Thiếu vốn và mặt bằng, không có đơn đặt hàng... là những lý do khiến một số cơ sở đóng tàu gỗ nhỏ ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa phải đóng cửa, chuyển nghề. Tuy nhiên, họ vẫn luôn mơ ước có một ngày được quay lại với nghề, được đóng những con tàu gỗ lớn để đánh bắt xa bờ.
Thiếu vốn và mặt bằng, không có đơn đặt hàng... là những lý do khiến một số cơ sở đóng tàu gỗ nhỏ ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa phải đóng cửa, chuyển nghề. Tuy nhiên, họ vẫn luôn mơ ước có một ngày được quay lại với nghề, được đóng những con tàu gỗ lớn để đánh bắt xa bờ.
Những chiếc tàu đang được sửa chữa tại cơ sở Dung Thiện. |
Đơn hàng ít
Những ngày này, làng đóng tàu gỗ Bình Tây (phường Ninh Hải) khá vắng vẻ, đìu hiu. Tại bến tàu phường Ninh Hải, ông Nguyễn Lợi - người có hơn 30 năm kinh nghiệm đóng tàu gỗ đang miệt mài vá lại những đoạn be hư, thối cho chiếc tàu cá mang số hiệu KH01953TS. Cách chỗ ông Lợi không xa là kho chứa hàng bằng mái tranh cũ với nhiều máy móc đã hoen gỉ, cũ kỹ, xung quanh cây cỏ mọc um tùm. Nhìn cảnh hoang tàn của nhà kho, ông Lợi cho biết: “Trước đây, chỗ đó tôi dùng để chứa gỗ, các loại máy cưa mâm, máy liên hợp, máy vòng... dùng để đóng tàu. Tuy nhiên, gần 8 năm trở lại đây, tình hình đóng tàu gỗ cỡ nhỏ gặp nhiều khó khăn, không có cơ hội sử dụng, đành bỏ không”.
Ông Nguyễn Lợi bên các loại máy dùng để đóng tàu đã bị hoen gỉ. |
Theo ông Lợi, từ năm 2006 trở về trước, bến tàu này lúc nào cũng nhộn nhịp. Có đến hàng chục thợ thay nhau đóng tàu mới, sửa tàu suốt ngày đêm. Thời điểm đó, mỗi năm, cơ sở của ông đóng được 8 đến 10 tàu từ 50CV trở xuống cho các bạn hàng khắp nơi từ Phan Rang, Phan Thiết, Tuy Hòa đến Đại Lãnh, Nha Trang... Đó là chưa kể đến những tàu gỗ cũ cũng thường xuyên cập bến nhờ ông tu bổ. Thế nhưng, thời kỳ ăn nên làm ra của các cơ sở đóng tàu gỗ loại nhỏ đã qua khi số lượng khách hàng đóng tàu ngày càng giảm. Vài năm nay, cơ sở của ông Lợi không còn đóng mới tàu mà chủ yếu là sửa chữa. Ông lý giải: “Tài nguyên biển, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản gần bờ cạn kiệt; chi phí cho những chuyến đi biển cũng cao hơn trước nên ngư dân thường chịu lỗ nếu đánh bắt gần bờ bằng tàu nhỏ. Vì vậy, họ có xu hướng đóng tàu lớn, đánh bắt xa bờ mà cơ sở của tôi thì không đủ vốn để đóng tàu lớn. Vì thế, tôi đành chuyển sang sửa tàu lấy tiền công, thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày”.
Gần 1 năm nay, anh Nguyễn Luận mới nhận được đơn hàng đóng tàu gỗ loại nhỏ. |
Cùng chung hoàn cảnh với cơ sở đóng tàu của ông Lợi, cơ sở đóng tàu Thành Sơn (tổ dân phố 7, phường Ninh Hải) chuyên đóng tàu nhỏ, dưới 50CV cũng gặp nhiều khó khăn. Cơ sở đóng tàu Thành Sơn chỉ rộng khoảng 300m2, lại nằm ở lạch nước cạn nên không thể đầu tư đóng tàu gỗ lớn. Hơn 8 năm trước, bình quân mỗi năm cơ sở Thành Sơn nhận đóng mới 7 - 8 tàu gỗ loại nhỏ. Những năm trở lại đây, số lượng tàu đóng mới của cơ sở giảm dần, có năm không có đơn hàng nào. Anh Nguyễn Luận (chủ cơ sở Thành Sơn) phải chuyển sang nghề đi biển hoặc đánh bắt cá, ốc gần bờ đem ra chợ bán kiếm sống hàng ngày. Khi chúng tôi tới, anh Luận hồ hởi khoe: “Tôi vừa nhận được một hợp đồng đóng mới tàu. Tuy đóng tàu gỗ nhỏ thu nhập không cao nhưng được làm nghề là tôi vui rồi”. Nhìn đôi tay rám nắng, săn chắc của anh Luận thoăn thoắt cưa, khoan trên khung con tàu mới, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui của anh khi được quay lại với nghề.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, ở tổ dân phố 6 và 7 của phường Ninh Hải có khoảng 15 cơ sở đóng tàu gỗ. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, do các đơn đặt hàng tàu gỗ loại nhỏ ngày càng ít nên có khoảng 5, 6 cơ sở phải giải thể, đóng cửa; nhiều chủ cơ sở chuyển sang làm thợ cho nơi khác hoặc đi biển kiếm sống qua ngày.
