Khu vực rừng phía đông đèo Khánh Sơn thuộc địa phận xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm được quy hoạch là rừng phòng hộ. Tuy nhiên, do việc lựa chọn đối tượng cây trồng chưa phù hợp, tình trạng khai thác trắng rừng keo ồ ạt đã khiến khu vực này trở nên trống trải, hoang tàn. Điều này khiến tuyến đường đèo Khánh Sơn thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ bị chia chắt vào mùa mưa lũ rất lớn.
Khu vực rừng phía đông đèo Khánh Sơn thuộc địa phận xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm được quy hoạch là rừng phòng hộ. Tuy nhiên, do việc lựa chọn đối tượng cây trồng chưa phù hợp, tình trạng khai thác trắng rừng keo ồ ạt đã khiến khu vực này trở nên trống trải, hoang tàn. Điều này khiến tuyến đường đèo Khánh Sơn thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ bị chia chắt vào mùa mưa lũ rất lớn.
Trồng rừng phòng hộ bằng cây keo
Tỉnh lộ 9, đoạn từ chân đèo đến đỉnh đèo Khánh Sơn dài 10km, không khó để nhận ra khung cảnh trống trải của không gian núi rừng nơi đây. Bởi toàn bộ diện tích rừng keo có tuổi đời hàng chục năm ở khu vực này đã bị khai thác trắng, chỉ còn lại cây bụi tán thấp. Một số diện tích keo mới được trồng cao chưa quá đầu người. Từ dưới chân đèo, có thể nhìn thấy toàn cảnh đỉnh đèo và ngược lại, còn dọc tuyến đường không còn bóng mát được che khuất bởi những rừng cây như những năm trước đây.
Bà Nguyễn Thị Ngọ - một người bán hàng bằng xe máy từ TP. Cam Ranh lên Khánh Sơn cho biết: “Tôi chạy xe hàng ngày trên tuyến đường này nên cảm nhận được hết mọi sự thay đổi. Trước kia, cây rừng còn nhiều, dù trời nắng đi đường cũng rất mát, còn trời mưa không lo bị sạt đường. Thỉnh thoảng, đi dọc đường tôi còn bắt gặp những đàn gà rừng ra sát mép đường tìm mồi. Nhưng bây giờ, cảnh vật hai bên đường đã trở nên hoang tàn vì cây rừng bị chặt hết”.
Qua tìm hiểu, được biết khu vực rừng phía đông đèo Khánh Sơn được quy hoạch là rừng phòng hộ, tổng diện tích khoảng 200ha. Hiện nay, tất cả diện tích đất rừng nơi đây do Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm quản lý. Theo ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh - Trưởng bộ phận kỹ thuật thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm, trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2009, khu vực này được trồng các loại cây như: dầu rái, keo lá tràm. Tuy nhiên, chỉ có cây keo lá tràm thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Còn các loại cây khác đều khó sinh trưởng, phát triển và việc nhân giống những cây trồng đó cũng khó khăn. Chính vì thế, hầu hết diện tích rừng từ khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Cam Phước Tây lên đến đỉnh đèo Khánh Sơn đều được phủ xanh bởi cây keo lá tràm. “Cây keo lá tràm thích nghi tốt với đất rừng nơi đây, nhưng vòng đời của cây lại ngắn, chỉ từ 15 đến 20 năm đã có biểu hiện già ruỗng và chết. Cộng với điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn nên nhiều diện tích rừng nơi đây lần lượt bị chết”, ông Cảnh cho biết.
Do diện tích cây keo chết nhiều, nên từ năm 2014 đến 2016, được sự cho phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm đã khai thác những diện tích rừng này. Kết quả, ngoại trừ một số ít diện tích cây rừng nhỏ còn sót lại, toàn bộ diện tích cây keo lá tràm đã được khai thác trắng. “Khi khai thác cây keo, chúng tôi buộc phải phát dọn cả cây leo, cây bụi và những diện tích lồ ô nằm trong khu vực. Chính vì thế, mới có cảnh rừng sau khai thác trở nên trống trải như vậy”, ông Cảnh cho biết thêm.
Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm tiếp tục trồng mới rừng phòng hộ cũng bằng chính cây keo lá tràm. Đến nay, một số diện tích keo được vài năm tuổi cao chưa quá đầu người, có diện tích đang được phát đốt thực bì để chuẩn bị trồng mới. Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao lại tiếp tục trồng cây keo lá tràm - một loại cây thường phù hợp với việc trồng rừng kinh tế hơn là trồng rừng phòng hộ? Ông Cảnh tiếp tục viện dẫn lý do về khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây không phù hợp với các loại cây dầu, cây sao. Cùng với đó là việc tìm giống của những cây trồng này khó khăn hơn giống cây keo lá tràm. Thế nhưng, ông Cảnh cũng cho biết đây chỉ mới là nhận định mang tính kinh nghiệm, chứ từ trước tới nay Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm chưa có một đề tài hay một nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này.
