04:01, 12/01/2017

Nóng lòng… đường lên núi Hố Mây

Đợt mưa lũ cuối năm 2016 đã khiến con đường huyết mạch lên khu sản xuất trên núi Hố Mây (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bị hư hỏng trầm trọng. Nông sản đã bị hư do không có đường vận chuyển. Hàng trăm chủ rẫy như đang ngồi trên đống lửa khi cận kề vụ thu hoạch phục vụ Tết.

Đợt mưa lũ cuối năm 2016 đã khiến con đường huyết mạch lên khu sản xuất trên núi Hố Mây (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bị hư hỏng trầm trọng. Nông sản đã bị hư do không có đường vận chuyển. Hàng trăm chủ rẫy như đang ngồi trên đống lửa khi cận kề vụ thu hoạch phục vụ Tết.


Những chuyến hàng mạo hiểm…


Mặt trời đứng bóng, chúng tôi gặp ông Đặng Văn Hiện (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) đang đánh vật với gánh xoài qua khỏi đoạn đường hư hỏng đến điểm tập kết. Tại đây, bà Võ Thị Nga, vợ ông đã đợi sẵn để chở xuống thị trấn bán cho vựa thu mua. Gánh xoài chỉ chừng 20kg nhưng ông phải lên núi từ lúc mờ sáng, đến trưa mới đưa xuống được. “Con đường này trước đây rất tốt, xe tải lên tận rẫy để chở nông sản. Nhưng trận mưa lớn đêm 4-11-2016 đã cuốn trôi hoàn toàn đoạn đường đến vài kilomet, khiến đi bộ cũng khó chứ đừng nói vận chuyển nông sản. Tôi biết qua đây rất nguy hiểm vì đá trên vách núi có thể lăn xuống bất cứ lúc nào nhưng vẫn phải liều. Bây giờ, mỗi ký xoài loại này bán tại vựa được 27.000 đồng, tôi có 4ha xoài trên đó, biết bao là tiền, chẳng lẽ đành để chúng chín rụng”, ông Hiện trăn trở.

 

Con đường huyết mạch lên khu sản xuất bây giờ chẳng khác lòng suối cạn.
Con đường huyết mạch lên khu sản xuất bây giờ chẳng khác lòng suối cạn.


Ông Bùi Ngọc Quang (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cũng bất chấp nguy cơ đá lăn rình rập để vác chuối xuống núi. Ông Quang cho biết: “Tôi có 5ha rẫy cách đây khoảng 7km, trong đó 2ha trồng chuối và 3ha trồng xoài Úc. Hiện tại, mỗi buồng chuối bình quân 15kg bán tại vựa được 90.000 đồng. Từ 2 tháng nay, mỗi ngày, tôi vác được khoảng 3 buồng xuống đây rồi chở đi bán. Từ nay đến Tết còn hơn 500 buồng cho thu hoạch; nếu đường chưa sửa được thì tôi vẫn vác được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ không thể thuê vì tiền công vác cao hơn tiền chuối, còn lại đành phải bỏ. Riêng xoài, nếu xe không lên chở được cũng phải bỏ hết bởi vì gánh, vác xuống đây cũng sẽ bị dập, không bán được”. 

 
Nông sản bị cô lập


Được ông Võ Văn Hưng (thôn Trung Hiệp 2) dẫn đường, chúng tôi mạo hiểm vượt qua đoạn đường nhiều bất trắc nói trên để lên những khu rẫy ở thung lũng phía sau sườn núi. Nói là đi, nhưng thực ra chúng tôi phải bò và leo qua vô vàn tảng đá lớn dọc theo lòng suối cạn vốn là mặt đường; tay luôn phải vịn vào vách đá, mắt không dám rời những tảng đá đã bị sạt lở nhưng được cành cây đổ “giữ” lại trên sườn núi nên chúng chưa lăn xuống! “Đi qua đây nguy hiểm lắm nên tôi không dám liều gánh vác nông sản xuống núi. Vì thế, tôi đành bỏ 2ha bắp và 3ha chuối từ 2 tháng nay”, ông Hưng cho biết.   

 

Ông Đặng Văn Hiện gánh xoài qua đoạn đường “tử thần”
Ông Đặng Văn Hiện gánh xoài qua đoạn đường “tử thần”


Sau gần 2 giờ đi, chúng tôi cũng đến được khu vực rẫy tập trung. Hiện ra trước mắt chúng tôi là cả một thung lũng rộng lớn, ngút ngàn xoài, chuối xanh tốt, trĩu quả. Ghé vào căn chòi giữa vườn xoài Úc rộng hơn 2,5ha của ông Lê Ngọc Hưng (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây), chúng tôi bắt gặp nét âu lo hiện rõ trên khuôn mặt ông. “Vườn xoài của tôi vụ trái mùa này rất đạt, ước khoảng 10 tấn. Trà đầu lẽ ra phải thu hoạch cách đây nửa tháng, trà sau sẽ thu vào dịp Tết, nhưng vì đường không đi được nên tôi chưa hái trái nào. Xoài Úc để càng già thì càng xấu vì xuất hiện nhiều đốm đen, có mang xuống được thì cũng mất giá. Xoài này hiện nay có giá 70.000 đồng/kg, đến Tết chắc chắn sẽ cao hơn. Nhưng nếu đường vận chuyển không được khắc phục thì phần lớn xoài của tôi sẽ chín rụng đầy gốc”, ông Hưng nói. Hàng trăm chủ rẫy trồng chuối và một số hộ nuôi heo trên núi Hố Mây cũng đang ngồi trên đống lửa khi nông sản đang và sẽ thu hoạch trong dịp Tết sắp tới không có đường vận chuyển xuống núi.

