Với đồng bào Raglai, các già làng được xem như cây đại thụ tỏa mát cho buôn làng...
Với đồng bào Raglai, các già làng được xem như cây đại thụ tỏa mát cho buôn làng...
Già làng Cao Xà Buôn đang chăm sóc vườn tiêu của gia đình. |
Bóng mát buôn làng
Nhà của già làng Cao Xà Buôn (61 tuổi) nằm ở đầu thôn A Pa 2 (xã Thành Sơn) nên bà con trong làng mỗi khi đi nương, đi rẫy về thường ghé vào chơi. Đây cũng là dịp để già Buôn trò chuyện, nắm bắt tâm tư của bà con, trao đổi về cách thức làm ăn, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. “Già Buôn hiểu biết nhiều, nên mọi người thường đến hỏi già những điều còn phân vân trong lòng. Lúc nào già cũng trả lời cặn kẽ giúp bà con nâng cao hiểu biết”, anh Cao Phú - người dân tarong thôn cho biết.
Già làng Cao Văn Xiếng chăm sóc ruộng mía tím của gia đình. |
Có được cuộc sống như hôm nay, già Buôn đã trải qua nhiều vất vả, đi lên từ hai bàn tay trắng. “Cách đây hơn 20 năm, gia đình tôi ở thôn Tà Giang 2 đã bị một cơn lũ dữ cuốn trôi tất cả: gia tài, của cải cùng 6 người thân trong gia đình. Đau thương tột cùng, cả nhà dắt nhau về sống ở thôn A Pa 2 và làm lại từ đầu”, già Buôn nhớ lại. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, già Buôn đã động viên mọi người trong gia đình chăm lo làm ăn. Từ chỗ không có gì, đến nay, gia đình già Buôn đã có 2ha cà phê, hàng trăm trụ tiêu, vườn cây ăn trái với nhiều loại cây như bưởi, chôm chôm, sầu riêng... cho thu nhập đều đặn theo mùa. Bình quân mỗi năm, gia đình già thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng. Kinh tế ổn định, già Buôn có điều kiện giúp đỡ những hộ dân khác trong làng, nhất là những gia đình trẻ. Được sự giúp đỡ của già, các gia đình như hộ anh Cao Mỹ Lính, Hà Văn Sơn, Cao Chiên... đã biết cách làm ăn phát triển kinh tế. “Gia đình già Buôn là một trong số ít những gia đình có điều kiện kinh tế khá của xã. Bản thân già cũng từng tham gia công tác ở địa phương nên ý thức rất rõ việc giúp đỡ, hỗ trợ những hộ dân khác trong cuộc sống”, ông Vũ Văn Thuy - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn nhận xét.
Già làng Cao Xà Buôn đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình. |
Đến xã Sơn Hiệp, hỏi về già làng Cao Lê Dân (71 tuổi) ở thôn Tà Gụ, người dân nào cũng dành những lời kính trọng. Già Dân không chỉ giỏi phát triển kinh tế gia đình với thu nhập hàng năm gần 150 triệu đồng mà còn nổi tiếng với việc giáo dục, dạy dỗ con cái. Các con của già được tạo điều kiện học hành đầy đủ và đến nay đều đi làm ở các cơ quan Nhà nước. Trong 5 năm qua, già Dân còn âm thầm vận động bà con trong dòng tộc đóng góp tiền để giúp nhau xây nhà. “Tôi thấy con cháu trong dòng tộc sau khi ra ở riêng đều gặp khó khăn về nhà ở nên đã họp bàn với mọi người trong họ tìm cách giúp đỡ. Sau khi tính toán, tôi thấy mỗi hộ thu nhập hàng năm khoảng 40 đến 50 triệu đồng, nếu để tích góp xây nhà rất khó. Vì vậy, tôi đề xuất các hộ nên quyên góp lại cho nhau để luân phiên xây nhà”, già Dân cho biết. Bằng phương thức trên, đến nay đã có 5 căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng/căn được xây dựng. “Nhờ cách làm của già Dân mà vợ chồng tôi có được căn nhà khang trang. Cuộc sống ổn định rồi, gia đình tôi lại dành dụm để quyên góp cho những hộ khác xây nhà”, anh Cao Đuộng (thôn Tà Gụ) chia sẻ. Từ cách làm của già Dân, một số dòng họ khác trong xã Sơn Hiệp cũng học tập, làm theo.
