11:12, 19/12/2014

Keo sơn tình quân dân

Những cánh rừng keo xanh thẳm, những nương bắp, vườn mít ngút tầm mắt, những căn nhà mái ngói đỏ tươi... đang mọc lên ở những nơi khó khăn nhất trong tỉnh Khánh Hòa. Đổi thay ấy có một phần không nhỏ từ công sức đóng góp của những người lính Cụ Hồ...

Những cánh rừng keo xanh thẳm, những nương bắp, vườn mít ngút tầm mắt, những căn nhà mái ngói đỏ tươi... đang mọc lên ở những nơi khó khăn nhất trong tỉnh Khánh Hòa. Đổi thay ấy có một phần không nhỏ từ công sức đóng góp của những người lính Cụ Hồ...

 

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Khánh Vĩnh giúp bà con xã Khánh Phú làm vườn.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Khánh Vĩnh giúp bà con xã Khánh Phú làm vườn.


 

Ấm no nhờ bộ đội Cụ Hồ


Một ngày đầu tháng 12, ông Cao Minh Xuân - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh dẫn tôi đi giữa màu xanh bát ngát của những vườn mít nghệ sai trĩu quả. Ông Xuân cho biết, cách đây 10 năm, vùng đất này toàn đồi núi hoang vu, nhìn đâu cũng thấy đất cằn và cỏ dại. Để được như hôm nay, ngày đó, những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã đến huyện Khánh Vĩnh giúp người dân làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bản làng còn tồn tại nhiều hủ tục nên đơn vị vừa tuyên truyền, vận động, vừa bắt tay thực hành để bà con thấy được cái hay, cái tốt của khoa học kỹ thuật.

 

Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng nhà tình nghĩa cho người dân thôn Ninh Đảo, Vạn Thạnh.
Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng nhà tình nghĩa cho người dân thôn Ninh Đảo, Vạn Thạnh.


Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Chín, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, nơi đây có gần 75% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ sản xuất, chăn nuôi manh mún, lạc hậu. Tập tục canh tác theo lối “cuốc, đốt, cốt, trỉa” đã thấm sâu vào nếp nghĩ và cách làm của bà con, nên công tác vận động, bám địa bàn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thường xuyên cử cán bộ tăng cường cùng lực lượng bộ đội địa phương về “cắm bản” dài ngày.


Để làm chuyển biến được suy nghĩ, nhận thức của bà con, cán bộ chiến sĩ các đơn vị đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, “vừa nói vừa làm”, qua đó giúp đồng bào dần dần “sáng cái đầu, ưng cái bụng” rồi làm theo. Ban đầu, đơn vị chọn mỗi xã một hộ khó khăn nhất để triển khai thí điểm. Các anh tìm chọn mua cây giống, con giống phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng để đầu tư, sau đó huy động nhân lực của đơn vị cùng gia đình khai hoang, phục hóa, sản xuất ngay trên những thửa ruộng, mảnh vườn của các hộ gia đình. Đồng thời, huy động lực lượng dân quân cùng bà con trồng cây, gây rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bà Cao Thị Là Ty, thôn Giang Mương, xã Khánh Phú phấn khởi cho biết: “Nhờ bộ đội dạy mình cách trồng, chăm sóc cây mít nghệ, hỗ trợ cây giống và phân bón mà giờ đây vợ chồng mình biết cách làm ăn. Nhà mình đã thoát nghèo, mình vui cái bụng lắm!”.

 

Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo xã Sơn Thái, Khánh Vĩnh.
Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo xã Sơn Thái, Khánh Vĩnh.


Những năm gần đây, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hỗ trợ người dân trồng hàng nghìn cây mít nghệ, mít Mã Lai cao sản, keo lá tràm, bưởi da xanh... trên diện tích hàng trăm héc-ta đất rừng. Hiện mít đã cho thu hoạch và đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con cải thiện đời sống. Những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn được bộ đội hỗ trợ bò giống để phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững. Bằng những việc làm thầm lặng nhưng ý nghĩa, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã và đang ngày đêm sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng trận địa lòng dân vững chắc. Già làng Hà Văn Nghệ, thôn Giang Mương nhận xét: “Bộ đội tốt lắm, giúp bà con có cái ăn, cái mặc. Đồng bào nơi đây có cuộc sống no ấm phần lớn nhờ công các chú ấy”.


