Những ngày này, người dân thôn đảo Ninh Tân (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) rất vui mừng vì đã có điện. Điện về không chỉ thắp sáng một vùng biển, đảo mà còn thắp sáng cả lòng người, những ước mơ, dự định tương lai...
Những ngày này, người dân thôn đảo Ninh Tân (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) rất vui mừng vì đã có điện. Điện về không chỉ thắp sáng một vùng biển, đảo mà còn thắp sáng cả lòng người, những ước mơ, dự định tương lai...
Ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa (bìa phải) chia sẻ niềm vui có điện với người dân thôn đảo. |
Thỏa lòng mong ước
Sau gần 2 giờ đi ghe, thôn đảo Ninh Tân hiện ra trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi cùng những tấm pin năng lượng mặt trời sáng bóng. Ông Phan Thành Liêm, Trưởng thôn vui mừng chia sẻ: “Có điện rồi, vui lắm! Vậy là xuân này cả làng đón Tết to rồi chú ơi. Bà con ai cũng phấn khởi vì giấc mơ có điện đã thành hiện thực”. Còn ông Phan Văn Dũng (50 tuổi, thôn Ninh Tân) bày tỏ: “Thật không thể tin được! Hơn 30 năm sống ở đây rồi cũng có ngày được chứng kiến cảnh điện sáng lung linh trong nhà, tôi ngỡ như đang mơ vậy”.
Hàng chục năm nay, 119 hộ với gần 500 nhân khẩu thôn đảo Ninh Tân vẫn thắp sáng bằng đèn dầu và bình ắc quy. Năm 2009, huyện Vạn Ninh cấp cho thôn đảo 1 máy phát điện chạy bằng dầu diesel, nhưng mỗi ngày chỉ phát điện từ 18 giờ đến 20 giờ. Mỗi gia đình chỉ sử dụng 1 bóng điện duy nhất và hàng tháng đóng bình quân 45.000 đồng/1 bóng điện để mua dầu. “Tiếng là có máy phát điện nhưng do thời tiết nơi đây khắc nghiệt nên máy hỏng thường xuyên. Có khi bị “treo điện” tới 2 tuần”, ông Nguyễn Cư, một người dân trong thôn kể.
Những tấm pin năng lượng mặt trời đem lại niềm vui cho người dân thôn đảo Ninh Tân. |
Tuy chỉ là điện năng lượng mặt trời, công suất thấp, chủ yếu để phục vụ chiếu sáng nhưng từ ngày có điện, mỗi gia đình ở thôn đảo đều sắm một chiếc tivi để xem thời sự và giải trí. Nhà nào khấm khá hơn thì mua thêm dàn karaoke. Ông Trần Kim Sơn, một người dân trong thôn khoe: “Trước hôm có điện, tôi vào thị trấn Vạn Giã mua ngay một chiếc tivi và dàn karaoke. Đêm đầu tiên đóng điện, cả nhà tổ chức liên hoan, hát karaoke từ 20 giờ đến tận 3 giờ sáng hôm sau”.
Cuộc sống đổi thay
Điện về, thầy và trò điểm trường Tiểu học Vạn Thạnh 2 cũng vui mừng khôn xiết. Trường được dự án ưu tiên lắp đặt 2 bộ pin năng lượng mặt trời và được kéo dây đến từng phòng học, phòng nghỉ bán trú của học sinh. “Vui lắm chú ạ, từ nay cháu và các bạn không còn phải dùng đèn dầu, đèn pin để học bài nữa rồi”, em Lương Văn Trực, học sinh lớp 2 háo hức khoe.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bảo, giáo viên của trường chia sẻ: “Hơn 6 năm ra đây dạy học, chúng tôi luôn mong mỏi, chờ đợi từng ngày, từng giờ đảo sẽ có điện. Từ nay, các em học sinh sẽ được tiếp cận thông tin từ tivi, máy tính, được tiếp xúc với ánh sáng văn hóa của đất nước và thế giới. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy thầy, trò chúng tôi dạy tốt, học tốt”.
Tối đầu tiên có điện, thầy và trò vui mừng bật đèn ngồi giữa sân trường trò chuyện, múa hát trong niềm hân hoan. Thầy giáo Võ Trọng Nhân kể: “Cách đây 6 năm, tôi nhận quyết định ra đảo công tác mà lòng lo lắng vì nơi đây đảo không có điện. Nhiều hôm ăn tối xong, tôi và các đồng nghiệp, học sinh ngồi trò chuyện trong bóng tối. Thông tin với thế giới bên ngoài dường như bị cắt đứt. Buồn nhất là muốn dạy các em một bài giảng trình chiếu cũng không thể, vì không có điện. Bây giờ, Ninh Tân sáng rồi. Tôi sẽ cống hiến cho Ninh Tân nhiều hơn, có thể yên tâm công tác và chắc chắn chất lượng học tập của học sinh sẽ được nâng lên”.
