12:03, 09/03/2017

Tàu 67 "mắc cạn"

Thực hiện Nghị định (NĐ) 67 về một số chính sách phát triển thủy sản và NĐ 89 sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 67, một số ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi đóng mới tàu cá để vươn khơi.

Thực hiện Nghị định (NĐ) 67 về một số chính sách phát triển thủy sản và NĐ 89 sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 67, một số ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi đóng mới tàu cá để vươn khơi. Thế nhưng, đến nay, tàu 67 vẫn còn “mắc cạn”, dù UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan đã nỗ lực tháo gỡ…


Kỳ 1: Niềm vui trên những con tàu mới


Không ít ngư dân đã vươn lên thành triệu phú nhờ làm ăn hiệu quả khi đóng mới tàu cá theo NĐ 67 và NĐ 89. Nhưng ở Khánh Hòa, vẫn còn nhiều ngư dân dè dặt khi nhắc đến chuyện vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu.

 

Tàu vỏ gỗ vẫn là lựa chọn của nhiều ngư dân
Tàu vỏ gỗ vẫn là lựa chọn của nhiều ngư dân


Những “triệu phú” 67


Tiếp chúng tôi trong căn biệt thự khang trang xây cách đây chưa lâu, ông Dương Văn Quang (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) không giấu được niềm vui sau những chuyến biển bội thu gần đây. Ông kể, đầu năm 2014, gia đình ông được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Nha Trang phê duyệt cho vay 5 tỷ đồng theo NĐ 67, đóng mới chiếc tàu cá vỏ composite 450CV chuyên nghề lưới vây. Đến đầu năm 2015, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) hạ thủy và bàn giao con tàu cho gia đình đưa vào khai thác. Đến nay, tàu cá đã đi hơn 20 chuyến biển, hàng tháng đem lại thu nhập khá cao cho chủ tàu và 18 thuyền viên. “Thu nhập từ tàu đóng theo NĐ 67 tăng gấp đôi so với tàu trước đây mà gia đình tôi sử dụng. Chỉ sau 2 năm hoạt động, đến nay, tôi đã trả được một nửa số tiền vay của ngân hàng. Sau khi trừ tất cả chi phí, tôi còn lãi ròng 500-600 triệu đồng/năm”, ông Quang nói.


Khi chúng tôi đến thăm, ông Lê Tuấn Hiệp (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) đang chuẩn bị nhu yếu phẩm cho chuyến vươn khơi mới. Ông cho biết, đầu năm 2016, tàu cá của gia đình ông có công suất 800CV, hoạt động nghề mành chụp, có tổng trị giá 10,7 tỷ đồng, do Ngân hàng BIDV Khánh Hòa cho vay theo NĐ 67 đã bắt đầu những chuyến đi biển đầu tiên. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, mỗi chuyến biển sau khi trừ phí tổn, ông kiếm được 200 triệu đồng, chuyến ít cũng hơn 100 triệu đồng. Sau 1 năm làm ăn hiệu quả, đến nay, ông đã trả nợ vay được 465 triệu đồng. Ông hy vọng biển tiếp tục cho lộc, cứ đà này thì chẳng mấy chốc ông trả được tiền vay đóng mới tàu.

 

1
Một con tàu composite đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67


Ông Bùi Mông (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) cũng bắt đầu hưởng niềm vui sau khi đóng mới tàu cá công suất 800CV theo NĐ 67. Để đóng mới tàu cá, ông được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa cho vay 10,7 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào khai thác giữa năm 2016. Sau những chuyến biển cuối năm hiệu quả, lợi nhuận thu được mấy trăm triệu đồng, vừa qua, ông đã mua được nhà ở TP. Cam Ranh. Bây giờ, cuộc sống gia đình đã ổn định, ông chỉ chuyên tâm vươn khơi bám biển, khai thác con tàu sao cho hiệu quả để có tiền trả nợ ngân hàng. “NĐ 67 với những ưu đãi lớn về lãi suất là cơ hội cho ngư dân đóng mới, hiện đại hóa con tàu khai thác, cũng là động lực cho chúng tôi yên tâm vươn khơi, bám biển, tiến lên làm giàu trên các vùng biển của Tổ quốc”, ông Mông tâm sự.


Đó chỉ là 3 trong số nhiều tàu cá đóng mới theo NĐ 67 của ngư dân trên địa bàn tỉnh đã vươn khơi bám biển, làm ăn hiệu quả mà chúng tôi có dịp tiếp xúc.


Không còn nỗi lo mất an toàn


Trong câu chuyện với những ngư dân ra khơi trên những con tàu mới, chúng tôi được các chủ tàu và thuyền viên chia sẻ rằng: tàu được trang bị các thiết bị hiện đại, máy móc chất lượng nên chạy rất êm, mỗi khi gặp sóng lớn, mưa gió không còn phải lo tàu bị phá nước, bị đánh chìm. “So với tàu gỗ truyền thống, tàu composite khá an toàn, lướt sóng nhanh, không phải tốn kém chi phí bảo dưỡng, vỏ tàu không bị hàu, hà bám. Qua 2 năm hoạt động, tôi chưa phải đưa tàu lên bờ để bảo dưỡng lần nào”, ông Dương Văn Quang cho biết.

