12:06, 14/06/2017

Vịnh Vân Phong quá tải

Nuôi trồng thủy sản tự phát một cách ào ạt, không theo quy hoạch, nhất là khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) khiến vịnh Vân Phong đang trở nên quá tải, để lại nhiều hệ lụy về môi trường.

 

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tự phát một cách ào ạt, không theo quy hoạch, nhất là khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) khiến vịnh Vân Phong đang trở nên quá tải, để lại nhiều hệ lụy về môi trường.


San sát lồng bè


Sáng sớm, cảng Đầm Môn tấp nập tàu thuyền ra vào. Dẫn chúng tôi ra bè nuôi tôm hùm của gia đình trên vùng biển Đầm Môn, ông Nguyễn Nô, người dân địa phương cho hay: “Tôm hùm là đối tượng nuôi chủ lực, cũng là nguồn thu nhập chính của người dân Vạn Thạnh hàng chục năm nay. Nghề nuôi tôm hùm vốn dĩ bấp bênh. Khi tôm được giá, chỉ vài vụ thu được hàng tỷ đồng, cuộc sống vì thế cũng rất xông xênh; còn khi tôm rớt giá hay bị dịch bệnh dẫn đến thua lỗ, người dân phải tằn tiện từng đồng…”. Chỉ tay về phía những bè tôm san sát nhau trên mặt biển, ông Nô cho biết, trước đây, NTTS ở khu vực Đầm Môn chưa nhiều như bây giờ; chất lượng nước cũng đảm bảo nên người nuôi tôm hùm lồng trúng liên tục. Việc nuôi tôm hùm cho lợi nhuận cao, kích thích nhiều hộ đổ xô đầu tư đóng bè nuôi tôm, gây nên tình trạng quá tải và ô nhiễm như bây giờ.

 

Các bè nuôi tôm giăng kín một góc Đầm Môn

Các bè nuôi tôm giăng kín một góc Đầm Môn


Đứng trên bè nuôi tôm của gia đình ông Nô, nhìn ra xa, chúng tôi thấy hàng trăm bè nuôi tôm, cá bớp giăng kín nhiều khu vực ở Đầm Thượng, Đầm Hạ. Trên biển, tấp nập ghe tàu chở thức ăn ra bè, chở tôm từ bè về cảng để bán. Ông Nô cho biết, bè nuôi tôm của ông thuộc loại trung bình, thả nuôi 3.000 con tôm. Ở Vạn Thạnh, có những bè nuôi lớn lên đến 5.000 - 6.000 con. Tôm càng được giá, người ta lại tranh nhau từng mét nước, khu vực để thả nuôi.


Thăm bè tôm của ông Trần Diên, chúng tôi được ông cho hay: “Tôi quê ở Tuy An (Phú Yên), vào nuôi tôm ở Vạn Thạnh gần 7 năm nay. Ngày trước, thấy người làng vào đây nuôi tôm thu lãi lớn nên cha con tôi cũng vào đây làm ăn. Ban đầu nuôi còn dễ, nhưng mấy năm nay tôm chết liên miên nên tôi chẳng dám mạo hiểm đầu tư nhiều, mỗi lứa chỉ thả chừng 1.000 con”.

 

Ông Lê Hoàng Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có 4.585 lồng bè NTTS, riêng tôm hùm có 3.665 lồng. Ngoài các bè nuôi tôm của người dân Vạn Thạnh và các xã trong huyện, hiện nay, địa phương đang có mấy chục bè nuôi tôm của người dân ngoài tỉnh. Để quản lý các bè nuôi tôm, trước đây địa phương đã tính đến phương án đánh số bè nuôi. Thế nhưng, phương án này không triển khai được, do các bè nuôi không neo đậu cố định 1 chỗ mà phải di dời để tránh mưa bão. Hiện nay, việc NTTS ở khu vực Đầm Môn đã quá mức, chắc chắn để lại hệ lụy về môi trường. Bởi trong 100 hộ nuôi, chỉ có 1 - 2 hộ có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, còn hầu hết xả trực tiếp xuống biển”.


Còn theo thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, hoạt động NTTS ở Đầm Môn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Qua kiểm tra ảnh vệ tinh, chỉ riêng tại Đầm Môn hiện nay có 835 bè, với hơn 3.000 lồng NTTS thả nổi, trong đó có rất nhiều bè nuôi của người dân ở tỉnh khác nhưng địa phương lại thiếu sự quản lý.


Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, trước đây, trên địa bàn huyện có 45 hộ ở xã Đại Lãnh ra NTTS ở Vũng Rô (Phú Yên). Đến khoảng năm 2013, các hộ này bị đuổi khỏi Vũng Rô nên huyện tạo điều kiện cho họ kéo lồng bè về xã Vạn Thạnh tiếp tục NTTS. Cùng thời điểm này, các hộ ở tỉnh Phú Yên cũng đã kéo lồng bè vào vịnh Vân Phong NTTS cho đến nay. Khi phát hiện, huyện đã chỉ đạo xã Vạn Thạnh cương quyết không cho phép những hộ ngoài tỉnh vào vịnh Vân Phong NTTS. Đồng thời, xã Vạn Thạnh đã yêu cầu hơn 20 hộ ở tỉnh Phú Yên kéo lồng bè về địa phương mình. Tuy nhiên, do chưa kiên quyết, triệt để nên đến nay những hộ này vẫn đang tiếp tục nuôi tôm, cá trên vùng biển của huyện.