Ông Phan Văn Dũng cẩn thận lau chùi, bảo dưỡng tấm pin năng lượng. |
Điện về không chỉ phục vụ cuộc sống người dân được tốt hơn mà còn góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và mở ra những dự định, ước mơ tươi sáng. Ông Phan Thành Liêm nhận định: “Điện về, nhận thức, sự hiểu biết của người dân sẽ được nâng lên nhờ tiếp cận các thông tin qua báo, đài. Thông qua đó, những hộ nuôi trồng thủy sản và trồng trọt sẽ nắm bắt được những kiến thức cơ bản để áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Và diện mạo Ninh Tân nhờ đó sẽ khang trang hơn, thôn đảo sẽ giàu đẹp hơn”.
Có điện chiếu sáng, phục vụ sinh hoạt, nhiều người dân ở Ninh Tân đã có những dự tính trong làm ăn, buôn bán. Chị Huỳnh Thị Phương Lan, người dân trên đảo khoe: “Có điện, vợ chồng tôi sẽ đầu tư mở quán ăn, uống buổi tối phục vụ nhu cầu của người dân nơi đây”. Hiện quán bún cá và nước giải khát của chị Lan mang lại thu nhập khoảng 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Nếu mở bán thêm buổi tối, nguồn thu này sẽ tăng lên, giúp gia đình chị có thêm điều kiện nuôi dạy 2 con ăn học đến nơi đến chốn.
Sẽ phủ điện cho các thôn đảo
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Việc phủ điện cho thôn đảo Ninh Tân là nỗ lực của tỉnh nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên đảo, góp phần khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh trên đảo để phát triển kinh tế - xã hội. Sở Công Thương và địa phương cần đề ra quy chế sử dụng, vận hành, bảo quản, bảo trì an toàn cho người dân. Đồng thời nghiên cứu, khảo sát tiến tới phủ điện cho những hộ dân chưa được lắp đặt và các hộ dân ở 2 thôn đảo Ninh Đảo và Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). |
Ông Trương Thái Hùng - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, việc phủ điện cho thôn đảo Ninh Tân là một công trình hết sức ý nghĩa, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của người dân. Tuy nhiên, ngoài thôn Ninh Tân được phủ điện, hiện vẫn còn 2 thôn đảo là Điệp Sơn và Ninh Đảo chưa có điện. Người dân đang rất mong UBND tỉnh, huyện, các cấp, ngành đầu tư phủ điện cho 2 thôn đảo này. Thôn Ninh Đảo hiện có 172 hộ dân với hơn 760 khẩu, thôn Điệp Sơn có 99 hộ với hơn 300 khẩu. Đa số hộ dân ở các thôn đảo sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và buôn bán nhỏ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, xã Vạn Thạnh có 3 thôn đảo cách xa đất liền từ 10 đến 20km nên việc kéo điện lưới quốc gia ra đảo là rất khó bởi chi phí đầu tư lớn. Thực hiện chủ trương nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng biển đảo, Sở Công Thương đã nghiên cứu, khảo sát đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép đầu tư công trình điện năng lượng mặt trời để phục vụ người dân. Qua khảo sát thực tế, cơ quan chức năng nhận thấy đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời là thích hợp nhất. Bởi cường độ ánh nắng ở đây lớn, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của người dân. Dự án này được tỉnh đầu tư 100%, sau đó giao cho chính quyền địa phương và người dân bảo quản. “Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của dự án điểm tại thôn Ninh Tân, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để tiếp tục đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư cho những thôn đảo chưa có điện còn lại trên địa bàn tỉnh”, ông Minh cho biết.
Chia tay Ninh Tân, chúng tôi mang theo niềm vui của người dân nơi đây khi có điện. Mong rằng, trong tương lại không xa, thôn đảo Điệp Sơn, Ninh Đảo sẽ được thắp sáng như Ninh Tân.
V. GIANG - M. HÙNG
Dự án phủ điện bằng nguồn năng lượng mặt trời cho thôn đảo Ninh Tân do Sở Công Thương làm chủ đầu tư được khởi công từ ngày 22-9 đến 10-12-2014 hoàn thành. Các đơn vị đã lắp đặt 60 bộ pin năng lượng mặt trời có tổng công suất 21.000kwh. Trong đó, 56 bộ lắp đặt cho hộ dân, 1 bộ cho trường mầm non, 2 bộ cho trường tiểu học, 1 bộ cho hệ thống truyền thanh. Trong điều kiện trời nắng, một bộ pin sản xuất được 1.200 đến 1.300kwh, tuổi thọ trung bình khoảng 25 năm. Tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng.