63 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những đêm "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non" của những người lính Điện Biên năm nào vẫn còn vẹn nguyên, chưa bao giờ phai mờ...
63 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” của những người lính Điện Biên năm nào vẫn còn vẹn nguyên, chưa bao giờ phai mờ...
Thời hoa lửa
Các chàng trai, cô gái đôi mươi, tràn đầy nhiệt huyết, từng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử nay đã là những cựu chiến binh ở tuổi xưa nay hiếm. Vậy mà khi nhắc đến Điện Biên, trong họ vẫn đầy ắp những ký ức không thể nào quên về trận chiến lịch sử hào hùng của dân tộc. Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Mai (ở 15 Hoa Lư, TP. Nha Trang) - Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên tại Khánh Hòa năm nay đã 83 tuổi, sức khỏe đã yếu, nhưng khi được hỏi về chiến thắng Điện Biên Phủ, ông vẫn còn nhớ rất rõ. Năm 1950, ông Mai tình nguyện viết đơn đi bộ đội, gia nhập Đại đoàn 316. “Ngày đó, cả nước hướng lên Điện Biên với khí thế sục sôi. Dọc đường hành quân, chúng tôi gặp từng đoàn dân công hỏa tuyến, xe tải nườm nượp hướng lên Điện Biên khiến ai ai cũng thấy hào hứng, phấn khởi”, ông kể.
Sau khi đánh địch ở Lai Châu, Đại đoàn 316 tiếp tục tiến về Điện Biên. Lúc ấy, ông Mai là Khẩu đội trưởng khẩu 12 ly 8, Tiểu đoàn 536, được lệnh bảo vệ đèo Pha Đin để đưa xe pháo của đại đoàn tiến quân, đồng thời giúp dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, vũ khí lên Điện Biên. Ông Mai còn nhớ lần đơn vị nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập trung lực lượng, giải cứu đoàn xe vận tải hàng hóa, đạn dược của bộ đội khi qua đèo Pha Đin. Lúc này, khi “đánh hơi” được đoàn xe pháo của ta sẽ qua đèo Pha Đin vào chiều tối, hàng chục lượt máy bay trinh sát của địch dội bom xuống trận địa. Khẩn trương hộ tống đưa xe qua đèo, ông Mai cùng các đồng đội đã chiến đấu dưới mưa bom, lửa đạn để bảo vệ đoàn xe vượt qua an toàn.
Tiếp dòng hồi ức, ông Đặng Ngọc Chỉnh (86 tuổi, ở 14 Trần Phú, Vĩnh Nguyên, Nha Trang) - nguyên lính bộ binh Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 kể, tháng 3-1954, đơn vị của ông được điều từ Lào về đánh Bản Kéo. Khi các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị ta tiêu diệt, quân địch ở cứ điểm Bản Kéo bị cô lập. Trước tình hình đó, đơn vị ông Chỉnh tiến đánh sát hàng rào địch, pháo đồng loạt nã đạn vào đồn, quân địch hoảng loạn giương cờ trắng ra hàng. Tháng 4-1954, bằng chiến thuật thọc sâu, chia cắt, đánh nhanh diệt gọn, đơn vị ông Chỉnh tiếp tục đánh chiếm các cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh.
Ông Chỉnh kể: Khi đánh vào các cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh, quân địch chống trả rất ác liệt. Do đó, để tiến sát, chúng tôi đã nghĩ ra cách dùng rơm quấn vòng tròn thành độn lớn lăn về phía trước cản đạn để nằm đào giao thông hào. Độn rơm lăn đến đâu, giao thông hào được đào đến đó. Nhờ vậy, quân ta giảm thương vong đáng kể, tiến sát cứ điểm của địch. Quân ta vừa bao vây, vừa cho bộ đội bắn tỉa nên địch bị thương vong nhiều, co cụm chui xuống hầm ẩn nấp. Sáng 22-4-1954, quân ta đồng loạt nổ súng công đồn. Cùng với pháo binh yểm trợ, đơn vị của ông Chỉnh tiến đánh hất tung hàng rào dây thép cuối cùng của địch. Tiếng hô xung phong át cả tiếng đạn. Sau hơn một giờ công đồn, quân ta đã đẩy lùi 2 tiểu đoàn, bắn cháy nhiều xe tăng, bắt sống nhiều tù binh và thu giữ nhiều vũ khí của địch. Con đường tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tại khu lòng chảo này bị quân ta cắt ra làm nhiều mảnh và vô hiệu hóa. Đến chiều 22-4, quân ta đã làm chủ sân bay Mường Thanh...