 

Chất lượng bảo quản hải sản trên tàu vỏ composite đóng mới tốt hơn  so với tàu gỗ cũ
Chất lượng bảo quản hải sản trên tàu vỏ composite đóng mới tốt hơn so với tàu gỗ cũ


Trong khi đó, ngư dân Bùi Mông cho biết: “Từ ngày chuyển sang sử dụng tàu mới, suốt cả chuyến đi chúng tôi không phải bơm dầu, bơm nước lắt nhắt như tàu gỗ. Trong khi đó, 10 hầm bảo quản trên tàu cách nhiệt rất tốt, có khi đi cả chuyến biển gần một tháng mà đá vẫn còn gần y nguyên nên chất lượng sản phẩm sau khai thác tăng lên, đồng nghĩa với giá bán cao hơn. Ngoài ra, biên độ lắc, chu kỳ lắc của con tàu cũng được xử lý hiệu quả nên êm hơn, trong điều kiện sóng gió cấp 5-6 vẫn nấu ăn bình thường”.


Với những thuyền viên, điều giúp họ an tâm hơn cả là các tàu cá đóng mới không chỉ an toàn hơn, máy móc, trang thiết bị hiện đại…, mà các vấn đề phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, sinh hoạt cũng được đảm bảo. “Đi trên tàu mới, nước ngọt để sinh hoạt không thiếu thốn như trước, nấu ăn cũng rất thuận lợi, lại có chỗ ngủ thoải mái, nhà vệ sinh sạch sẽ… Những điều này đã giúp cho thuyền viên có thể tái tạo sức lao động sau thời gian làm việc mệt nhọc. Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác của tàu mới khá hơn nên thu nhập của bạn thuyền cũng cao, ai cũng yên tâm gắn bó với chủ tàu”, ông Lê Hoàng Anh, bạn thuyền trên tàu cá của ông Dương Văn Quang nói.   


Vẫn còn e dè

 

Đến thời điểm này, Khánh Hòa có 54 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ theo NĐ 67. Trong đó, đóng mới 42 tàu và nâng cấp, cải hoán 12 tàu, với nhu cầu vốn vay khoảng 504 tỷ đồng. Đến cuối tháng 2, có 12 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp hạ thủy, đi vào hoạt động; đang triển khai đóng mới 7 tàu vỏ composite và 1 tàu vỏ thép. Ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng với tổng số tiền 107,56 tỷ đồng. Ngoài ra, có 57 chủ tàu tiếp cận vay vốn nhưng không được các ngân hàng thương mại cho vay, trả lại hồ sơ.

Mặc dù tàu cá đóng mới theo NĐ 67 vươn khơi khai thác hiệu quả, với nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng nhiều ngư dân vẫn tỏ ra e dè khi nói chuyện vay vốn đóng tàu. Ngư dân Nguyễn Văn Hào (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) cho rằng: “NĐ 67 dành nhiều ưu đãi cho ngư dân, lãi suất phải trả rất thấp nhưng chúng tôi không dám mạo hiểm, bởi nghề biển bây giờ bấp bênh, chỉ sợ làm không đủ trả nợ ngân hàng”. Theo phân tích của ông Hào, để đóng mới con tàu nghề lưới vây phải tốn khoảng 5-6 tỷ đồng, đó là chưa kể tiền mua sắm ngư cụ, trang thiết bị hàng hải. Nếu vay theo NĐ 67, chỉ tính riêng tiền vay con tàu, dù được ưu đãi lãi suất thì mỗi năm ngư dân cũng phải trả 400-500 triệu đồng. Mỗi năm đi chục chuyến biển, chỉ cần thua lỗ vài chuyến thì không còn tiền để trả nợ.


Trong khi đó, ngư dân Giã Cường (Hòn Rớ) cho biết: “Khi Nhà nước triển khai NĐ 67, tôi định làm hồ sơ để vay, nhưng hiệu quả của những chuyến biển trong mấy năm gần đây rất thấp, đi 10 chuyến mà chỉ được 4 chuyến, còn 6 chuyến lỗ. Bên cạnh đó, khi tham khảo các ngư dân khác, nhiều người bảo việc vay vốn gặp nhiều rắc rối nên tôi quyết định không làm hồ sơ nữa, tiếp tục sử dụng tàu gỗ”.


Những e ngại của hầu hết ngư dân mà chúng tôi gặp không chỉ dừng lại ở hiệu quả của các chuyến biển, mà việc tiếp cận NĐ 67 đang gặp nhiều vướng mắc từ nhiều phía.


Nhóm PV



Kỳ 2: Những vướng mắc

 

Kỳ cuối: Để tàu 67 vươn khơi