Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà được biết đến là nơi nhà bác học A.Yersin đặt cơ sở nghiên cứu y học cách nay đã hơn 100 năm. Nhiều người cho rằng, Hòn Bà là "bảo tàng" thiên nhiên của Khánh Hòa có mức độ đa dạng sinh học cao, tiềm năng lớn về du lịch sinh thái.
Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà được biết đến là nơi nhà bác học A.Yersin đặt cơ sở nghiên cứu y học cách nay đã hơn 100 năm. Nhiều người cho rằng, Hòn Bà là “bảo tàng” thiên nhiên của Khánh Hòa có mức độ đa dạng sinh học cao, tiềm năng lớn về du lịch sinh thái.
Đa dạng sinh học cao
Một ngày theo chân các cán bộ Ban quản lý KBTTN Hòn Bà, chúng tôi có dịp khám phá thêm nhiều điều thú vị của Hòn Bà.
Len lỏi đường rừng gần 30 phút, ông Mang Xuân Luông - cán bộ Hạt Kiểm lâm Hòn Bà dẫn chúng tôi vượt qua những tảng đá ẩm ướt, trơn trượt, đến trước cây pơ mu xen lẫn những cây hồng tùng quý hiếm được xếp trong Sách đỏ. Ông Luông giới thiệu, loài lan hài hồng (tên khoa học Paphiopedilum delenati) mới được các nhà sinh vật học Việt Nam tìm thấy tại Hòn Bà ở độ cao 1.000m. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Cường - cán bộ Phòng Khoa học - Hợp tác quốc tế (KBTTN Hòn Bà) cho biết, trong KBTTN Hòn Bà hiện có 56 loài động vật và 43 loài thực vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới.
Đi trong KBTTN Hòn Bà, dưới những tán rừng xanh mướt, chốc chốc chúng tôi lại được các cán bộ khu bảo tồn giới thiệu thêm một số loài thực vật đặc hữu, có vùng phân bố hẹp chỉ có ở Hòn Bà (mang địa danh: Nha Trang, Hòn Bà) như: Dẻ gai Nha Trang, Thị Nha Trang, Sồi Hòn Bà, Minh điền Hòn Bà. Chỉ tay về phía loài cây, mới thoạt nhìn phần lá không khác mấy so với lá của cây hoa Đỗ Quyên, nhưng thân lại cao lớn hơn, ông Luông cho biết: “Đó là loài Đỗ Quyên Hòn Bà, cứ khoảng tháng 3 hàng năm, loài Đỗ Quyên này lại đua nhau khoe sắc trên khắp các cánh rừng mưa nhiệt đới ở Hòn Bà. Đây là loài thực vật rất hiếm và có vùng phân bố hẹp ở Việt Nam”.
Gần trưa, chúng tôi dừng chân dưới tán rừng thông 2 lá dẹt, ông Cường cho biết thêm: “Đây là khu vực nghỉ trưa của loài voọc chà vá chân đen quý hiếm. Ở Hòn Bà, voọc chà vá chân đen không chỉ có 1 đàn mà có rất nhiều đàn. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều loài động vật quý hiếm khác có tên trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới như: gà lôi, gà tiền, niệc nâu, hồng hoàng, trĩ sao, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, vượn đen má hung, gấu ngựa, kỳ đà hoa, rắn cạp nong…”.
Để xác minh những điều ông Luông nói, chúng tôi quyết định ẩn mình dưới những hốc đá lớn, dán mắt lên những cành thông 2 lá dẹt để chờ cơ hội ngắm loài voọc quý. Sau gần 1 giờ im lặng đợi chờ, bỗng ông Luông nói khẽ: “Voọc kìa! Voọc kìa, một đàn luôn!”. Nhìn về phía ông Luông chỉ, chúng tôi tận mắt chứng kiến đàn voọc chà vá chân đen quý hiếm ở Hòn Bà, với đặc trưng là chiếc đuôi dài, trắng tinh và tứ chi một màu đen tuyền. Chúng tôi cứ mải mê ngắm đàn voọc quý cho đến khi trời ngả về chiều, đàn voọc di chuyển dần để đi kiếm ăn.
Theo các nhà khoa học, những năm gần đây, hàng chục loài thực vật mới đã được phát hiện tại Hòn Bà. Đặc biệt, KBTTN Hòn Bà đã có 2 ghi nhận mới cho hệ thực vật Việt Nam là cây Gạt bao và cây Săng ớt.
Tiềm năng du lịch lớn
Hòn Bà là nơi bác sĩ A.Yersin xây dựng cơ sở nghiên cứu y học vào năm 1915. Trên đỉnh Hòn Bà hiện nay vẫn nguyên vẹn căn nhà làm việc, các công trình phục vụ nghiên cứu y học của bác sĩ A.Yersin. Theo các nhà khai thác du lịch, với những giá trị về thiên nhiên và văn hóa lịch sử, Hòn Bà là nơi có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Anh Thy - Giám đốc Ban quản lý KBTTN Hòn Bà cho hay: “Chúng tôi đã xây dựng 3 phương án, sắp tới sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về khai thác du lịch sinh thái tại KBTTN Hòn Bà”. Phương châm khi triển khai du lịch sinh thái tại KBTTN Hòn Bà là phải khai thác theo hướng bền vững; bảo tồn đi đôi với phát triển, phát triển để phục vụ bảo tồn.