Thời của tàu lớn
Trước tình hình làm ăn khó khăn, một số cơ sở đã nhanh nhạy chuyển đổi sang mô hình đóng tàu gỗ lớn. Nhờ thế, các cơ sở này vẫn hoạt động ổn định, nhận được đơn đặt hàng khá đều đặn. Tuy nhiên, số cơ sở này khá ít.
Những ngày này, tại cơ sở đóng tàu Sáu Đông ở tổ dân phố 7, tất cả máy móc, phương tiện, thợ đóng tàu đang làm việc hết công suất để hoàn thành 2 chiếc tàu có chiều dài 18m, công suất trên 400CV nhằm kịp bàn giao vào cuối năm nay cho khách hàng. Kiểm tra lại các chi tiết trên phần khung của thân tàu vừa được hoàn thành, chị Nguyễn Thị Phù Dung - chủ cơ sở hồ hởi: “Ngoài 2 chiếc này, đã có 4 bạn hàng đặt tôi năm sau đóng mới tàu trên 400CV cho họ”. Theo chị Dung, trước đây cơ sở của chị thường đóng tàu cỡ nhỏ, bình quân mỗi năm đóng khoảng 10 chiếc. 10 năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu đóng tàu gỗ nhỏ ít đi, gia đình chị đã mở rộng xưởng chuyển sang đóng tàu lớn. Nhờ chuyển đổi kịp thời nên cơ sở của chị vẫn phát triển ổn định với số đơn đặt hàng bình quân mỗi năm từ 4 - 5 chiếc.
Một chiếc tàu gỗ có công suất trên 400CV đang được đóng mới tại cơ sở Sáu Đông. |
Đón đầu được xu hướng của thị trường, cơ sở đóng tàu Dung Thiện ở tổ dân phố 7 cũng kịp thời chuyển đổi sang mô hình đóng tàu gỗ lớn và chuyên sửa chữa gần 7 năm nay. Vừa nhận được đơn đặt hàng đóng mới, cùng với nhiều tàu đến sửa chữa nên những ngày này, cơ sở Dung Thiện phải tăng cường nhân lực để làm cho kịp tiến độ. Anh Trần Văn Thiện - chủ cơ sở khoe: “Trong đợt khảo sát mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ sở đóng tàu của tôi đủ điều kiện để thực hiện đóng mới tàu gỗ loại lớn dùng để đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ. Cơ sở của tôi được đặt hàng đóng mới 10 tàu”.
Tuy nhiên, theo các chủ cơ sở đóng tàu gỗ lớn thì so với những năm trước, hiệu quả kinh doanh những năm gần đây không bằng do giá cả vật tư, công thợ đều tăng, trong khi giá thành đóng mới tàu tăng rất ít.
Cơ sở phải tự chuyển đổi
Ngày 10-2-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về Quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tàu lắp máy có công suất máy chính dưới 20CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả; tàu có tổng công suất máy chính dưới 50CV làm các nghề khác không tham gia đánh bắt thủy sản. |
Hiện nay, không chỉ những nơi đóng tàu gỗ nhỏ ở phường Ninh Hải gặp khó khăn mà nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng gặp hoàn cảnh này. Hầu hết những nơi này hoạt động bằng kinh nghiệm truyền thống; cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Vì vậy, khi đứng trước nhu cầu phát triển của nghề đánh bắt xa bờ, phần lớn đều gặp khó. Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Hiện nay, chủ trương của tỉnh là hạn chế đóng mới tàu gỗ dưới 50CV, hạn chế các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ. Do đó, các cơ sở đóng tàu gỗ nhỏ muốn tồn tại phải chuyển đổi, nâng cấp cơ sở, đầu tư máy móc để có thể đóng các loại tàu lớn hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Sâm - Phó Chủ tịch phường Ninh Hải cho biết, nắm được chủ trương của tỉnh nên phường đã tuyên truyền cho ngư dân và các cơ sở đóng tàu trên địa bàn phường, khuyến khích các cơ sở chuyển đổi mô hình theo chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, chỉ có một vài cơ sở đủ điều kiện để đóng tàu lớn. Cái khó hiện nay của các cơ sở đóng tàu nhỏ là thiếu vốn và mặt bằng để chuyển đổi sang mô hình đóng tàu lớn, vấn đề này nằm ngoài tầm tay của phường. Để tạo điều kiện cho các cơ sở, phường đang đề nghị tỉnh quy hoạch trên địa bàn phường một mặt bằng đóng tàu chung hội đủ các điều kiện về độ rộng, độ sâu để các cơ sở đóng tàu của địa phương có thể sử dụng nơi này đóng các tàu lớn từ 400CV trở lên. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở liên kết với nhau, tìm hướng chuyển đổi, chủ động tìm kiếm thị trường...
DUNG LY