 

 

Hệ lụy lớn về môi trường


Theo ghe đi một vòng quanh các bè nuôi tôm tại khu vực Đầm Môn, không khó để bắt gặp hình ảnh các túi ni lông, rác thải sinh hoạt… nổi dập dềnh trên mặt biển, thậm chí trong các lồng nuôi. Trong khi đó, ở các khu vực ven bờ, rác theo các con sóng tấp vào thành đống nhưng không được thu dọn. Một hộ nuôi tôm (đề nghị giấu tên) ở xã Vạn Thạnh cho hay: “Ở đây, riêng lượng thức ăn cho tôm, cá mỗi ngày cả trăm tấn đưa xuống biển, rồi túi ni lông, rác thải từ quá trình sinh hoạt của người nuôi khiến môi trường nước ngày càng ô nhiễm. Cũng chính vì thế việc nuôi tôm hùm lồng ở Vạn Thạnh ngày càng khó khăn, tỷ lệ hao hụt luôn cao, thậm chí nhiều năm bị mất trắng vì dịch bệnh”. 

 

Theo ông Võ Thành Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh, hiện nay, môi trường biển vịnh Vân Phong đang bị ô nhiễm bởi rác thải từ đất liền trôi theo các con sông, kênh rạch đổ ra biển. Ngoài ra, hàng ngày vịnh Vân Phong còn gánh chịu một lượng lớn rác thải, thức ăn dư thừa từ việc NTTS. Nhiều hộ NTTS ở đây cho biết, các lồng bè của họ thường xuyên bị các loại rác thải, nhất là túi ni lông bám vào, làm cản trở việc lưu thông nước bên ngoài và trong lồng nuôi. Bên cạnh đó, hoạt động đánh bắt thủy sản, vận tải trên biển, du lịch ngày càng phát triển, kéo theo lượng rác do chính các hoạt động này thải ra. Đa số rác thải hiện nay trên biển là chất thải rắn, không thể phân hủy, tồn tại lâu dài làm cho môi trường biển ngày càng bị ảnh hưởng. Thế nhưng, từ trước tới nay vẫn chưa có giải pháp khả thi nào được triển khai để thu gom, xử lý chất thải rắn trôi nổi trên biển.


Ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cũng xác nhận: “Hàng ngày, lượng chất thải từ việc NTTS thải xuống biển lớn, tích tụ qua nhiều năm đã làm cho môi trường biển ở khu vực này trở nên ô nhiễm. Bằng chứng là đã có nhiều hộ NTTS bị chết, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi cao, đỉnh điểm là hiện tượng tảo đỏ nở hoa gây thủy sản chết hàng loạt năm 2016”.


Trong khi đó, ông Hoàng Đình Phi - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho hay: “Việc ô nhiễm môi trường ở khu vực này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong. Do đó, UBND huyện Vạn Ninh cần sớm triển khai công tác kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động NTTS trên địa bàn. Đồng thời, có biện pháp hạn chế phát sinh thêm lồng nuôi và nghiêm cấm người dân nơi khác đến NTTS tại vịnh Vân Phong”.

 

Rác thải từ quá trình nuôi trồng thủy sản tấp vào cạnh cầu cảng Đầm Môn.

Rác thải từ quá trình nuôi trồng thủy sản tấp vào cạnh cầu cảng Đầm Môn

 

Phải quy hoạch lại


Qua nhiều lần tìm hiểu về thực trạng NTTS nói chung và nuôi tôm hùm lồng nói riêng tại huyện Vạn Ninh, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề phát triển thiếu bền vững của nghề nuôi tôm ở địa phương này. Đặc biệt, hệ lụy về ô nhiễm môi trường đã khiến cho nghề nuôi tôm càng trở nên bấp bênh.


Để giải quyết một phần bài toán thu gom, xử lý rác thải trên vịnh Vân Phong, UBND huyện Vạn Ninh đang phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong gấp rút hoàn thiện các bước để tiến tới triển khai đề án thí điểm thu gom, xử lý rác thải rắn trên biển khu vực Đầm Môn - Mũi Ké (xã Vạn Thạnh). Đề án này sẽ được triển khai trong năm 2017, tổng kinh phí thực hiện khoảng 400 triệu đồng. “Hiện nay, đề án đã được huyện trình cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định phê duyệt. Khi đề án được triển khai, môi trường biển khu vực vịnh Vân Phong sẽ dần được cải thiện”, ông Võ Thành Sơn cho biết.


Trong thời gian tới, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm lồng, huyện Vạn Ninh sẽ tiến hành quy hoạch lại các vùng nuôi trên địa bàn huyện. Cụ thể, tiến hành giải tỏa khu vực nuôi ở Đầm Môn để sắp xếp lại vùng nuôi ở lạch Cổ Cò, các đảo giữa vịnh Vân Phong và ven bờ Xuân Tự (xã Vạn Hưng), với tổng số lồng nuôi khoảng 11.800 lồng. Bên cạnh đó, huyện khuyến cáo người nuôi tôm sử dụng thức ăn công nghiệp để tránh ô nhiễm môi trường, tuân thủ các quy định về quản lý môi trường nuôi để đảm bảo sản xuất ổn định; mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; thường xuyên giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để có cảnh báo kịp thời về nguy cơ dịch bệnh…



VĂN GIANG - BÍCH LA