Ông Nguyễn Tứ Xuyên - Giám đốc Công ty TNHH Hành trình xe đạp Việt Nam (Nha Trang) chia sẻ: “Các tour du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên rất thu hút khách nước ngoài. Cụ thể như các tour khám phá đèo Hòn Giao (huyện Khánh Vĩnh), Ba Hồ (thị xã Ninh Hòa)… của công ty chúng tôi tổ chức đã thu hút rất đông du khách tham gia. Riêng đối với KBTTN Hòn Bà, tôi nghĩ với vẻ đẹp thiên nhiên, sự phong phú về các loài động, thực vật và cả di tích gắn với nhà khoa học A.Yersin sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ của du khách nước ngoài mà cả trong nước. Việc khai thác du kịch sinh thái tại KBTTN Hòn Bà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng cần được khuyến khích”.
Cho rừng thêm xanh
Trong câu chuyện với những cán bộ KBTTN Hòn Bà, chúng tôi được họ chia sẻ rằng, để giữ cho KBTTN Hòn Bà được xanh, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát, giữ rừng từ “gốc”, tuy nhiên để giữ được rừng không phải là điều dễ dàng. Ông Lê Kim Hoàn Vũ - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hòn Bà cho biết: “Để bảo vệ KBTTN Hòn Bà, chúng tôi đã xây dựng 6 trạm kiểm lâm, 1 chốt bảo vệ tại các địa bàn xung yếu, có nguy cơ rừng bị xâm hại cao. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét sâu vào rừng, kiểm soát lâm sản tại các khu vực trọng điểm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm đã tổ chức 417 đợt tuần tra, truy quét. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực vào rừng, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trong KBTTN Hòn Bà”. Cùng với việc quản lý, bảo vệ rừng, một trong những công việc trọng tâm của KBTTN Hòn Bà là phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Bởi, trong khu bảo tồn có hàng trăm héc-ta rừng trồng có nguy cơ cháy rất cao.
Theo ông Đỗ Anh Thy, bên cạnh việc tập trung giữ rừng, Ban quản lý khu bảo tồn còn triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, phát triển rừng, tổ chức nhiều đợt thả động vật hoang dã về lại môi trường tự nhiên, triển khai nhiều hoạt động điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học, thu thập tiêu bản hệ động, thực vật trong khu bảo tồn... “Trong thời gian tới, Ban quản lý KBTTN Hòn Bà sẽ đề xuất tỉnh cho phép điều tra toàn diện về hệ thực vật cũng như động vật Hòn Bà, đánh giá đầy đủ về giá trị tài nguyên rừng, hình thành cơ sở dữ liệu riêng cho khu bảo tồn. Qua đó, xác lập các chuẩn mực để đề nghị thành lập Vườn quốc gia Hòn Bà thay cho Khu BTTN Hòn Bà như hiện nay. Trước mắt, chúng tôi đang tập trung xây dựng các dự án bảo tồn đa dạng sinh học theo các cấp độ như: bảo tồn loài, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn cảnh quan, tìm kiếm hợp tác quốc tế để bảo tồn đa dạng sinh học ở Hòn Bà”, ông Thy nhấn mạnh.
HẢI LĂNG - GIANG ĐÌNH
Hòn Bà được khám phá bởi bác sĩ Alexandre Yersin vào ngày 22-9-1863. Từ năm 1915, ông đã xây dựng trại nghiên cứu tại cao độ gần 1.600m trên đỉnh Hòn Bà. Tại đây, ông đã thực hiện nhiều chương trình thực nghiệm, gây trồng và sử dụng các loài cây thuốc (ngày nay vẫn còn vài dấu tích). Trong số đó, có cây ký ninh (Cinchona ledgeriana) được nhập từ Nam Mỹ. Đặc biệt ông còn có công điều tra phát hiện nhiều loài thực vật quý hiếm tại Hòn Bà như: cây trương hùng (Reevesia yersinii), chè Hòn Bà (Thea yersinii)…
_______________________________
Qua thống kê năm 2013, trong KBTTN Hòn Bà có 28 bộ, 88 họ và 274 loài thú, chim, bò sát, ếch nhái… Trong đó, lớp thú có 70 loài, lớp chim có 144 loài, lớp bò sát có 37 loài, lớp ếch nhái có 17 loài; có 56 loài động vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới. Đối với hệ thực vật, qua thống kê ban đầu về thành phần loài, có 120 họ, 468 chi, 752 loài, trong đó có 43 loài được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam.