Nông dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang vào vụ thu hoạch rộ xoài trong cảnh phập phồng "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Hiện tại, một số giống xoài chủ lực của địa phương đang dần chững giá, nên nông dân bắt đầu băn khoăn chuyện "cắt - ghép" xoài.
Nông dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang vào vụ thu hoạch rộ xoài trong cảnh phập phồng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Hiện tại, một số giống xoài chủ lực của địa phương đang dần chững giá, nên nông dân bắt đầu băn khoăn chuyện “cắt - ghép” xoài.
Giá hạ nhanh
Nghỉ tay sau cả buổi tỉa lá, bên vườn xoài hanh nắng, ông Lê Văn Rồng (thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây) cho biết: Năm ngoái, 1 mẫu vườn (10.000m2) nhà ông có 70 cây xoài Úc ghép từ xoài canh nông (xoài tây), năm nay tăng lên 150 cây, cộng với 8 cây xoài tây, 15 cây xoài Đài Loan. Do biết xử lý kỹ thuật nên vườn xoài của ông đậu trái khá. Tuy nhiên, sản lượng tốt cũng không mang lại thu nhập cao khi giá hạ. Hơn nửa tháng trước, khi xoài nhà ông chưa cho thu hoạch, giá xoài Úc loại 1 là 60.000 đồng/kg, loại 2 từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, loại 3 (xoài bia) 8.000 - 10.000 đồng/kg. Chỉ 2 tuần sau, giá xoài đã hạ hơn một nửa. Giá xoài tây từ 22.000 - 25.000 đồng/kg cũng giảm còn 15.000 - 17.000 đồng/kg. Xuống giá nhất là xoài Úc. Mùa xoài trái vụ Tết vừa qua, giá xoài Úc cao nhất chỉ 70.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng so với Tết năm trước. Hiện nay, ông Rồng mới thu hoạch từ 8 gốc xoài tây hơn 1 tấn trái, lãi 10 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, phần lớn hy vọng của ông vẫn trông vào cây xoài Úc. “Tôi đã đầu tư gần 70 triệu đồng vào vụ xoài này và đang cố “treo giá”, chưa bán. Nhưng cũng chỉ giữ thêm được chừng nửa tháng. Quá thời hạn này, xoài Úc già trái, chín đỏ, dù giá hạ nữa cũng phải bán”, ông Rồng nói.
Bà Trần Thị Lệ Thu ở gần đó cũng ở tình cảnh khi giá cao thì xoài chưa chín. Không dám “treo giá” như ông Rồng, bà vừa bán gần chục tấn trái từ 160 cây xoài Úc, trừ chi phí, lãi 30 triệu đồng, ít hơn năm ngoái 70 triệu đồng. Nhà bà Lê Thị Lệ (thôn Tân Hải) trồng 200 gốc xoài Úc và 50 gốc xoài cát Hòa Lộc cũng vừa bán được 30 triệu đồng. “Thế cũng may mắn rồi, nhiều nhà không đậu trái hoặc bán chậm, phải chịu giá thấp”, bà Lệ nói.
Buồn vui lẫn lộn, ông Nguyễn Đình Kỷ (tổ dân phố Bãi Giếng Bắc, thị trấn Cam Đức) cho biết, ông chỉ có 5 cây xoài Úc, còn 7 sào xoài tây không thể ghép xoài Úc vì nơi này hiếm nước. Năm nay, khi xoài tây ra lá non thì bị bọ trĩ ăn đen lá, xịt thuốc không lại vì mưa suốt nên ông bỏ luôn. Bù lại, do xoài Úc ra trái sớm nên ông bán được giá 45.000 đồng/kg, thu gần 2 triệu đồng.
Một trong số hộ phải chịu giá thấp là ông Trần Văn Điệu (tổ dân phố Tân Hòa 2, thị trấn Cam Đức). Với 1,4 mẫu xoài Úc và cát Hòa Lộc, nhà ông hiện nay mới thu hoạch loại xoài cát Hòa Lộc (chiếm gần 50%). Nhưng với giá 25.000 đồng/kg, ông chỉ thu được 40 triệu đồng, hụt so với năm ngoái 60 triệu đồng.
Trái ngược với tâm trạng của nông dân, tại các vựa xoài, cảnh thu mua khá tấp nập. Tại vựa Trường Lan (xã Cam Hải Tây), xe tải, xe máy chở xoài tấp nập đổ về vựa. Người bốc dỡ xoài, người phân loại, cắt cuống, gói bọc, đóng thùng, vác lên xe tải chuyển đi. Theo anh Trương Thanh Trường, chủ vựa, gần đây, anh phải huy động 15 người, làm liên tục cả ngày lẫn đêm cho kịp việc. Hiện nay mỗi ngày, anh thu mua 15 - 20 tấn xoài Úc và khoảng 1 - 2 tấn xoài khác, trong khi năm ngoái thu chừng 10 tấn/ngày. So với cùng kỳ năm ngoái, nông dân chủ yếu thua thiệt về giá. “Năm nay, Trung Quốc đã trồng được xoài Úc nên nửa tháng trước, vào vụ thu hoạch, họ ngưng nhập hàng để đảm bảo tiêu thụ hết hàng trong nước. Thời gian đó, tôi phải chuyển ngược xoài về bán tại Hà Nội với giá 28.000 đồng/kg, dù đã trót thu mua với giá 40.000 đồng/kg, chịu lỗ gần 200 triệu đồng. Dù vậy, tôi còn có thể mua tiếp bù dần lại, nhưng những người đặt tiền mua trước cả vườn mới khốn đốn, vì giá xoài hạ quá nhanh. Hiện nay, thị trường Trung Quốc đã thu mua trở lại nhưng giá mới 25.000 - 30.000 đồng/kg, khả năng đến cuối vụ cũng chỉ nhích thêm chút ít”, anh Trường nói.