Xã Sơn Hiệp còn có già làng Cao Văn Xiếng (62 tuổi) ở thôn Xà Bói. Già Xiếng được bà con trong buôn làng nể trọng ở đức tính chịu khó, chăm chỉ làm ăn. Gia đình già luôn đi đầu trong việc thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao như mô hình vườn rừng, trồng mía tím. Học tập già Xiếng, các hộ gia đình như Bo Bo Mai, Bo Bo Chiêng, Mấu Văn Khiêm, Mấu Tha... trong thôn Xà Bói đều cố gắng vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế và có thu nhập khá. “Già Dân và già Xiếng là những già làng tiêu biểu trên địa bàn xã. Các già không chỉ biết cách làm ăn, chăm lo kinh tế gia đình mà còn có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Chính vì thế, tiếng nói của các già được mọi người coi trọng, luôn nghe theo, làm theo”, ông Trần Tấn Chóng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết.
Giữ tình làng nghĩa xóm
Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, xã Sơn Lâm nổi lên là địa phương có nhiều nhân tố điển hình. Đặc biệt, với mô hình “Gương sáng”, xã đã vận động đội ngũ già làng tham gia giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong mỗi xóm làng. Tổ “Gương sáng” có 15 thành viên, trong đó vai trò tiên phong là già làng Cao Hồ Thân (thôn Du Oai). Năm nay đã bước sang tuổi thất thập, nhưng già Thân vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Hàng ngày, ngoài công việc ở Hội Người cao tuổi xã, già Thân thường xuyên tranh thủ đến từng hộ dân trong thôn để nói chuyện, nắm bắt tình hình. Đặc biệt, với những đối tượng thường có biểu hiện gây mất trật tự an ninh nơi cư trú, già luôn quan tâm thăm hỏi, nói điều hay lẽ phải và tuyên truyền về pháp luật cho họ hiểu.
Già Thân kể, mới đây, trong thôn xảy ra vụ đánh nhau giữa 2 thanh niên, lý do rất đơn giản. Nhà của hai người này ở cạnh nhau vốn có mối quan hệ xóm làng rất tốt. Nhưng chỉ vì một nhà tổ chức ăn nhậu rồi hát karaoke gây ồn ào, nhà kia mấy lần sang góp ý, vậy là hai bên cãi nhau, sau đó xảy ra xô xát. “Khi biết chuyện, dù đã khuya, tôi vẫn cùng các anh công an xã đến tìm hiểu. Cả 2 đứa đều trẻ tuổi, lại ít học nên nhận thức còn hạn chế, thậm chí có đứa đang hơi men nên nói năng rất khó nghe. Lúc đó, chúng tôi chỉ có thể tách 2 đối tượng ra và yêu cầu không hát hò nữa. Sáng sớm hôm sau, tôi đến từng nhà lúc chúng còn chưa đi rẫy để nói chuyện, giúp chúng hiểu ra cái sai của mình và xin lỗi nhau”, già Thân tâm sự.
Già làng Cao Hồ Thân thường xuyên đến các gia đình trong thôn để nắm bắt tình hình. |
Theo anh Cao Văn Trường - Trưởng thôn Du Oai, trên địa bàn thôn ít xảy ra những vụ việc lớn về an ninh trật tự. Chỉ có một số vụ thanh niên gây mất trật tự do uống rượu, bia không kiểm soát được bản thân, kình cãi nhau, hoặc anh em, vợ chồng bất hòa. Những vụ việc này nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. “Với đặc điểm, tính cách của đồng bào Raglai, nhiều việc chính quyền địa phương, lực lượng công an rất khó giải quyết, nhưng với tiếng nói của các già làng, đồng bào lại chấp nhận”, anh Trường chia sẻ.
Tương tự xã Sơn Lâm, xã Thành Sơn cũng xây dựng được mô hình “Thôn A Pa 2 bình yên”. Trong đó, già làng Cao Xà Buôn là người tham gia tích cực vào việc vận động bà con trong thôn chấp hành pháp luật. “Do trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên nhận thức về luật pháp còn kém. Đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra do sự thiếu hiểu biết của người dân”, già Buôn tâm sự. Không chỉ tham gia giải quyết các vụ việc gây mất trật tự trên địa bàn, già Buôn còn kiên trì đến từng hộ dân có ý định bán đất sản xuất để khuyên bảo họ cố gắng giữ đất làm ăn. “Mỗi lần nghe tin nhà nào chuẩn bị sang nhượng đất sản xuất, tôi đều cố gắng đến để thuyết phục họ đừng làm thế. Bởi không chỉ làm mất tư liệu sản xuất mà còn vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời, tôi cố gắng tìm hiểu khó khăn của họ để có cách giúp đỡ”, già Buôn chia sẻ. Từ tấm lòng của già, nhiều hộ dân trong thôn A Pa 2 đã vượt qua khó khăn, giữ được đất sản xuất của gia đình.
Có thể nói, trong cuộc sống hôm nay, các già làng thật sự đã trở thành những bóng cây đại thụ, tỏa bóng mát ở mỗi buôn làng Raglai.
Nhân Tâm