01:01, 21/01/2017

Nghề "chơi" với độ cao

Suốt ngày đánh đu, lơ lửng trên không trung nên những người làm nghề lau kính cho những tòa nhà cao tầng được ví như "người nhện". Để mưu sinh, họ phải chịu rất nhiều vất vả, thậm chí là nguy hiểm.

Suốt ngày đánh đu, lơ lửng trên không trung nên những người làm nghề lau kính cho những tòa nhà cao tầng được ví như “người nhện”. Để mưu sinh, họ phải chịu rất nhiều vất vả, thậm chí là nguy hiểm.


7 giờ 30, tôi theo chân các công nhân của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Phúc vào khu resort Duyên Hà - Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Hôm nay, đội quân chuyên lau kính của công ty vào dọn vệ sinh ở tòa nhà cao trên 20 tầng vừa được xây dựng xong. Đã không ít lần nhìn thấy những người thợ lau kính đu đưa trên các nhà cao tầng để làm vệ sinh, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tiếp cận những người làm nghề này.


“Người nhện” giữa đời thường


Vừa đến nơi, Lê Thế Bảo -  giám sát yêu cầu tốp thợ 4 người chuẩn bị đồ nghề để lau kính phía mặt tiền của tòa cao ốc. Bộ dụng cụ nghề này khá đơn giản, bao gồm dây, ghế đu, đồ hít kính, khóa an toàn, đai bảo vệ toàn thân, dụng cụ lau rửa (thùng đựng hóa chất tẩy rửa, chổi lau, cọ…).  Nhóm thợ nhanh chóng buộc dây an toàn vào các trụ sắt phía trên sân thượng, kiểm tra dây, thắt đai an toàn. Vừa chỉnh đai lưng, anh Đinh Phước Năm cho biết: “Nghề này thực sự không dành cho những người yếu tim. Cảm giác treo mình giữa không trung, nghe gió ù ù thổi ngang tai là một thử thách không phải ai cũng dám trải nghiệm”. Rất nhanh chóng, lần lượt từng người một móc khóa đai lưng vào dây an toàn rồi bắt đầu mang theo đồ nghề tụt xuống để làm việc một cách nhẹ nhàng. Từ dưới đất nhìn lên, những người thợ lau kính ngồi trên ghế bám vào mặt kính tòa nhà chẳng khác nào những “người nhện” trong phim hành động của Hollywood. Giữa không trung, những “người nhện”  nhoài người qua lại để cạo sạch lớp vôi vữa, sơn bám vào và lau kính rất thiện nghệ. Cả mảng kính lớn nhanh chóng được làm sạch bóng.

 

Thợ lau kính dịch vụ vệ sinh công nghiệp Hoàng Phúc đang làm vệ sinh ở khu resort Duyên Hà
Thợ lau kính dịch vụ vệ sinh công nghiệp Hoàng Phúc đang làm vệ sinh ở khu resort Duyên Hà


Sau buổi làm bắt chuyện, Năm kể hồi mới đi làm anh cũng run lắm, nhưng rồi cũng quen được với cảm giác chông chênh giữa trời. Giờ thì công việc từng khiến anh sợ thót tim không chỉ là kế mưu sinh mà còn đem lại cho anh cảm giác thích thú. “Mỗi lần chạm chân xuống tới đất lại thấy mình như vừa vượt qua một thử thách. Dù rất mệt nhưng vẫn thấy vui, lại muốn lần sau sẽ thử sức ở một tòa nhà cao hơn”, anh Năm chia sẻ. Hỏi chuyện mới biết, những ngôi nhà cỡ 20 tầng như thế này là “chuyện nhỏ”, bởi anh Năm và các đồng nghiệp gần như đã “chinh phục” tất cả các tòa nhà cao nhất ở Nha Trang hiện nay. “Chúng tôi đã đu dây lau kính ở các khách sạn: Sheraton Nha Trang, Star City, Havana… Trong đó, khó nhất là lau kính ở khách sạn Sheraton Nha Trang. Khách sạn này trên cùng có cái hình phểu nên rất khó để lau kính. Chúng tôi phải đu dây từ trên xuống, sau đó nhờ đồng nghiệp đẩy người vào sát vị trí rồi dùng cây hút kính để tạo điểm tựa”, anh Nguyễn Văn Tiến - thợ lau kính chia sẻ.


 Nhiều vất vả, hiểm nguy


Trong nghề vệ sinh công nghiệp, lau kính là vất vả nhất và cũng được trả công cao nhất. Hiện tại, thợ lau kính được trả lương từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày, tùy theo kinh nghiệm của thợ. Mặc dù lương cao, nhưng việc tuyển dụng lao động cũng rất khó khăn, bởi không phải ai cũng chịu được áp lực và sự vất vả của nghề này. Đội quân “người nhện” phải có sức khỏe tốt bởi thường xuyên leo trèo ở độ cao. Ngày nắng, thợ phải chịu nhiệt độ cao hắt từ những ô cửa kính; ngày gió người chao đảo theo cơn gió. Có nhiều người vào nghề một thời gian ngắn đã phải bỏ vì không chịu nổi sức ép. “Chỉ cần tưởng tượng ngồi im trên ghế đu cả mấy tiếng liền giữa cái nắng gió là thấy mệt rồi, huống chi chúng tôi còn phải làm việc. Với những nơi mặt kính không bằng phẳng, còn phải dùng tay giữ thiết bị hút kính làm điểm tựa để đảm bảo an toàn khi lau kính nên rất nhanh mất sức. Đó là chưa nói đến việc phải thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, muốn đi vệ sinh chúng tôi cũng phải ráng nhịn”, anh Tiến nói.