Băn khoăn chuyện “cắt - ghép”
Theo nhiều nông dân, 3 năm trước, với giá thu mua rất cao, đầu tư vào trái xoài Úc có thể cho lãi hàng trăm triệu đồng/ha. Còn năm nay, những vườn đậu trái tốt, bán đầu vụ có thể lãi vài chục triệu đồng. Tuy hiệu quả đầu tư của trái xoài Úc vẫn cao hơn xoài khác, nhưng với diện tích chuyển đổi ngày càng tăng, trong khi thị trường tiêu thụ chưa mở rộng nên câu chuyện đầu ra còn vướng mắc.
Toàn huyện Cam Lâm hiện có khoảng 4.700ha xoài các loại, trong đó diện tích xoài Úc chuyển đổi tăng từng năm, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây và hiện đã chiếm khoảng 40%. Ở xã Cam Hải Tây, nơi có diện tích xoài lớn nhất huyện, toàn xã có 975ha thì xoài Úc chiếm 500ha, tăng 50ha so với năm ngoái. Diện tích xoài Úc ở xã Cam Thành Bắc cũng đã tăng thêm 15% trong năm ngoái, hiện nay chiếm 70% trong tổng số 800ha xoài toàn xã, riêng năm nay không tăng thêm. Tại xã Cam Hiệp Bắc, 80% trong 250ha xoài là xoài Úc. Nông dân không chỉ ghép xoài canh nông và các loại xoài khác sang xoài Úc, mà còn chuyển đổi cả một số diện tích mía kém hiệu quả sang trồng mới xoài Úc. 3 năm qua, riêng diện tích chuyển đổi này ước hơn 100ha.
Anh Trường cho biết, khi phân loại xoài, anh đã lựa rất kỹ. Trái xoài Úc phải to tròn, căng da, không xây xát, không chấm đen và ửng đỏ mới đạt loại 1. Nhưng xuất sang Trung Quốc vài ngày, đôi khi vẫn bị gửi hình phản hồi và trừ tiền vì trái xoài xuất hiện đốm đen. Đó là do trong quá trình cắt cuống, bao gói, người làm sơ ý để dính mủ lên trái, khiến xoài mất mã. So với thị trường Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, phía Trung Quốc thu mua giá cao hơn, nhưng yêu cầu ngày càng khắt khe. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ xoài Úc chủ yếu của vựa anh và nhiều vựa khác.
Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định, từ những năm trước, huyện đã khuyến cáo người dân không chuyển đổi ồ ạt sang trồng xoài Úc. Mới đây, huyện đã hoàn thành việc công bố nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm đối với 3 loại xoài tươi (Úc, cát Hòa Lộc, canh nông). Đây là một trong những nỗ lực của huyện trên con đường xây dựng thương hiệu xoài Cam Lâm, qua đó nâng giá trị cho trái xoài địa phương. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Hội Những người trồng xoài huyện để được hỗ trợ về kỹ thuật, sản xuất theo hướng VietGAP, được dán nhãn hiệu, qua đó gây dựng lòng tin cho người mua. Chính ông Ta cũng từng trăn trở về rủi ro tiềm ẩn từ thị trường Trung Quốc khi nhiều lần nông sản Việt Nam bị ùn ứ ở các cửa khẩu do thị trường này ngưng nhập. Ông lo lắng, nếu nông dân tiếp tục chuyển đổi các loại xoài khác sang xoài Úc, khi nguồn cung nhiều, người mua ép giá, nông dân không khỏi bị thiệt.
Hiện nay, đã có nông dân băn khoăn về hướng đầu tư. Ông Rồng lo ngại phỏng đoán: “Cứ đà rớt giá thế này, có thể trồng xoài Úc chừng 3 năm nữa là không lãi, phải chặt bỏ cho xoài tây lên lại. Xoài tây xuống giá còn làm được bánh xoài, cho lời gấp đôi, chưa kể còn tiền thu từ bán hột xoài”. Theo ông Lâm Ngọc Xuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc, một số hộ ở xã bắt đầu e dè với xoài Úc, bởi tuy còn lãi nhưng giá xoài giảm nhanh trong vụ và giảm nhiều so với 3 năm trước. Ông Huỳnh Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Bắc cũng cho biết, hiện nay, một số hộ ở xã có ý định sẽ cắt xoài Úc, ghép lại xoài cát Hòa Lộc, hoặc tứ quý nếu giá xoài Úc vẫn tiếp tục giảm hoặc duy trì ở mức thấp.
Ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội Những người trồng xoài huyện thông báo tin vui: “Vừa qua, một số doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh đã liên hệ, đặt vấn đề với hội để thu mua xoài Cam Lâm”.
Ngang qua xã Cam Hải Tây giữa trưa nắng chói chang, bắt gặp một nông dân đang ghép nốt những đọt xoài Úc cuối cùng, chúng tôi chợt nhớ chia sẻ của ông Thanh: “Để xây dựng thành công thương hiệu xoài Cam Lâm, cần định hướng, quy hoạch cụ thể diện tích trồng và xác định đầu ra từng loại xoài; tránh phát triển ồ ạt một loại, vì khi thị trường biến động, nông dân khó khăn, khi đó điệp khúc “cắt - ghép” xoài sẽ lại tiếp tục. Bên cạnh đó, cần giải quyết nước tưới, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP để nông dân có thể sản xuất được trái xoài đảm bảo chất lượng, phục vụ trong nước và xuất khẩu”.
NHÓM PHÓNG VIÊN