Chiều cuối năm, núi rừng Khánh Vĩnh chìm trong sương giăng, gió lạnh. Nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận ở nơi đây tình người, tình quân dân ngày một thắm thiết, bền chặt.


Giữ yên một dải biên cương


Trời vào đông, buổi sáng ở Ninh Đảo (Vạn Thạnh, Vạn Ninh) se se lạnh. Từ mũi Gành Trắc phóng tầm mắt bao quát khắp thôn đảo, những ngôi nhà khang trang mái ngói đỏ tươi san sát lẫn trong sương sớm tạo nên bức tranh làng chài thơ mộng.


Cách đây 3 năm, lần đầu tiên ghé thăm Ninh Đảo, chúng tôi thấy cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Nay thôn đảo đã thay da đổi thịt. Chỉ tay về phía làng mình, ông Trần Minh Trường, Trưởng thôn Ninh Đảo phấn khởi: “Từ ngày có bộ đội biên phòng giúp đỡ, cuộc sống của người dân nơi đây đỡ vất vả nhiều. Các anh ấy xây nhà, làm đường dân sinh, khoan giếng nước... giúp bà con. Đặc biệt, hơn 3 năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng được hơn 20 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” cho bà con thôn đảo. Ai nấy đều vui mừng phấn khởi.


Theo chân ông Trần Minh Trường, chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Ngọc Anh. Trong niềm hân hoan có ngôi nhà mới mà Bộ đội Biên phòng xây tặng, anh không giấu được cảm xúc: “Gia đình tôi đông con, vợ chồng làm thuê nên khó xây được căn nhà khang trang như thế này. Nay nhờ có bộ đội, tôi đã được ở trong ngôi nhà kiên cố, không còn lo khi mùa mưa bão đến!”. Cùng niềm vui có nhà mới, chị Nguyễn Thị Dơ bộc bạch: “Chúng tôi rất mừng vì. Nhờ địa phương, Bộ đội Biên phòng quan tâm giúp đỡ, gia đình tôi đã có của ăn của để, không còn vất vả như trước”.


Đại tá Hồ Văn Truyền, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định, trên khắp tuyến biên phòng trải dài từ xã Đại Lãnh (Vạn Ninh) đến Cam Lập (TP. Cam Ranh), rất nhiều ngôi nhà mới khang trang đã mọc lên, nhiều công trình vươn ra biển tạo nên bức tranh đa sắc màu, cho thấy biên giới biển của tỉnh đang từng ngày đổi thay, thế trận biên phòng ngày càng vững chắc. Từ năm 2009 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây tặng hơn 160 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” cho người nghèo dọc tuyến biên phòng của tỉnh. Hàng năm, các đơn vị biên phòng còn tổ chức truyền thông, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 700 lượt người dân.

 

3 năm qua, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh cùng bộ đội địa phương đã tặng hàng nghìn suất quà, xây tặng hơn 180 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; giúp nhân dân hơn 45.000 ngày công lao động; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 140.000 lượt người dân... với tổng số tiền làm công tác dân vận hơn 20,5 tỷ đồng.

Người dân 47 xã, thị trấn dọc tuyến biên phòng tỉnh chủ yếu sống bằng nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Nhận thấy những khó khăn của bà con ngư dân, các đơn vị biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có những chủ trương, giải pháp kịp thời trong công tác quản lý, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; xóa đói giảm nghèo. Cán bộ biên phòng đến từng nhà nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, hướng dẫn người dân tận dụng thế mạnh vị trí địa lý để đầu tư phát triển kinh tế. Hiện nay, ngoài đi biển, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá lồng bè, tôm hùm, ốc hương, tu hài, trồng rau xanh, làm nước mắm… Nhờ vậy, đời sống của người dân ven biển ngày một khấm khá.


Chia tay những người lính biên phòng, tôi vẫn nhớ mãi câu nói chân tình, mộc mạc mà thấm đậm tình người của Đại tá Lê Như Hải, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh: “Ở đâu có tấm lòng, có nhận thức đúng là ở đó có tình dân, nghĩa Đảng. Từ đó thắp lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với bộ đội Cụ Hồ. Có như vậy, thế trận biên phòng mới vững chắc, tình quân dân mới bền chặt, thủy chung”.


Mạnh Hùng