi đường, khai thác


Ngày 9-8 vừa qua, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Công Bình Nha Trang 30 triệu đồng do các vi phạm trong hoạt động khảo sát khoáng sản ở khu vực nói trên. Cụ thể, doanh nghiệp này đã thực hiện việc san ủi, lấy mẫu khoáng sản tại 3 vị trí trong khu vực khi chưa được Bộ TN-MT cấp phép thăm dò khoáng sản. Cùng với đó, UBND huyện Diên Khánh cũng đã yêu cầu công ty này dừng tất cả các hoạt động thăm dò khoáng sản và di dời hết máy móc thiết bị ra khỏi khu vực nói trên. Tuy nhiên, ngày 15-8 vừa qua, tại 1 trong 3 vị trí mà công ty này vi phạm, chúng tôi vẫn thấy sự hiện diện của máy đào và nhiều xe tải chở đá chẻ xuống núi.

 

Một mỏ đá bị đình chỉ  nhưng vẫn hoạt động

Một mỏ đá bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động


Trên ngọn đồi cách địa điểm nói trên khá xa về phía tây, chúng tôi thấy một khu vực khai thác đá khối và đá chẻ khá quy mô và hoạt động rầm rộ với nhiều máy móc thiết bị. Bãi đất trống dưới chân đồi tập kết hàng chục khối đá lớn chờ xe đến vận chuyển; trên lưng chừng đồi có nhiều máy đào, máy ủi dọn đường, vần đá và nhiều công nhân khoan, xẻ từng khối đá lớn. Với quy mô khai thác lớn như vậy, nhưng khi tìm hiểu từ phía cơ quan chức năng thì được biết, doanh nghiệp chủ mỏ đá này chỉ mới được cấp phép thăm dò chứ chưa được cấp phép khai thác khoáng sản. Theo ông Nguyễn Đức Phú - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Diên Khánh, việc thăm dò khoáng sản đá granite chỉ được phép lấy mẫu giới hạn khoảng vài chục mét khối.


Ông Nguyễn Thanh Minh - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT) cho biết, ở khu vực núi nói trên hiện nay có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, 2 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò khoáng sản và 2 doanh nghiệp đang làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Đàm, cán bộ địa chính - môi trường xã Diên Tân: “Việc thăm dò khoáng sản nhằm lấy mẫu để nghiên cứu về chất lượng, trữ lượng đá, rồi từ đó làm thủ tục xin cấp phép khai thác. Nhưng ở đây, chúng tôi thấy họ lấy đi khối lượng đá rất lớn, trong thời gian dài, vậy thì có khác gì khai thác?”.  


Những hệ lụy trước mắt


Theo lãnh đạo UBND xã Diên Tân, việc ủi đường trên núi để phục vụ thăm dò, khai thác đá ở khu vực nói trên đã gây ra tình trạng xói lở đất vào mùa mưa, làm bồi lấp đất vườn của người dân dưới chân núi, đặc biệt là ở khu vực Công ty TNHH Công Bình thực hiện việc thăm dò khi chưa có giấy phép nói trên. Ngoài ra, tình trạng đất từ trên khu vực núi này trôi xuống cũng làm bồi lấp và gần như vô hiệu hóa đập dâng thủy lợi Ông Tường - một công trình cấp nước sản xuất quan trọng cho các cánh đồng trong khu vực.

 

Đường bị băm nát bởi xe chở đá

Đường bị băm nát bởi xe chở đá


Ngoài ra, việc quá nhiều xe tải ra vào chở đá ở khu vực nói trên đã băm nát con đường nội đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sản xuất của người dân. Ông Trần Văn Tuấn (thôn Cây Sung, xã Diên Tân) cho biết: “Con đường này trước đây chỉ rộng chừng 3m nên chúng tôi đã đồng tình hiến đất cho xã mở đường rộng lên 6m để thuận lợi trong việc đi lại và vận chuyển nông sản. Vậy nhưng chỉ được thời gian ngắn, từ khi có nhiều xe tải ra vào chở đá, con đường này đã bị cày nát và sệ ra hai bên lấn vào đất của người dân cả mét. Chúng tôi rất bất bình, bởi việc mình hiến đất làm đường lại chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp khai thác đá và gây bất lợi cho chính mình!”.


Ông Dương Đình Thăng - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Tân cho biết: “Thời gian qua, việc khai thác đá làm xói lở đất, trôi xuống bồi lấp đập thủy lợi, đất sản xuất và xe chở đá làm hư đường khiến người dân địa phương rất bức xúc. Theo kế hoạch, con đường này sẽ được nâng cấp đoạn phía ngoài, khoảng 800m. Tuy nhiên, về công tác quản lý của địa phương đối với hoạt động thăm dò, khai thác đá ở khu vực trên rất khó khăn, bởi các doanh nghiệp không cung cấp giấy phép dù chúng tôi đã rất nhiều lần yêu cầu. Vì không nắm được giấy phép chúng tôi không có căn cứ để định xác định việc thăm dò, khai thác đó đúng giới hạn cho phép hay không”.


 NAM ANH - VĂN GIANG