Lần đầu tiên ở Khánh Hòa có dự án xây dựng căn hộ nhưng không phải là dự án bất động sản, cũng không phải cho thuê hoặc kinh doanh như khách sạn, mà là để "bán kỳ nghỉ". Có điều gì đó không ổn ở hình thức đầu tư còn quá xa lạ này đối với người Việt Nam?
Lần đầu tiên ở Khánh Hòa có dự án xây dựng căn hộ nhưng không phải là dự án bất động sản, cũng không phải cho thuê hoặc kinh doanh như khách sạn, mà là để “bán kỳ nghỉ”. Có điều gì đó không ổn ở hình thức đầu tư còn quá xa lạ này đối với người Việt Nam?
Buổi giới thiệu dự án kỳ lạ
Một ngày cuối tuần, đang ngồi uống cà phê ở Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, tôi và một người bạn được một nhân viên của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường mời đến dự sự kiện giới thiệu dự án Alma. Đúng 18 giờ tối, chúng tôi có mặt tại văn phòng đại diện công ty đặt tại khách sạn Trần - Viễn Đông (đường Lê Thánh Tôn, TP. Nha Trang). Điều kỳ lạ là ban tổ chức sắp xếp mỗi cặp khách hàng ngồi một bàn riêng (yêu cầu đi cặp vợ chồng), tách biệt với các bàn còn lại và cử mỗi bàn một nhân viên đến nói chuyện. Khi tôi cầm điện thoại chụp quang cảnh buổi giới thiệu, một nhân viên liền yêu cầu tôi không được chụp. Nhân viên này cũng yêu cầu tôi tắt ngay điện thoại, khi phát hiện tôi đang để chế độ ghi âm.
Dự án Alma ký hợp đồng bán kỳ nghỉ từ năm 2014, nhưng tiến độ xây dựng đến nay vẫn chậm so với yêu cầu của Ban Quản lý khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh |
Theo giới thiệu của nhân viên tên Ng., dự án Alma tọa lạc tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, có diện tích hơn 30ha, được đầu tư bởi tỷ phú Igal Ahouvi, người Israel. Dự án Alma gồm các khu căn hộ, biệt thự, có đầy đủ tiện ích của một resort 5 sao. Tuy nhiên, dự án này không bán căn hộ, không cho thuê khách sạn mà “bán kỳ nghỉ dưỡng”, thường là bán theo tuần. Ví dụ, 1 năm có 52 tuần, khách hàng chọn một tuần cố định và đặt mua thì sẽ được nghỉ dưỡng tại căn hộ (hoặc resort) đó đến hết tuổi đời của dự án (40 năm).
Cô nhân viên tên Ng. cho biết, dự án Alma có khoảng 600 sản phẩm căn hộ và biệt thự, nhân với 52 tuần trong năm, tương đương với gần 32.000 khách hàng sẽ “sở hữu kỳ nghỉ”. Sản phẩm kỳ nghỉ dưỡng tại Alma đã được bán từ năm 2014. “Khi đó, giá chỉ khoảng 5.000 USD/tuần trong vòng 40 năm, nhưng nay đã lên đến trên 20.000 USD/tuần”, Ng. cho biết.
Cầm tờ bảng báo giá của cuối năm 2016 và tháng 1-2017, Ng. chỉ cho chúng tôi xem giá đã tăng lên đáng kể. “Cứ 20 ngày đến một tháng công ty lại thay giá 1 lần, thường tăng thêm khoảng 1.000 USD. Nếu anh chị không đặt sớm, đến năm 2018 chính thức khai trương, giá sẽ tăng gấp 2 hoặc gấp 3 hiện nay. Chưa kể hiện nay, nếu khách hàng đặt mua thì chỉ còn 38 năm kỳ nghỉ, còn đến năm 2018 thì chỉ còn 36 năm”, Ng. cho hay. Khi chúng tôi xin được photo hoặc chụp lại bảng báo giá để về nhà nghiên cứu thì cô nhân viên này không cho. Liếc qua bảng báo giá mới nhất, tôi thấy giá thấp nhất là 15.000 USD/tuần, cao nhất là 28.000 USD/tuần (khoảng 600 triệu đồng). Nhân viên Ng. giải thích, ở những tuần cao điểm như Tết dương lịch, hè… thì giá sẽ cao hơn.
Phối cảnh Dự án Alma được trưng bày tại văn phòng Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường (trong khách sạn Trần - Viễn Đông) |
Tuy nhiên, không phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng là có một kỳ nghỉ suốt 40 năm (mỗi năm 1 tuần). Khi chúng tôi thắc mắc về phí dịch vụ và ăn uống khi nghỉ dưỡng 1 tuần tại Alma, nhân viên tính toán một hồi rồi cho biết, phí dịch vụ mà khách hàng phải trả là hơn 5 triệu đồng/tuần, chưa kể chi phí đồ ăn trong resort. “Nếu trong buổi tối hôm nay, anh chị đặt tiền 110 triệu đồng (30% tổng giá trị hợp đồng - phóng viên) để ký đặt mua thì chúng tôi sẽ tặng ngay một chuyến đi Mỹ, hoặc Phú Quốc, Đà Nẵng, Đà Lạt. Bước ra khỏi đây, anh chị muốn đặt mua thì phải thanh toán 80% tổng giá trị, 20% còn lại thì thanh toán khi dự án hoàn thiện”, nhân viên này cố gắng níu kéo.
