Sau khi Trại Tình thương Suối Lùng (tiền thân của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Khánh Hòa) di chuyển khỏi thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm), hàng chục hộ đã tự ý lấn chiếm khu đất này.
Sau khi Trại Tình thương Suối Lùng (tiền thân của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Khánh Hòa) di chuyển khỏi thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm), hàng chục hộ đã tự ý lấn chiếm khu đất này. Bên cạnh xây dựng nhà cửa, sang nhượng trái phép, cơ sở vật chất của trại cũng bị chiếm dụng, mua bán.
Tự do lấn chiếm, sang nhượng
Từ khi Cụm công nghiệp Trảng É được triển khai xây dựng, thông tin Tỉnh lộ 3 sẽ được nâng cấp, cải tạo đã khiến nhiều người tìm đến thôn Khánh Thành Nam tìm mua đất đón đầu các dự án. Trong vai những người đi mua đất, chúng tôi được người phụ nữ tự xưng tên Hai (ở thôn Khánh Thành Nam) mời vào xem khu đất của nhà bà nằm sát Suối Lùng (đối diện Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hồng Bàng). Chỉ cho chúng tôi lô đất hơn 300m2, bà Hai ra giá: “Các chú mua, tôi để lại cho 80 - 90 triệu đồng”. Khi chúng tôi thắc mắc khu đất rộng như vậy lại có giá thấp thế, bà thật thà cho biết: “Đất ở đây không có giấy tờ, tôi mua lại từ đất lấn chiếm của Trại Tình thương Suối Lùng trước đây. Ban đầu cũng sợ, nhưng bây giờ người ta ở nhiều rồi, chắc không sao”!
Thấy có người đến hỏi chuyện mua đất, người phụ nữ tên Bình nhà cạnh đó cũng sang giới thiệu về căn nhà cấp 4 của người quen, giáp ranh với khu đất của bà Hai, do hoàn cảnh gia đình, phải chuyển về quê sinh sống nên muốn bán lại với giá 270 triệu đồng. “Khu đất rộng gần 250m2, có sẵn nhà. Mai mốt cụm công nghiệp đi vào hoạt động, các anh chỉ cần sửa sang lại chút ít là có thể cho thuê”, bà Bình nói. Hỏi về nguồn gốc nhà đất, bà Bình cho hay, đất này có nguồn gốc từ việc lấn chiếm của Trại Tình thương Suối Lùng. Quá trình mua bán, sang nhượng qua nhiều tay, cuối cùng người quen của bà mua lại, cất nhà để ở. “Nguồn gốc cũng như việc mua bán nhà, đất ở đây đều diễn ra như thế cả”, bà Bình nói.
Nghe chúng tôi chê giá của căn nhà này quá đắt, bà Bình liền chỉ sang nhà mình và bảo: “Hay tôi bán lại nhà của tôi, đất rộng hơn 210m2, có nhà, giá 250 triệu đồng”. Thấy chúng tôi không yên tâm khi mua đất lấn chiếm, bà Bình tiếp lời: “Trại Tình thương chuyển đi lâu rồi, chúng tôi ở đây đã mười mấy năm có sao đâu. Chúng tôi đã làm đơn lên xã xin cấp sổ đỏ, hiện đang chờ…!”. Để người mua yên tâm, bà Bình còn cho biết: “Mua bán bằng giấy tay nhưng có xác nhận của địa chính xã”.
Nghe chúng tôi phản ánh về tình trạng sang nhượng tràn lan đất của Trại Tình thương Suối Lùng, bà Đỗ Thị Hồng Xuân - cán bộ địa chính xã Suối Cát cho hay: “Tình trạng lấn chiếm, sang nhượng đất Trại Tình thương Suối Lùng diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay, nóng nhất là năm 2005, khi đó đất đang sốt. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng giấy viết tay, địa chính xã chưa xác nhận cho bất cứ trường hợp nào. Năm 2012, có 65 hộ ở khu vực này làm thủ tục xin cấp sổ đỏ theo dự án VLAP nhưng chưa được cấp vì đây là đất đang thuộc quản lý của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh”.
Đi tìm nguồn gốc đất
Để tìm hiểu thực hư về nguồn gốc khu đất này, chúng tôi đã đến nhiều nơi, tìm gặp nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Tìm đến Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh), chúng tôi mới biết, hiện nơi đây còn lưu giữ hàng trăm giấy tờ liên quan đến khu đất này. Theo đó, năm 1989, UBND TP. Nha Trang có quyết định giao 15ha đất tại Suối Lùng cho Sở LĐ-TB-XH để xây Trại Tình thương Suối Lùng làm nơi chữa trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy. Khi tiếp nhận, đơn vị chức năng đã dành một phần đất xây dựng cơ sở vật chất, phần còn lại dùng để sản xuất phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người cai nghiện. Thời điểm đó, khu vực này còn hoang sơ, chủ yếu là đồi núi, do đó ban quản lý trại đã tiến hành khai hoang thêm được hơn 7ha đất. Đến năm 1995, UBND tỉnh quyết định chuyển Trại Tình thương Suối Lùng về khu vực Sông Lô (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) và nâng cấp thành Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục và Dạy nghề Khánh Hòa (nay là Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh). Đồng thời, toàn bộ khu đất tại Suối Lùng vẫn giao cho trung tâm làm nơi trồng xoài và bạch đàn để lấy nguồn thu phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người nghiện.