Vui mừng chiến thắng
Có mặt ở trận đánh Điện Biên Phủ, ông Lê Thanh (86 tuổi, ở 197 Ngô Gia Tự, Nha Trang) - nguyên lính Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 kể, sau khi bị mất các cứ điểm và sân bay Mường Thanh, quân địch đã xây dựng đồi A1 trở thành điểm mạnh nhất Điện Biên Phủ, với hệ thống hầm ngầm vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều lính tấn công. Quân ta tổ chức 4 đợt tiến công liên tục nhưng cũng chỉ chiếm được 1 nửa đồi. Trước tình thế đó, quân ta đã quyết định đào một đường hầm bí mật, đưa tấn bộc phá TNT vào lòng đồi A1 và cho nổ tung vào ngày 6-5, làm cho quân địch hoang mang. Với khí thế đó, quân ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm bảo vệ sở chỉ huy của tướng Đờ Cát. Đến chiều 7-5, tướng Đờ Cát dẫn đầu quân địch ra hàng, tập đoàn Điện Biên Phủ sụp đổ hoàn toàn. Nhớ về giây phút ấy, ông Lê Thanh sôi nổi: “Khi chiếm được sở chỉ huy, lá cờ Tổ quốc bay trên nóc hầm, từng đoàn quân địch cầm cờ trắng từ trong lòng đất đi lên. Chúng tôi từ trong các chiến hào nhảy lên mặt đất ôm nhau hò reo mừng chiến thắng. Trong thời khắc ấy, niềm vui sướng thật khó tả thành lời. Rồi khi chúng tôi được nghe thư Bác Hồ gửi khen ngợi, ai ai cũng vui sướng vô cùng”.
Đến bây giờ, khi nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Thanh Mai vẫn cảm thấy lâng lâng “men say” chiến thắng. Ông Mai bày tỏ: “Tướng Đờ Cát giương cờ trắng dẫn đầu đoàn quân từ dưới hầm đi lên, cả chiến trường Điện Biên ầm vang tiếng reo hò của quân và dân ta. Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết ôm nhau nhảy múa vui mừng”. Kể đến đây, ông Mai bùi ngùi: “Chiến thắng lớn, lẫy lừng là vậy nhưng bộ đội ta cũng không ít mất mát hy sinh. Tôi là một trong những người may mắn trở về, còn nhiều anh em, đồng đội mãi mãi không trở lại. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy, tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh ngay trước mắt”.
Sống mãi với Điện Biên
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng là một sự kiện trọng đại trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đã thể hiện sự kiên cường của quân và dân ta, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo và tài thao lược trong chỉ đạo, điều hành chiến tranh của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong câu chuyện của mình, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa luôn bộc lộ lý tưởng sống, chiến đấu rất cao đẹp. Với họ, được góp mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một vinh dự, một niềm tự hào. Trở về với cuộc sống thời bình, họ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ để xây dựng quê hương, tích cực tham gia xây dựng chính quyền tại địa phương, giáo dục con, cháu trở thành người có ích cho xã hội. Chính vì thế, năm 1994, Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên tại Khánh Hòa được thành lập. Hàng tháng, các thành viên trong ban liên lạc tổ chức họp mặt, cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Đặc biệt hơn, ban liên lạc phân công trách nhiệm cho mỗi thành viên thường xuyên đi kể chuyện lịch sử Điện Biên Phủ tại các trường học. Bởi chính các thành viên trong ban liên lạc là nhân chứng sống, những câu chuyện của họ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử mà cha ông ta đã anh dũng hy sinh giành lại độc lập, tự do.
Giờ đây, các thành viên trong Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên tại Khánh Hòa chỉ còn lại 12 người và tất cả đều đã già yếu. Thế nhưng, ký ức về Điện Biên vẫn vẹn nguyên, luôn hiện hữu trong ký ức mỗi người. Với những chiến sĩ Điện Biên mà chúng tôi được gặp, trong họ luôn đau đáu niềm mong mỏi: “Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hãy phát huy truyền thống, không được phép quên lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của cha ông ta”.
Âm vang Điện Biên mãi trường tồn, mãi lan xa, mãi khắc ghi trong tim mỗi người dân Việt Nam và bạn bè khắp thế giới. Những người con Khánh Hòa có mặt trong các đoàn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, bộ đội chủ lực, đã hết lòng phục vụ, chiến đấu hy sinh. Chính những con người bình dị mà anh dũng ấy đã làm nên những trang sử chói lòa, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ/Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi/Tự hào thay Điện Biên, tự hào thay Việt Nam!
VĂN GIANG