Liên quan đến rừng phòng hộ ở khu vực phía đông đèo Khánh Sơn, ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đất rừng nơi đây nghèo chất dinh dưỡng, khí hậu khô nóng, nguồn nước thiếu, do vậy việc lựa chọn đối tượng cây keo là phù hợp.
Lở đường vì không còn rừng
Khu vực rừng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến đường đèo. Còn nhớ, trước năm 2009, rừng nơi đây bị tác động nghiêm trọng bởi nạn xâm canh của người dân đốt rừng làm rẫy. Hậu quả mùa mưa cuối năm 2009, nhiều đoạn trên tuyến đường đèo này bị sạt lở nghiêm trọng, có đoạn bị bứt hoàn toàn khiến cho huyện Khánh Sơn bị cô lập trong nhiều ngày. Từ năm 2012 đến nay, khi tình trạng xâm canh được giải quyết dứt điểm, một số diện tích rừng phòng hộ nơi đây dần được phục hồi thì những diện tích trồng keo lại bị khai thác trắng. Do đó, mùa mưa lũ vừa qua, các điểm Km21, Km22, Km26 trên tuyến đường đèo Khánh Sơn đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn cho rằng, khu vực phía đông đèo Khánh Sơn thuộc huyện Cam Lâm đã và đang tiến hành trồng rừng phòng hộ bằng cây keo là bất hợp lý. Vì keo có chu kỳ khai thác nhanh, không hiệu quả trong việc trồng rừng phòng hộ, khi khai thác ồ ạt rừng sẽ thành đồi trọc, nguy cơ sạt lở trên tuyến đường đèo trong mùa mưa rất cao, gây nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người và phương tiện qua lại. Tuy diện tích đất rừng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn thuộc địa phận huyện Cam Lâm, nhưng lại có tác động trực tiếp đến việc giao thông đi lại của người dân huyện Khánh Sơn “Chúng tôi kiến nghị tỉnh chỉ đạo huyện Cam Lâm trồng rừng phòng hộ với những loại cây lâu năm như: dầu, sao, hương… để giữ rừng, hạn chế sạt lở nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông. Vấn đề này đã được huyện Khánh Sơn nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng của tỉnh, nhưng thực tế vẫn không có chuyển biến”, ông Mấu Thái Cư nói.
Còn theo ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, qua đợt mưa lũ cuối năm 2016, đầu năm 2017, thiệt hại trên tuyến Tỉnh lộ 9 ở khu vực phía đông đèo Khánh Sơn rất lớn. Các mái ta luy âm bị sạt lở chuyển dịch, có những vị trí mái ta luy bị mất hoàn toàn. Vì vậy, khi tiến hành khắc phục, sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn vì mái ta luy có độ sâu từ 6 đến 7m, kinh phí sửa chữa cũng rất lớn. Vậy nên, giữ được diện tích rừng ở phía đông đèo Khánh Sơn để không sạt lở đất, nước tràn xuống mái ta luy âm và cắt đường là hết sức cần thiết. Tỉnh ủy và UBND tỉnh cần có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Bởi nếu cứ trồng keo như hiện tại, đến khi thu hoạch lại cắt tận gốc thì sẽ không có tác dụng trong vấn đề phòng hộ. Vì thế, tuyến đường đèo Khánh Sơn vẫn tiếp tục bị uy hiếp trong những đợt mưa lũ tiếp theo, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân và thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Căn cứ vào Quy chế quản lý rừng phòng hộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9-6-2015, khu vực phía đông đèo Khánh Sơn thuộc diện khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn. Ngoài ý nghĩa phòng, chống sạt lở cho tuyến Tỉnh lộ 9 độc đạo lên huyện miền núi Khánh Sơn, nó còn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy về hồ chứa nước Tà Rục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm cần lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp với đặc điểm của rừng phòng hộ, đó là những loại cây có bộ rễ sâu, bám chắc, những loài cây bản địa. Bởi dù sao, chức năng của rừng phòng hộ là giữ đất, giữ nước, duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng. Điều quan trọng là không nên đặt lợi ích kinh tế đối với khu vực rừng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn.
Nhân Tâm - Bích La
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Huyện ủy Khánh Sơn mới đây, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Rừng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn được trồng, khai thác trắng dẫn tới trơ trụi như vậy là không ổn. Tôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo trồng rừng và để cây trồng phát triển bao phủ một cách vĩnh viễn ở khu vực đó, kiên quyết không được khai thác cây rừng ở đây. Hậu quả từ việc khai thác rừng nơi đây là rất nghiêm trọng. Nếu coi lại lợi ích của việc khai thác rừng ở đây so với thiệt hại về giao thông như vừa qua thì có xứng hay không? Rừng phòng hộ nơi đây chỉ được trồng, không được khai thác. Đối tượng cây trồng phải đa dạng, kể cả cây dây leo, cây bụi cũng cần được giữ. Không được làm theo kiểu cứ trồng cây rồi tới chu kỳ là khai thác. Rừng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn tuy không thuộc phạm vi huyện Khánh Sơn, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của huyện Khánh Sơn.