05:11, 05/11/2014

Về quê hương Đồng khởi anh hùng

50 năm đã qua, kể từ ngày phong trào Đồng khởi nổ ra ở Khánh Hòa, vùng đất Ninh An, Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nay đã mang một diện mạo mới. Quê hương Đồng khởi giờ đây phát triển trù phú, song những âm hưởng của khí thế năm xưa vẫn còn vang vọng nơi đây...

50 năm đã qua, kể từ ngày phong trào Đồng khởi nổ ra ở Khánh Hòa, vùng đất Ninh An, Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nay đã mang một diện mạo mới. Quê hương Đồng khởi giờ đây phát triển trù phú, song những âm hưởng của khí thế năm xưa vẫn còn vang vọng nơi đây...


Âm vang một thuở


Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức của những người trực tiếp tham gia phong trào Đồng khởi vẫn vẹn nguyên những ngày tháng hào hùng ấy. Cùng chúng tôi đến khu vực Vườn dương Sơn Lộc (xã Ninh An), bà Nguyễn Thị Lự, năm nay đã 90 tuổi, một trong những người trực tiếp tham gia phong trào Đồng khởi năm 1964 nhớ lại: “Ngày đó, đây là nơi địch đóng quân. Từ đây, chúng xua quân đi lập ấp chiến lược khắp xã Ninh An như ấp Sơn Lộc, ấp Phú Gia, ấp Lạc Hòa... Những ấp chiến lược Mỹ - Ngụy đã trở thành “nhà tù lớn” giam cầm người dân, hòng ngăn cản nhân dân tiếp xúc với cách mạng. Nhờ phong trào Đồng khởi mà nhân dân bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược của địch được giải phóng”.

 

1
Vườn dương Sơn Lộc nay đã trở thành Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.


Trong tâm trí của người phụ nữ đã nhiều lần bị địch bắt, tra tấn vì tội tiếp tế cho cách mạng vẫn nhớ như in hình ảnh nhân dân 2 xã Ninh An, Ninh Thọ nhất tề nổi dậy phá tan ấp chiến lược của địch, giành chính quyền vào đêm 6 ngày 7-11-1964. “Đêm 6-11, cùng với lực lượng du kích, nhân dân 2 xã đã nổi dậy, đánh trống, gõ mõ, tấn công, đốt phá trụ sở địch; truy bắt bọn ác ôn, đánh tan bộ máy chính quyền, ngụy quân từ thôn đến xã; giải phóng 2 xã và thành lập chính quyền cách mạng. Người dân các địa phương còn phân công nhau đào công sự chiến đấu, chuẩn bị hậu cần, tiếp tế lương thực để bộ đội, du kích đánh địch. Đến sáng 7-11-1964, địch rải quân trên đường cái, chuẩn bị phản kích vào vùng giải phóng. Cảnh phụ nữ kéo nhau lên đường, đối mặt, hù dọa địch rằng lực lượng giải phóng trong xã rất đông, vừa vận động địch để chúng rút về huyện lỵ”, bà Lự hồi tưởng.  


Rời Vườn dương Sơn Lộc, chúng tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Lệ (thôn Lạc Hòa, xã Ninh An), tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Bà Lệ cho hay: “Hồi Đồng khởi, tôi mới 18 tuổi, ngoài nhiệm vụ chính là liên lạc, dẫn đường cho cán bộ cách mạng về giải phóng Ninh An, tôi còn tham gia Hội Phụ nữ giải phóng, cùng các chị em khác chuẩn bị hậu cần, tiếp tế lương thực cho lực lượng giải phóng. Đêm đêm chúng tôi đi đào hào ngang đường cái để ngăn xe địch không đến được vùng giải phóng. Đêm mình đào, ngày địch lấp, đêm sau mình lại đào tiếp ở điểm khác, có khi vào tận Ninh Quang để đào hào”. Trong trí nhớ của bà Lệ, thời ấy khí thế cách mạng lên cao lắm, ai cũng hăng hái tham gia phong trào.

 

Bà Phạm Thị Lệ và bà Nguyễn Thị Lự tìm lại tên những người đồng chí đã hy sinh trong những ngày Đồng khởi.
Bà Phạm Thị Lệ và bà Nguyễn Thị Lự tìm lại tên những người đồng chí đã hy sinh trong những ngày Đồng khởi.


Rời xã Ninh An, chúng tôi tìm gặp ông Phan Thanh Hùng (thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ). Theo lời kể của ông Hùng, những ngày Đồng khởi nổ ra, ông cùng đồng đội đã trực tiếp giải phóng các thôn Xuân Phong, Xuân Mỹ, Lạc Ninh, Lạc Bình và một nửa thôn Ninh Điền. Ở Ninh Thọ, ông Hùng là một trong số ít những người trực tiếp cầm súng chiến đấu trong những ngày chống Mỹ - Ngụy ác liệt hiện vẫn còn sống. Trên khắp cơ thể ông là những vết thương - chứng tích của một thời đạn bom, trong số ấy có vết thương của những ngày Đồng khởi. “Trước ngày Đồng khởi, khi làm lễ ly sơn, anh em chúng tôi ai cũng quyết tâm, cùng với nhân dân đánh tan ấp chiến lược của địch. Phong trào Đồng khởi thành công đã giải phóng một vùng nông thôn, đồng bằng rộng lớn, hàng nghìn người dân ở huyện Bắc Ninh Hòa đã thoát khỏi ách kìm kẹp của địch. Sau Đồng khởi, trong suốt 2 năm, từ tháng 11-1964 đến tháng 10-1966, quân và dân xã Ninh Thọ đã kiên cường chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng trước sự phản kích quyết liệt của địch”, ông Hùng cho biết.


Tiếp chúng tôi, ông Trần Công Hoán - Bí thư Thị ủy Ninh Hòa chia sẻ: “Năm 1964, hưởng ứng chủ trương Đồng khởi giải phóng một phần nông thôn, đồng bằng ở Khánh Hòa của Tỉnh ủy, nhân dân xã Ninh An, Ninh Thọ cùng với lực lượng vũ trang đã nổi dậy, giải phóng hoàn toàn một vùng rộng lớn hơn 10.000km2, với khoảng 6.000 dân ở 2 địa phương này. Chưa đầy 3 tháng, phong trào Đồng khởi ở Ninh An, Ninh Thọ đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng chung, sâu rộng trên toàn địa bàn thị xã Ninh Hòa”.


Diện mạo mới trên đất anh hùng


Đi trên mảnh đất Ninh An, Ninh Thọ những ngày này mới cảm nhận hết sự đổi thay trên vùng đất anh hùng một thời đạn bom, khói lửa. Đường đi giờ đã đổi khác, không còn cảnh gập ghềnh, mấp mô đường đất, thay vào đó là con đường bê tông rộng rãi. Các trục đường chính đã có đèn cao áp mang dáng dấp của phố thị. Nhiều người về thăm lại vùng đất Đồng khởi của Ninh Hòa đều không khỏi ngạc nhiên về sự thay da, đổi thịt từng ngày ở nơi đây. Những ngôi nhà cao tầng, những căn biệt thự mọc lên ngày càng nhiều hơn. Vùng Lạc An khốc liệt năm xưa, nay sầm uất với chợ Lạc An rộng lớn, quy mô.


Con đường từ Quốc lộ 1A dẫn về trung tâm hành chính xã Ninh Thọ lồng lộng gió từ vịnh Vân Phong thổi về. Hai bên đường bát ngát dừa xanh cùng những đồng lúa vừa thu hoạch còn vương mùi rơm, rạ. Chúng tôi đến thắp nhang ở Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên khuôn viên rộng rãi, khang trang, uy nghi. Đây là công trình được hoàn thành năm 2012 để tưởng nhớ, ghi nhận công lao của thế hệ đi trước cho độc lập của quê hương, đất nước. Từ lâu, đây cũng là nơi tổ chức giáo dục truyền thống quê hương cho các thế hệ trẻ.

 

1
Trường THCS Nguyễn Tri Phương xã Ninh Thọ mới được đầu tư xây dựng khang trang.


Ông Phan Thanh Hùng hồi tưởng: “Trước năm 1995, vùng này nghèo xơ xác. Mảnh đất Ninh Thọ bị chiến tranh tàn phá không còn gì, hòa bình lập lại nhưng cái đói cứ bám mãi lấy người dân nơi đây. Nhưng giờ thì khác rồi...”. Nói đến đây, ánh mắt của người từng một thời hoa lửa bỗng sáng lên lạ thường: “Có mơ cũng chẳng thể tưởng tượng được Ninh Thọ giờ lại phát triển đến thế. Điện, đường, trường, trạm, tất cả đều khang trang. Gia đình tôi giờ cũng có của ăn, của để. Tất cả nhờ vào con ốc, con tôm và trồng trọt. Căn nhà xây trị giá 20 cây vàng của gia đình tôi cũng đều nhờ hết vào nông nghiệp và thủy sản. Bước ra khỏi chiến tranh, Ninh Thọ kiệt quệ, nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước mà mấy năm trở lại đây, cuộc sống của người dân đã có sự phát triển vượt bậc” - ông Hùng tự hào nói.


Cùng với Ninh Thọ, xã Ninh An tuy còn khó khăn nhưng cũng đã và đang có những bước tiến quan trọng. Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều gia đình đã phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ như mây, tre, lá, vật liệu xây dựng, đồ mộc mỹ nghệ. Một bộ phận thanh niên tham gia sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài thị xã, mang về một nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Nhờ có đường lối đổi mới của Đảng, cùng với sự lãnh đạo của chính quyền các cấp, người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực và sáng tạo. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi, vốn xóa đói giảm nghèo, vốn tín chấp để đầu tư trồng trọt, làm kinh tế trang trại, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu. Bà Phạm Thị Lệ không khỏi cảm kích khi nói về sự đổi thay trên quê hương mình: “Ninh An trước đây và Ninh An bây giờ khác nhau quá nhiều. Kinh tế phát triển, nhà nào cũng xây mới khang trang, cứ đà này chẳng mấy chốc sẽ trở thành phố thị”.


Phát huy truyền thống cách mạng

Ninh An, Ninh Thọ là xã anh hùng. Những người con sinh ra trên mảnh đất này đều tự hào về truyền thống của quê hương mình. Trong trụ sở UBND xã khang trang, ông Đặng Thiện Nghiêm - Phó Chủ tịch xã Ninh An trải lòng: “Chúng tôi là những thế hệ sau, trong những ngày Đồng khởi người còn nhỏ, người chưa sinh ra. Song, với truyền thống quê hương mình, thế hệ lãnh đạo trẻ như chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống cách mạng của những thế hệ đi trước, tạo những bước đột phá để xây dựng quê hương giàu, đẹp, đời sống người dân được nâng cao”.


Bước ra khỏi cuộc chiến giành độc lập dân tộc, như nhiều địa phương khác trên dải đất hình chữ S, cái đói, cái nghèo cứ đeo đuổi người dân Ninh An suốt hàng chục năm trời. Nhưng với truyền thống của vùng đất cách mạng, những người con Ninh An đã chung tay xây dựng quê hương, từng bước vượt lên khó khăn để trở thành xã có nền kinh tế phát triển. Cách đây 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn rất cao, nhưng đến năm 2014 chỉ còn 3,4%. Dự kiến sang năm 2015, số hộ nghèo sẽ giảm hơn nữa. Có một điều rất vui, đó là trong số những gia đình chính sách của xã, không có hộ nào nằm trong diện hộ nghèo. Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, hàng chục km đường nông thôn được bê tông hóa, hệ thống kênh mương cũng được xây dựng lại kiên cố, trở thành điểm sáng của thị xã về giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương. Với tiềm năng và quyết tâm của mình, xã Ninh An phấn đấu sẽ trở thành đô thị loại V trong tương lai gần.


Tự hào về truyền thống quê hương mình, ông Phan Nhường - Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ cũng cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ cha, anh đi trước, nhân dân Ninh Thọ đang ra sức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu. Hiện số hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 2,4% trong tổng số 2.015 hộ dân, số hộ khá giả ngày càng nhiều. Hiện nay, cùng với Ninh An, địa phương đang được đầu tư để phát triển thành đô thị loại V của tỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tập trung để xây dựng nông thôn mới, cuối năm nay sẽ đạt được 14 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành”.


Nhận định về sự phát triển của quê hương Đồng khởi Ninh An - Ninh Thọ, ông Trần Công Hoán cho biết: “Ninh An, Ninh Thọ là vùng bị chiến tranh tàn phá ác liệt, chịu hy sinh rất lớn về người và của. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân đã tích cực khắc phục hậu quả sau chiến tranh, rà phá bom mìn, khai hoang sản xuất; người dân đã về lại làng cũ để ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Gần 40 năm sau giải phóng, đến nay khu vực Ninh An, Ninh Thọ đã có bước đổi mới, phát triển vượt bậc và toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, sau khi hệ thống thủy lợi Đá Bàn được đầu tư, kinh tế nông nghiệp của 2 địa phương đã có điều kiện thuận lợi để phát triển, người dân đã đưa cơ giới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả sản xuất ngày càng cao, đời sống ngày càng ổn định. Hiện nay, Ninh An, Ninh Thọ được quy hoạch để phát triển lên đô thị loại V, lại nằm trong Khu kinh tế Vân Phong nên có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế. Thị xã Ninh Hòa xác định việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực Ninh An, Ninh Thọ là việc hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục có chính sách đầu tư phát triển khu vực này”.


Đình Lâm - Hải Lăng