Bị khách hàng “tố”
Hiện nay, nhiều khách hàng đã sở hữu kỳ nghỉ tại dự án Alma của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường đang “tố” công ty này đang làm khó khách hàng bằng những ràng buộc khó hiểu trong hợp đồng.
Một khách hàng tên S. (Hà Nội) cho biết, anh đã ký hợp đồng mua “sở hữu kỳ nghỉ” với Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường từ năm 2014 để sở hữu căn hộ tại dự án Alma trong vòng 1 tuần mỗi năm, thời hạn 40 năm. Tuy nhiên, đầu năm 2015, khi đến Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh anh mới té ngửa vì dự án Alma vẫn đang là bãi đất hoang. Gia đình anh đã nộp tới gần 170 triệu đồng và được sử dụng 2 lần dịch vụ, trong đó có một lần không sử dụng quyền nghỉ dưỡng nên đã được công ty bán giúp với giá 2 triệu đồng.
Ông Trần Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Sở đã làm việc với đại diện chủ đầu tư để yêu cầu báo cáo lại việc huy động vốn và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Sở cũng đã phối hợp làm việc với Sở Tư pháp để rà soát lại về mặt pháp lý. Tuy nhiên, Sở Tư pháp cho rằng đây là vấn đề dân sự giữa khách hàng và chủ đầu tư. Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát việc này. |
Cuối năm 2016, chị N.L (TP. Hồ Chí Minh) trong một lần tham gia chương trình giới thiệu dự án của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường đã đóng 30 triệu đồng đặt cọc. Ngay sau đó, chị L. đổi ý vì thấy dự án đến năm 2018 mới hoạt động. Tuy nhiên, chị không rút được tiền mà vẫn phải đóng tiếp theo tiến độ. “Mình đặt vấn đề rút tiền thì nhân viên nói không được rút, mà chỉ còn cách đóng đủ 30% rồi chuyển nhượng. Khi mình đóng đủ 30% thì không liên lạc được với nhân viên. Mình lên gặp quản lý để hỏi thì họ nói không biết việc này, rồi cho biết giờ phải mua chứ không thể chuyển nhượng”, chị L. bức xúc.
Trong khi đó, nhiều khách hàng cũng phản ánh hợp đồng ràng buộc giữa hai bên có quá nhiều điều khoản bất lợi cho người mua kỳ nghỉ. Chị B.X.T (TP. Nha Trang) cho biết, các điều khoản trong hợp đồng quá dài, trong khi nhân viên cố gắng “dụ dỗ” khách hàng ký hợp đồng ngay tại buổi giới thiệu dự án để hưởng ưu đãi. Chính điều này khiến nhiều khách hàng ham hưởng ưu đãi đã không nghiên cứu kỹ hợp đồng mà ký mua, sau đó thì hối hận.
“Sở hữu kỳ nghỉ” được định nghĩa là việc mua kỳ nghỉ trong một khoảng thời gian cố định trong năm, kéo dài 1, 2 hoặc vài chục năm tại căn hộ của một khu nghỉ dưỡng nào đó. Khách hàng khi sở hữu kỳ nghỉ có thể sử dụng dịch vụ cố định, hoặc trao đổi kỳ nghỉ của mình với resort khác trong hệ thống các resort có kết nối là thành viên của một hệ thống. Trên thế giới, “sở hữu kỳ nghỉ” đã có lịch sử ra đời phát triển hơn 50 năm. Còn tại Việt Nam, khái niệm này khá mới mẻ. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Lý Ngọc Dung - một Việt kiều Mỹ cho biết, so với mô hình “bán kỳ nghỉ” bên các nước châu Âu, mô hình này ở Việt Nam có nhiều điểm “rất lạ”. Thứ nhất, giá ở nước ngoài rất rẻ, trong khi dự án Alma hiện nay có giá cao nhất lên đến 28.000USD/phòng. Thứ hai, đây không phải là loại hình bất động sản, nên ở nước ngoài chủ đầu tư chỉ bán khi dự án đã hoàn thiện, còn dự án Alma thì bán từ năm 2014, cam kết năm 2018 mới hoàn thành. Tôi chưa nói đến chuyện dự án có hoàn thành đúng tiến độ hay không, nhưng đây là hình thức huy động vốn không đúng quy định. Thứ ba, bên Mỹ kỳ nghỉ khách hàng mua chỉ có một mức giá, chứ không phải giá tăng theo ngày như ở dự án Alma. “Tôi vừa về TP. Hồ Chí Minh, có tiếp cận với dự án Alma theo lời mời và phát hiện nhiều điều vô lý. Giá một căn phòng tôi đang nghiên cứu là 17.000USD, nhưng nếu không mua ngay mà để năm 2018 mới mua thì rơi vào khoảng 30.000USD. Giá này quá cao và tăng giá quá vô lý”, bà Dung nói.
Trước các thông tin khiếu nại mà khách hàng gửi đến cơ quan chức năng và báo chí, vừa qua, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư yêu cầu cơ quan này phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra thông tin khách hàng phản ánh để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý.
VĂN KỲ