Mấy năm nay, sạt lở đã trở thành nỗi lo của nhiều hộ sống cạnh bờ sông Lốp đoạn qua xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Đặc biệt, khi 2 căn nhà trong xã bị đổ xuống sông thì nỗi lo ấy lại càng thường trực hơn.
Mấy năm nay, sạt lở đã trở thành nỗi lo của nhiều hộ sống cạnh bờ sông Lốp đoạn qua xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Đặc biệt, khi 2 căn nhà trong xã bị đổ xuống sông thì nỗi lo ấy lại càng thường trực hơn.
Mất đất, mất nhà
Tuy sự việc đã xảy ra gần 2 tháng nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Quang Đông) vẫn chưa quên nỗi sợ hãi và bất lực khi chứng kiến từng khối đất và một phần căn nhà của mình bị đổ sụp xuống sông. Nhìn phần còn lại của ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ sông Lốp, nhiều người không khỏi lo ngại cho gia đình bà Hoa. “Sống gần bờ sông nên gia đình tôi luôn lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ. Cuối năm ngoái, mưa nhiều, lũ về nhanh đã cuốn trôi căn bếp, khu công trình phụ, chuồng gà vịt và ăn sâu vào móng nhà gần cả mét. Cả gia đình hốt hoảng ôm đồ chạy khỏi nhà. Sau khi mưa lũ đi qua, gia đình vay mượn và bỏ ra 17 triệu đồng để mua đất, đá, sắt về kè lại phần đất phía sau nhà. Đầu năm nay, tuy không có lũ nhưng nước sông vẫn cuốn hết phần đất đá mà gia đình tôi đã kè chắn, để lại hố sâu hun hút sát móng nhà. Hiện nay, gia đình tôi phải ngủ nhờ nhà hàng xóm; trời mưa nhỏ hay lớn cũng không dám ở trong nhà mà chỉ đứng ngoài đường nhìn vào bởi nhà có thể sụp bất cứ lúc nào”, bà Hoa nói.
Khi chúng tôi đến, ông Đặng Tấn Phi (thôn Phước Thuận) đang đổ đất, đá kè lại phần móng nhà và chái bếp đã bị nước sông cuốn đi. Ông còn cẩn thận lợp mái tôn phía sau và bên hông của căn nhà để nước mưa không thấm xuống móng nhà. Ông Phi cho biết, phần móng nhà đã bị nước sông “giật” ra làm hổng chân, nếu không che chắn, để nước mưa ngấm vào sẽ dễ bị sập nhà. Nhớ lại cảnh một phần ngôi nhà bị nước sông cuốn sập vào cuối năm ngoái, ông Phi lo lắng nói: “Mấy chục năm sống cạnh bờ sông, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến dòng nước chảy mạnh và xiết như thế, đất đá đổ sụp từ từ xuống sông và kéo theo cả phần móng nhà, nhà bếp, nhà vệ sinh của gia đình. Sau mưa lũ thì căn nhà của tôi bắt đầu xuất hiện những vết nứt lớn từ móng nhà lên đến mái”. Để ổn định cuộc sống, gia đình ông Phi đã kè lại phần đất và nhà đã bị sập với chi phí khoảng 50 triệu đồng.
Cùng chung nỗi lo sạt lở
Không chỉ gia đình bà Hoa, ông Phi luôn thấp thỏm, mà hàng chục hộ sống dọc sông Lốp cũng chung nỗi lo này. Đi dọc bờ sông, chúng tôi nhận thấy rất nhiều chỗ sông “ăn” sâu vào bờ, sát đường đi, tạo thành những hố sâu. Đặc biệt là ở thôn Quang Đông, hàng loạt nhà dân có nguy cơ bị rớt xuống sông do bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, chỉ còn cách nhà dân từ 1 đến 3m. Bà Nguyễn Thị Nhiệm (thôn Quang Đông) hàng xóm với nhà bà Hoa cho hay, khi thấy nhà bà Hoa bị sập, mọi người trong thôn đều lo lắng, mất ăn mất ngủ, bởi phần lớn các nhà ở đây đều bị nứt, giật móng nhà, có chỗ nứt rộng hơn 20cm. Theo người dân trong thôn, ngoài mưa lũ, nguyên nhân dẫn đến dòng sông kéo nhà, kéo đất của dân là do nạn khai thác cát. “Cách nhà tôi khoảng 1km, người ta khai thác cát rất nhiều. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân khiến sông bị sạt lở, làm nứt nhà dân”, bà Hoa nói.
