05:03, 11/03/2017

Kỳ cuối: Để tàu 67 vươn khơi

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc vay vốn đóng mới, câng cấp, cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị định (NĐ) 67 và NĐ 89 của Chính phủ, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành và đơn vị có liên quan.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc vay vốn đóng mới, câng cấp, cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị định (NĐ) 67 và NĐ 89 của Chính phủ, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành và đơn vị có liên quan.


Chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả vẫn khiêm tốn


Qua 2 năm triển khai NĐ 67 và NĐ 89 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, tuy gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng bước đầu đã có những kết quả nhất định. Ngư dân được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư, đóng mới những tàu cá có kích thước lớn, công nghệ khai thác hiện đại, thay đổi tư duy, tập quán khai thác. Việc hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên tạo điều kiện cho ngư dân tham gia chính sách giảm thiểu khó khăn, bù đắp rủi ro khi hoạt động trên biển… Những kết quả này là nhờ sự vào cuộc, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh. Cụ thể là nhiều cuộc họp liên quan đến việc triển khai NĐ 67 đã được tổ chức; UBND tỉnh đã chủ trì những cuộc đối thoại giữa ngư dân với các cơ quan có liên quan để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ.

 

UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn xung quanh việc thực hiện Nghị định 67
UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn xung quanh việc thực hiện Nghị định 67


Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp và ngư dân để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện NĐ 67 vào tháng 9-2016, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo NĐ 67 tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các đơn vị liên quan. Ông Đào Công Thiên đề nghị: “Bà con ngư dân liên hệ văn phòng lấy số điện thoại của tôi và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); nếu vướng mắc gì thì điện thoại trực tiếp cho giám đốc sở. Tôi hứa sẽ giải quyết đến nơi đến chốn, tạo điều kiện tối đa cho ngư dân vay vốn đóng tàu”.


Bên cạnh đó, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 113 cho phép tiếp tục triển khai các chính sách của NĐ 67, Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã có công văn số 63 chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện NĐ 67 và các quy định của Trung ương, NH Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện, phải báo cáo kịp thời nhưng khó khăn vướng mắc cho NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa để xử lý.


Tuy nhiên, trái ngược với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc nhanh chóng của NH Nhà nước, vẫn còn một số cơ quan chậm vào cuộc, khiến việc triển khai chính sách bị ảnh hưởng. Thực tế số ngư dân được vay vốn còn hạn chế. So sánh với các địa phương khác như Quảng Nam (đến cuối năm 2016 có 92 tàu đóng mới, 17 tàu nâng cấp, cải hoán; trong đó có 83 tàu khai thác, 9 tàu dịch vụ hậu cần được phê duyệt) hay Bình Thuận (đến cuối năm 2016 có 153 tàu đóng mới, 27 tàu nâng cấp, cải hoán; trong đó có 94 tàu khai thác, 59 tàu dịch vụ hậu cần được phê duyệt)… thì con số 54 tàu so với chỉ tiêu 160 tàu cá và 15 tàu dịch vụ hậu cần được Bộ NN-PTNT phân bổ cho tỉnh là khá khiêm tốn.


Tìm hiểu cụ thể được biết, hiện Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đã tiến hành ký kết hợp đồng tín dụng cho vay 14 tàu, với số tiền cam kết là 127,2 tỷ đồng, doanh số giải ngân 71,77 tỷ đồng, thu nợ 4,25 tỷ đồng, dư nợ còn lại 67,52 tỷ đồng. Tại NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa, có 6 khách hàng đã thực hiện ký hợp đồng tín dụng, với tổng số tiền 42,902 tỷ đồng; 4 khách hàng đang hoàn thiện hồ sơ để trình chủ trương cho vay, 1 khách hàng thực hiện cho vay thương mại và 1 khách hàng đã có thông báo từ chối cho vay. Trong khi đó, kết quả từ 4 NH thương mại khác có cho vay theo NĐ 67 vẫn còn rất khiêm tốn hoặc chưa có.


Những kiến nghị cần tháo gỡ


Theo chia sẻ của lãnh đạo Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, để NĐ 67 triển khai đạt kết quả, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của NĐ này, đặc biệt là những thủ tục, trình tự và điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nơi ngư dân cư trú phải hướng dẫn cụ thể những trường hợp đủ điều kiện vay vốn theo nghị định thì đăng ký, tránh trường hợp không đủ điều kiện, đăng ký theo phong trào dẫn đến mất thời gian trong việc thẩm định và xét duyệt cho vay. Để đẩy nhanh tiến độ cho vay theo NĐ 67 cần có sự hỗ trợ, phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, đặc biệt sự tham gia tích cực của các NH thương mại, vì khi có nhiều NH tham gia cho vay, ngư dân sẽ thuận lợi hơn, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn.

 

Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT: Việc đóng mới, nâng cấp tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh không chạy theo phong trào. Ngư dân Khánh Hòa rất có ý thức trong việc vay vốn theo NĐ 67; những hộ vay đều là hộ làm ăn thực thụ, quyết tâm phải trả được nợ vay. Đối với 54 tàu trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt, trong thời gian tới phải tìm cách tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành cho được 54 con tàu này.

Ông Nguyễn Duy Khánh - Phó Giám đốc NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng, để triển khai NĐ 67 được thuận lợi, về phía ngư dân cần phải nghiên cứu kỹ nội dung nghị định và các văn bản liên quan, lựa chọn đơn vị đóng tàu có năng lực, xác định phương án cụ thể cũng như tư tưởng, trách nhiệm trong việc vay vốn và kế hoạch hoàn trả nợ vay ngân hàng, tránh trường hợp đăng ký và làm theo phong trào. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần xây dựng, thiết kế các mẫu tàu cá đáp ứng yêu cầu của ngư dân; tổ chức truyền tải đầy đủ nội dung NĐ 67, nhanh chóng hướng dẫn các quy định như: nhập khẩu máy cũ, thực hiện việc hoàn thuế… Đối với bảo hiểm, cần phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng và NH để thực hiện nhanh chóng trong việc thay đổi các chính sách bảo hiểm khi chủ tàu có thay đổi về thiết kế, công suất máy, vật liệu để đảm bảo tiến độ đóng tàu cũng như giải ngân vốn vay.


Liên quan đến vấn đề bảo hiểm, theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 113, NH Nhà nước Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã có hướng dẫn thì Bộ Tài chính cũng cần nhanh chóng có hướng dẫn cho các đơn vị bảo hiểm để các chính sách được thực hiện đồng bộ.


Lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa còn đề nghị, các cơ quan chức năng cần sớm phê duyệt thiết kế tàu, tạo điều kiện cho ngư dân hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn NH; sớm ban hành bảng giá khai toán của từng loại tàu để NH có đầy đủ cơ sở thẩm định hồ sơ vay vốn. Đối với những chủ tàu cá đóng mới, nâng cấp theo NĐ 67 đã có trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt, nếu quá 12 tháng nhưng không tiến hành thực hiện dự án cần đưa ra khỏi danh sách.


Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh kiến nghị, về bảo hiểm, bên cạnh sớm có chỉ đạo thực hiện thì nên để nhiều đơn vị bảo hiểm tham gia, chủ tàu được lựa chọn đơn vị bảo hiểm để tránh tình trạng độc quyền. Về vấn đề thế chấp khi vay vốn theo NĐ 67, cần sửa đổi quy định: “Không bắt buộc thế chấp…” thành “tài sản thế chấp là tàu cá được đóng mới hình thành từ vốn vay, ngoài ra không kèm theo tài sản thế chấp khác”.  Về đối tượng vay, cần được mở rộng để các doanh nghiệp lớn có điều kiện tham gia hoạt động dịch vụ, khai thác thủy sản với đội tàu quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhằm phát triển kinh tế biển, kết hợp bảo vệ chủ quyền.


NHÓM PV

 


Kỳ 1: Niềm vui trên những con tàu mới
 


Kỳ 2: Những vướng mắc