05:02, 11/02/2017

Vụ mía muộn

Hàng năm, vào thời điểm này, người trồng mía đã thu hoạch được gần nửa phần diện tích. Nhưng năm nay, nhiều địa phương mới chỉ lác đác vào vụ. Điều này khiến cho người dân lẫn các nhà máy đường đứng ngồi không yên...

Hàng năm, vào thời điểm này, người trồng mía đã thu hoạch được gần nửa phần diện tích. Nhưng năm nay, nhiều địa phương mới chỉ lác đác vào vụ. Điều này khiến cho người dân lẫn các nhà máy đường đứng ngồi không yên...


Lác đác vào vụ


Những ngày này, nông dân tại các địa bàn trọng điểm về mía như: thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, Cam Lâm… đã bắt đầu vào vụ thu hoạch mía. Qua trò chuyện, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm khi thời tiết thời gian qua quá khắc nghiệt khiến việc thu hoạch mía phải dời lại mấy lần do mưa lớn. Ông Nguyễn Đông, nông dân trồng mía tại thôn Ninh Sơn (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) đưa chúng tôi đi xem các chân ruộng mía vẫn đang ướt nhẹp do những trận mưa lớn, kéo dài trong dịp Tết vừa qua. “Xe cọc cạch vào tăng bo (trung chuyển) mía từ ruộng ra đường mà lún đến gần nửa bánh xe thì làm sao thu hoạch nhanh được. Những đoạn sình lầy, chúng tôi phải chất một ít mía còi xuống để xe qua”, ông Đông vừa chỉ đoạn xe cọc cạch tăng bo mắc lầy trên ruộng mía vừa nói.

 

 Chỉ mới lác đác vài hộ ở xã Ninh Tân vào vụ thu hoạch mía
Chỉ mới lác đác vài hộ ở xã Ninh Tân vào vụ thu hoạch mía


Trong khi đó, ông Trần Văn Toàn (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) cho hay: “Gia đình tôi có đến 12ha mía nhưng đến nay chỉ mới thu được 1ha, trong khi giờ này năm trước đã thu xong gần 50%. Mấy ngày nay nghe đài báo không khí lạnh tràn xuống, có thể gây mưa, chúng tôi sốt ruột không biết đến bao giờ mới thu hoạch xong”. Theo ông Toàn, năm nay thời tiết không mấy thuận lợi, đầu vụ thì nắng hạn phải bơm tưới cho mía liên tục; cuối vụ thì mưa như trút nước, ruộng mía lúc nào cũng ngập chân nên các nhà máy đường buộc phải lùi thời gian vào vụ sản xuất do việc vận chuyển khó khăn, cộng với thời tiết mưa nhiều, chữ đường trong cây mía thấp. Nhà máy vào vụ chậm thì nông dân cũng chậm thu hoạch. Như Công ty TNHH một thành viên đường Biên Hòa - Ninh Hòa mới vào vụ ép ngày 2-2, còn Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa vẫn chưa vào vụ sản xuất.


Tại các vùng mía: Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Hiệp Nam… ở huyện Cam Lâm hay các vùng mía: Diên Đồng, Diên Lâm, Diên Xuân… ở huyện Diên Khánh, thời điểm này mới chỉ lác đác vài hộ ra ruộng thu hoạch mía. Ông Đoàn Hữu Biên (thôn Tân An, xã Cam An Bắc) chia sẻ: “Tại Cam An Bắc chỉ mới có 5 - 6 hộ bắt đầu thu hoạch để bán cho Nhà máy Đường Phan Rang do nhà máy này vào vụ sớm, từ hôm 2-2. Còn phần lớn những hộ đăng ký bán mía cho Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa đến nay vẫn chưa chặt mía. Hôm rồi chúng tôi nghe thông báo phải đến gần ngày 20-2, công ty mới vào vụ ép, nguyên nhân là do mưa nhiều, việc vận chuyển khó khăn và chữ đường trong mía thấp”.

 

1
Mía của gia đình ông Đoàn Hữu Biên được đưa đi tiêu thụ tại Nhà máy Đường Phan Rang.


Qua trao đổi với lãnh đạo Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Cam Lâm, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa, chúng tôi được biết, trong tháng 12-2016, mưa kéo dài liên tục, đến cuối tháng 1, đầu tháng 2-2017, tại các địa phương lại có mưa trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày nên phần lớn các ruộng mía đều bị ngập khiến vụ mía năm nay chậm hơn so với mọi năm gần 2 tháng. “Mưa không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mía do mía chín không đều, chi phí thu hoạch tăng mà còn làm cho kế hoạch sản xuất của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh bị đảo lộn”, ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa nói.


Thiệt đơn, thiệt kép


Việc vào mùa chậm khiến người trồng mía thấp thỏm lo âu. Bên ruộng mía đang bắt đầu trổ cờ, ông Biên than: “Gia đình tôi trồng 6ha mà giờ mới chặt được mấy sào để bán cho Nhà máy Đường Phan Rang nhưng chữ đường rất thấp, chưa đến 9CCS, giảm khoảng 1,5CCS so với đầu vụ thu hoạch trước. Không chỉ vậy, chi phí nhân công chặt mía năm nay cũng cao, hiện nay 1.300 đồng/bó (tăng 30% so với vụ trước) do mía ngã đổ nhiều. Những điều này đã ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mía”.  