Tuy sạt lở không nghiêm trọng như ở thôn Quang Đông nhưng các hộ ở thôn Phước Thuận cũng nơm nớp lo sợ cảnh sạt lở. Sống cạnh gia đình ông Phi, tận mắt chứng kiến dòng sông hung dữ cuốn trôi đất đá và một phần căn nhà hàng xóm, bà Trần Thị Kim Hoa cũng bày tỏ lo lắng: “Trước đây, phần đất sau nhà tôi còn có mấy bụi tre, trúc nhưng hiện nay cũng bị giật xuống sông, mép nước đã lấn sâu vào móng nhà. Căn nhà đã quá cũ và lụp sụp, gia đình tôi muốn sửa chữa, xây mới nhưng với tình trạng sạt lở như vậy, tôi sợ không làm được”. Nguyện vọng lớn nhất của các hộ sống cạnh bờ sông là mong Nhà nước sớm làm kè để họ yên tâm sinh sống, làm ăn và thoát khỏi cảnh thấp thỏm, lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về.
Dành 50 tỷ đồng xây kè bờ sông
Ông Lê Quang Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Đông cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có 2 đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể là đoạn ở thôn Quang Đông dài khoảng 100m, sâu 10m và đoạn ở thôn Phước Thuận dài 50m, sâu 10m, đã có 2 nhà bị sập phần chái sau. Ngoài ra, còn có khoảng 200 hộ nằm dọc đoạn sông này có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mùa mưa lũ sắp tới. Khi xảy ra 2 vụ sập nhà dân, xã đã xuống kiểm tra, hỗ trợ tạm thời cho hộ bà Nguyễn Thị Hoa 2 triệu đồng để làm kè và vận động hộ này đến ở nơi an toàn như: nhà họ hàng, nhà cộng đồng, đình làng…; hộ còn lại đang xin cấp trên hỗ trợ. Xã cũng đã kịp thời báo cáo UBND thị xã để có hướng giải quyết như: sớm xây dựng kè ở những nơi xung yếu; quy hoạch lại khu dân cư…
Vừa qua, đoàn kiểm tra của UBND thị xã Ninh Hòa do ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã dẫn đầu đã tiến hành khảo sát thực tế các đoạn sông sạt lở nặng, các hộ bị sập nhà, bị ảnh hưởng… Ông Thuận cho biết, qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn có 16 hạng mục như: cầu, đập tràn, một số đoạn sông... cần được sớm sửa chữa, xây mới kè.
Được biết, thị xã đã lập xong dự toán đầu tư ở những khu vực này với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng, sẽ triển khai thực hiện trong năm 2017 - 2018. Trước mắt UBND thị xã sẽ ứng vốn trước cho các doanh nghiệp để xây kè ở những khu vực xung yếu thuộc thôn Quang Đông, Phước Thuận của xã Ninh Đông và một số đoạn chảy qua xã Ninh Quang. Sau khi nguồn vốn tỉnh cấp về sẽ tiếp tục đầu tư những đoạn tiếp theo. Trong thời gian chờ xây dựng kè, thị xã đã chỉ đạo các xã phải vận động những hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở di dời khi mùa lũ sắp tới. Đối với những hộ không có nơi di dời thì bố trí cho họ sống tạm ở nhà cộng đồng hoặc đình làng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân.
Ông Thuận chia sẻ: “Theo tôi, tình trạng khai thác cát cũng là một nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính mà là do vừa qua lũ lụt quá lớn và kéo dài. Đối với tình trạng khai thác cát, UBND thị xã đã tổ chức nhiều đợt đi kiểm tra nắm tình hình, chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm”.
DUNG LY