 

Thợ lau kính đang buộc dây an toàn
Thợ lau kính đang buộc dây an toàn


Một đội “người nhện” có 4 - 6 người, trung bình mỗi giờ 1 thợ lau được khoảng 15m2 kính. Khi lau rửa kính cho những tòa nhà thấp, công nhân vệ sinh vẫn xuống nghỉ trưa. Tuy nhiên, ở những tòa cao ốc, để tiết kiệm thời gian, cả đội sẽ cùng ăn trưa giữa trời. Đây cũng là khoảng thời gian hiếm hoi những “người nhện” này nhìn xuống (để ăn cơm) thay vì nhìn ngang như suốt buổi làm việc. “Đâu phải ai cũng được cơ hội trải nghiệm với bữa trưa giữa không trung, vừa ăn cơm vừa ngắm thành phố từ trên cao”, anh Năm tếu táo đùa. Nói đùa vậy, nhưng chuyện trò lâu với những người thợ lau kính họ đều thổ lộ, việc chọn nghề này cũng là vì mưu sinh. “Nghề vất vả, nhưng đổi lại lương cũng khá cao. Em đang còn trẻ nên cũng gắng làm để giúp đỡ gia đình, tích lũy một phần để đi học nghề”, Nguyễn Văn Huy - một thợ trẻ tâm sự.

 
An toàn là trên hết


Nghề đu dây lau chùi vệ sinh nhà cao tầng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam sau những năm 2000, khi các tòa nhà bắt đầu mọc nhiều, vật liệu kính được sử dụng nhiều hơn trong ngành xây dựng. Ở Nha Trang hiện nay, có khoảng 15 công ty làm dịch vụ vệ sinh công nghiệp, hầu hết các đơn vị đều thực hiện dịch vụ lau kính ở các nhà cao tầng. Tuy nhiên, làm chuyên nghiệp chỉ có số ít công ty như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Phúc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ánh Sáng... Những năm gần đây, Khánh Hòa ngày càng xuất hiện nhiều nhà cao tầng nên nhu cầu về dịch vụ vệ sinh công nghiệp ngày càng lớn; số người làm nghề lau kính ngày càng đông hơn. Anh Trần Nguyên Hãn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Phúc cho biết: “Chúng tôi rất cần người làm, nhưng không phải vì thế mà bỏ qua sự an toàn của người lao động. Mỗi khi nhận người mới, chúng tôi đều kiểm tra kỹ lưỡng về sức khỏe, độ phản xạ nhanh nhạy, tâm lý… Thợ sẽ được học việc từ dễ đến khó, tăng dần độ khó công việc từ những tòa nhà thấp tầng đến cao tầng, nếu làm tốt mới cho gia nhập vào đội quân đu dây lau kính. Thợ lau kính ở công ty của tôi đều được mua bảo hiểm tai nạn lao động”.  


Theo anh Phan Tuấn Anh (hơn 15 năm trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp), nghề lau kính nhìn vậy nhưng nếu thực hiện đúng quy trình, độ an toàn trong công việc gần như tuyệt đối, quan trọng là người làm có vượt qua được nỗi sợ hãi về độ cao hay không mà thôi. Để đảm bảo an toàn, những “người nhện” luôn được yêu cầu dùng 2 dây, mỗi dây chịu được sức nặng 1.200kg. Các thiết bị hút kính, đai lưng… liên tục được thay mới để tăng độ an toàn. “Tôi luôn yêu cầu giám sát thi công phải kiểm tra độ an toàn của dụng cụ trước khi cho thợ đu dây, những khi có gió lớn dù công việc gấp gáp đến đâu cũng phải cho thợ nghỉ làm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên để ý đến sức khỏe, tâm lý của người lao động. Khi lau kính ở các nhà cao tầng, thợ lau kính bao giờ cũng đi theo nhóm để hỗ trợ nhau trong công việc”, anh Tuấn Anh cho biết.  


Nghề lau kính là một nghề rất cần thiết trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một cơ sở nào đào tạo về nghề này, anh em làm nghề chủ yếu học hỏi lẫn nhau. Hơn ai hết, những “người nhện” phải ý thức để bảo vệ bản thân mình. “Trước khi lên tầng, bao giờ tôi cũng kiểm tra tất cả các dây, đai an toàn, các ốc vít của ghế nâng… Khi mọi thứ đã bảo đảm an toàn thì mới bước lên ghế ngồi. Trong lúc lau kính cũng cẩn thận, di chuyển ít, không nên với quá xa”, anh Tiến nói.


XUÂN THÀNH