Ở thị xã Ninh Hòa, dù mía đã trổ cờ nhiều, song có rất nhiều diện tích bị ảnh hưởng do đợt mưa vừa qua. Ruộng lầy lội, các xe tải trọng lớn không vào được ruộng mía nên các nhà máy đường vẫn chưa có lệnh chặt mía ở các khu vực này. Ông Nguyễn Đông (thôn Tân Sơn, xã Ninh Tân) chia sẻ: “Đầu mùa thì nắng hạn, mía không phát triển được. Đến khi sắp thu hoạch, trời lại mưa liên tục. Chữ đường mấy ruộng mía mới thu hoạch thử thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành thu mua. Đã vậy, các ruộng mía bị ngập nước, xe không vào được nên chúng tôi phải tăng bo mía từ ruộng ra đường lớn khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Mỗi tấn mía, người dân phải tốn thêm 1 triệu đồng tiền trung chuyển. Tuy năng suất mía cao hơn năm trước, nhưng bị ảnh hưởng đủ đường thế này thì hiệu quả kinh tế cũng không cao”. Theo tính toán của ông Đông, năm nay năng suất mía ước đạt khoảng 40 - 60 tấn/ha tùy theo mía tơ hay mía gốc (năm trước chỉ 25 - 35 tấn/ha do hạn nặng) nhưng chữ đường giảm đầu vụ chỉ chưa đến 8,5CCS, thậm chí có nơi dưới 7CCS (năm trước hơn 10CCS) nên dù giá mía tăng hơn, hiện có giá 980.000 đồng/tấn mía 10CCS (năm trước 930.000 đồng/tấn mía 10CCS) thì sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lãi nhưng không cao.


Mùa mía năm nay, các nhà máy đường cũng bị ảnh hưởng nhiều do vào vụ ép chậm. Ông Dương Công Tiễn - Giám đốc Nhà máy Đường Khánh Hòa cho biết: “Diễn biến bất thường của thời tiết đã khiến kế hoạch thu mua mía bị chậm. Điều này làm thay đổi toàn bộ kế hoạch sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của nhà máy. Chúng tôi đang lo sẽ không có hàng để giao cho khách như đã cam kết. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề kinh doanh của nhà máy”. Trong khi đó, theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay của công ty cũng bị ảnh hưởng. Những ngày tới, công ty sẽ đẩy mạnh việc thu mua mía nguyên liệu, chạy hết công suất máy để giảm ảnh hưởng.


Khẩn trương trồng mía vụ mới


Để tránh bị thiệt hại trong niên vụ mía tới, nhiều nhà nông đã tất bật lo chuẩn bị mía giống, tìm nhân công, máy cày để thu hoạch mía xong sẽ tiến hành trồng mới mía tơ, chăm sóc mía gốc ngay. Ông Trần Văn Toàn chia sẻ: “Trên diện tích 1ha mía vừa mới thu hoạch xong, tôi đã liên hệ ngay với Nhà máy Đường Biên Hòa - Ninh Hòa đưa máy vào cày đất để kịp trồng lại mía cho niên vụ 2017 - 2018. Việc trồng lại mía sớm nhằm tận dụng đất đang ẩm ướt, cây mía sẽ nhanh phát triển, giảm chi phí bơm tưới, vừa kịp thời vụ. Hy vọng, năm nay thời tiết thuận lợi thì mùa mía sau mới đảm bảo chất lượng khi thu hoạch, nếu không người nông dân lại tiếp tục phải đối mặt với một mùa mía nhiều trắc trở”.


Nông dân ở các xã khác thuộc huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa… cũng chọn hình thức “cuốn chiếu”, thu hoạch đến đâu sẽ tiến hành trồng lại, chăm sóc ngay đến đó. Tuy nhiên, điều khiến nhà nông lo lắng là với cách làm này sẽ không có nhân công để vừa đảm bảo thu hoạch vừa lo trồng lại mía mới. Ông Đoàn Sơn (thôn Tân An, xã Can An Bắc, huyện Cam Lâm) nói: “Khoảng sau ngày 20-2, khi mía chín rộ và đều, các nhà máy đồng loạt vào vụ, khi đó nhà nhà thu mía, tìm được nhân công thu hoạch mía đã khó thì tìm đâu ra người trồng mía. Tôi đang nhờ người thân ở huyện Khánh Sơn tìm giúp. Nếu tìm được đủ nhân công thì giá công lao động cũng phải trả cao hơn mức bình thường họ mới chịu làm”.


Ông Trầm Kim Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa cho biết: “Để chia sẻ với những khó khăn của nông dân trong niên vụ mía năm nay, ngoài các chính sách hỗ trợ như: bảo hiểm chữ đường, tăng giá thu mua, hỗ trợ chi phí tăng bo… Công ty còn hỗ trợ về phương tiện, máy móc để cùng với nông dân bắt tay ngay vào việc trồng mía mới, chăm sóc mía lưu gốc cho niên vụ 2017 - 2018”.  


Hy vọng với sự chung tay của các nhà máy đường, người nông dân sẽ bớt phần nào khó khăn, có một mùa vụ ổn định để bù đắp những thiệt hại mà họ phải gánh chịu trong mấy vụ gần đây.


ĐÌNH LÂM - HẢI LĂNG


 



Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 18.000ha đất trồng mía, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh. Niên vụ mía 2016 - 2017, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh vào vụ trễ hơn so với mọi năm do ảnh hưởng của thời tiết. Hiện nay, do diện tích trồng mía nhỏ, manh mún nên việc áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất mía gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, do thời tiết không thuận lợi và nhiều nguyên nhân khác khiến chi phí sản xuất mía nguyên liệu của nông dân năm nay khá cao, trong khi năng suất, chất lượng mía thấp nên khả năng cạnh tranh của cây mía đường trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, thu nhập của nông dân trồng mía không cao.