 

Chuối đã già, nhưng người dân không thu hoạch vì không có đường vận chuyển
Chuối đã già, nhưng người dân không thu hoạch vì không có đường vận chuyển


Đối với hàng chục hộ trồng bắp nơi đây thì khác, toàn bộ bắp đã bị thối hoặc nảy mầm sau 2 tháng dầm mưa. Tại khu rẫy trên triền núi thấp, sát con đường huyết mạch, vợ chồng ông Nguyễn Đời, bà Nguyễn Thị Bước (thôn Trung Hiệp 2) cùng 2 người làm công đang phát bỏ hơn 2ha bắp để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Những cây bắp đã khô rục, trên thân vẫn còn quả nhưng đều đã bị thối hoặc hạt nảy mầm. Vậy nhưng, bà Bước vẫn cần mẫn bóc từng trái bắp để chọn ra những trái có hạt mới nhú mầm, đem phơi ngay tại rẫy để làm thức ăn cho gia cầm. “Khi rẫy bắp đến kỳ thu hoạch thì trời mưa lũ cuốn mất đường vận chuyển. Vợ chồng tôi đã già nên không thể gánh, vác bắp xuống núi, đành để mặc trên rẫy. Bao nhiêu công sức, vốn liếng chăm bón coi như mất trắng. Đã vậy, hơn 5 sào dưa leo cũng bị mưa lũ cuốn trôi”, bà Bước ngậm ngùi.


Trước mắt, người dân tự xoay xở


Những ngọn đồi, thung lũng trên dãy núi Hố Mây, với đất đai màu mỡ, có nhiều con suối chảy qua nên rất thuận lợi và từ lâu đã trở thành khu sản xuất tập trung, rất hiệu quả không chỉ của người dân Cam Hiệp Bắc mà nhiều địa phương khác trong huyện. Từ lâu, UBND huyện đã đầu tư con đường huyết mạch xuyên qua dãy núi này, nhưng sau nhiều năm, con đường đã xuống cấp. UBND huyện đã có kế hoạch sửa chữa trong năm 2017. Bà Nguyễn Thị Thãi - Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Bắc cho biết: “2 tháng qua, nhiều người dân có rẫy trên núi Hố Mây đến xã kiến nghị sớm sửa chữa đoạn đường này. Chúng tôi rất quan tâm và thấu hiểu những khó khăn của nông dân nhưng chỉ có thể báo cáo cấp trên”.

 

Bà Nguyễn Thị Bước bần thần bên đống bắp bị thối và nảy mầm
Bà Nguyễn Thị Bước bần thần bên đống bắp bị thối và nảy mầm


Được biết, sau khi đoạn đường nói trên bị xói lở trầm trọng, lãnh đạo huyện trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo Ban Quản lý dự án của huyện sửa chữa tạm để người dân có thể vận chuyển nông sản bằng xe máy trong khi chờ thực hiện dự án nâng cấp đường năm nay. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau khi được san lấp, trời tiếp tục mưa lớn, đoạn đường này lại bị cuốn trôi. Tiếp đó, hàng chục hộ có rẫy trên khu vực này đã góp tiền thuê máy xúc san lấp để khắc phục tạm, nhưng trận mưa khủng khiếp đêm 2-12-2016 lại một lần nữa cuốn trôi tất cả.


Ông Võ Văn Hưng cho biết: “Chúng tôi đang huy động 300 hộ có rẫy góp tiền để sắp đến khắc phục đường đi tạm. Về lâu dài, chúng tôi rất mong Nhà nước đầu tư sửa chữa cơ bản con đường này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất”. Mong muốn của ông Hưng cũng là niềm mong mỏi chung hiện nay của hàng trăm chủ rẫy trên dãy núi Hố Mây!


NAM ANH - VĂN GIANG

 


 

Ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: Con đường này khi chưa bị xói lở huyện đã có kế hoạch bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp trong năm 2017 và giao cho Ban Quản lý dự án của huyện làm chủ đầu tư. Nhưng hiện tại, do đường bị hư hại quá nặng nên nguồn vốn đã bố trí chắc chắn sẽ không đủ để thực hiện. Vì vậy, chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh, xin thêm nguồn vốn hỗ trợ phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt để thực hiện dự án này.