Kể từ khi trung tâm chuyển về Phước Đồng, khu đất Suối Lùng không được thường xuyên quản lý, nên người dân ở các địa phương khác kéo đến lấn chiếm, chặt phá cây trồng, phân lô xây nhà ở trái phép. Khi biết được thực trạng, đơn vị chủ quản cùng với chính quyền địa phương đã nhiều lần trực tiếp làm việc với các hộ lấn chiếm, yêu cầu trả lại đất cho trung tâm nhưng kết quả đều không thành.
Ông Trần Quốc Thông - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: “Thời điểm tôi làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, tôi đã cùng với địa phương lập biên bản 26 hộ lấn chiếm. Để giữ đất, chúng tôi đã dựng bản đồ, làm hàng rào vây khu đất lại, đưa lực lượng lên canh giữ. Nhưng chỉ được vài tháng, người dân lại kéo lên chiếm đất, đập phá cơ sở vật chất, hàng rào, xây nhà ở. Phát hiện, chúng tôi lại lên lập biên bản, cứ nhiều năm như thế nhưng vẫn không đòi được đất. Đến khoảng năm 2008, UBND tỉnh đã thu hồi một phần đất, khoảng 5ha để giao cho đơn vị khác xây dựng Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe Hồng Bàng. Diện tích đất còn lại, hiện nay có 65 hộ đang lấn chiếm và xây nhà ở kiên cố. Đồng thời, các hộ này đã tự ý sang nhượng, bán đất trái phép qua nhiều người”.
Đâu là hướng giải quyết?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Đức Huệ - Chủ tịch UBND xã Suối Cát khẳng định: “Đến nay, xã chưa nhận được bất cứ quyết định nào liên quan đến việc giao lại diện tích đất của Trại Tình thương Suối Lùng cho xã quản lý. UBND xã kiến nghị, nếu Sở LĐ-TB-XH không có nhu cầu sử dụng diện tích đất này nữa thì tỉnh nên giao cho UBND xã quản lý”. Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Liệu xã có hợp thức hóa diện tích đất người dân lấn chiếm, mua bán trái phép này không?”, ông Huệ cho biết: “Nếu tỉnh giao diện tích này cho xã quản lý, địa phương sẽ tiến hành rà soát, xác định nguồn gốc đất của từng hộ; sau đó báo cáo cấp trên chỉ đạo xử lý theo quy định”.
Ngày 4-5, tại buổi làm việc với Đảng ủy xã Suối Cát, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tiến hành kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất tại Trại Tình thương Suối Lùng và một số dự án khác trên địa bàn xã. Qua đó, kịp thời tham mưu quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh để lãng phí tài nguyên và không để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất. |
Theo ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, nhiều năm qua, sở và Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, chính quyền địa phương đã mất rất nhiều thời gian, công sức “đòi lại” khu đất tại Suối Lùng nhưng đều thất bại. Việc người dân lấn chiếm đất đã có chủ là vi phạm pháp luật. Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh đã được đầu tư xây dựng nhiều năm ở xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh) nên cũng không có nhu cầu sử dụng khu đất ở Suối Lùng. Chính vì vậy, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần vào cuộc, lấy lại khu đất này để làm quỹ đất của tỉnh, sau này có thể chuyển đổi, cho thuê hoặc bán đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, mới tránh tình trạng đất của Nhà nước bị một số người dân chiếm dụng.
Ông Phạm Đức Tân - Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết, trước đây, khi trung tâm chuyển về xã Phước Đồng rồi chuyển lên xã Khánh Bình, điều kiện chăm sóc, điều trị cho người nghiện còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Do đó, trung tâm mới quyết tâm đòi lại khu đất để phát triển sản xuất, tạo nguồn thu bổ sung vào kinh phí điều trị cho người nghiện. Những năm gần đây, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm nên trung tâm hoạt động hiệu quả hơn. Chính vì thế, tỉnh nên có giải pháp lấy lại khu đất Suối Lùng làm quỹ đất để đầu tư vào lĩnh vực khác, tránh lãnh phí, làm lợi cho một số cá nhân.
PHÚ VINH - HẢI LĂNG