11:11, 11/11/2014

Trường nghề khó tuyển sinh

Tuy đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng số lượng học viên đăng ký vào các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn rất thấp, thậm chí có trường có năm không tuyển được học viên.

Tuy đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng số lượng học viên đăng ký vào các trường trung cấp nghề (TCN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn rất thấp, thậm chí có trường có năm không tuyển được học viên.

 

Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm được đầu tư xây mới nhưng công tác tuyển sinh vẫn gặp khó khăn.
Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm được đầu tư xây mới nhưng công tác tuyển sinh vẫn gặp khó khăn.


 

Khó tuyển sinh


Có mặt tại Trường TCN Cam Lâm vào một ngày giữa tuần, mới hơn 3 giờ chiều nhưng các xưởng thực hành của trường không có học viên nào. Trường có 18 phòng học thì chỉ có 1 phòng với 16 học viên lớp sơ cấp đang học lý thuyết. Ông Đỗ Quang Thiện - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm 2013, trường tuyển sinh được 2 lớp hệ TCN là điện công nghiệp và công nghệ thông tin với 44 em. Sau thời gian theo học, chỉ còn 27 em. Do học viên ít nên trường bố trí cho các em học hầu hết vào buổi sáng, buổi chiều dành cho các lớp sơ cấp”.

 

Thực hành sửa máy lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh.
Thực hành sửa máy lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh.


Năm 2011, Trường TCN Cam Lâm được đầu tư xây dựng mới trên khuôn viên rộng khoảng 5ha tại thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm với tổng mức đầu tư khoảng 59 tỷ đồng. Trường được đầu tư 6 xưởng thực hành, 18 phòng học, ký túc xá với sức chứa 150 học viên… nhưng 3 năm qua, công tác tuyển sinh của trường luôn gặp khó khăn, số học viên tuyển được chỉ đạt khoảng 40% so với chỉ tiêu. “Hàng năm, vào tháng 2, trường đã lên kế hoạch tổ chức tuyển sinh tới các trường THCS trên địa bàn để tìm hiểu số học sinh (HS) có nhu cầu học nghề và mời phụ huynh, HS đến trường tham quan. Sau khi có kết quả xét tuyển tốt nghiệp, cán bộ của trường đến tận nhà HS không đậu tốt nghiệp để tư vấn, hướng nghiệp gửi thư mời các em vào học tại trường. Thế nhưng, số lượng HS vào học tại trường mỗi năm một giảm. Năm nay, trường tuyển được 48 em, hy vọng đến hết tháng 12 số HS vào học sẽ tăng thêm” - ông Thiện nói.

 

Thực  hành  sửa  máy  lạnh  tại  Trường  Trung  cấp  Nghề  Diên  Khánh.
Thực hành sửa máy lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh.


Trường TCN Diên Khánh cũng trong tình trạng tương tự khi hàng năm chỉ tuyển được từ 20 đến 25 học viên. Do số lượng học viên ít, hầu hết các em đều theo học nghề sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí nên xưởng thực hành mộc của trường nhiều năm nay đã thành nhà kho. Còn xưởng cơ khí với nhiều máy móc hiện đại có giá trị hàng trăm triệu đồng như: máy xoáy xi lanh, máy phay đứng, máy hàn 400, máy cuốn tôn… mỗi năm chỉ mở cửa vài lần để HS sơ cấp thực hành. Có máy đến nay vẫn chưa được sử dụng vì không có học viên và vì thiết kế của xưởng không phù hợp để đưa vào vận hành.


Dẫn chúng tôi tham quan các xưởng thực hành, ông Huỳnh Xích Hổ (Phòng Tổ chức hành chính) cho biết: “Tuy nhà trường đã đầu tư nhiều cho công tác tuyển sinh nhưng do cơ sở vật chất của trường quá chật hẹp, xuống cấp, lại không có ký túc xá nên nhiều phụ huynh không muốn cho con vào học. Năm 2013, trường không tuyển được học viên nào. Năm học này, ngoài 18 em đã làm thủ tục nhập học, có 21 HS ở Diên Xuân, Diên Tân đăng ký vào học nhưng do trường không có ký túc xá, đường đi học xa nên các em không nhập học”.

 

1
Không có học viên, nhiều thiết bị dạy cơ khí ở Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh không được đem ra sử dụng.


Ngoại trừ Trường TCN Ninh Hòa đạt gần 100 chỉ tiêu tuyển sinh hệ TCN, 2 trường còn lại là TCN Cam Ranh và TCN Vạn Ninh có số HS vào học hàng năm chỉ đạt từ 50 - 70% so với chỉ tiêu.


Nhiều nguyên nhân


Theo ông Văn Công Minh, Trưởng phòng Đào tạo - Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chính sách phân luồng HS sau THCS vào học nghề trên địa bàn tỉnh chưa thật tốt và đồng bộ, dẫn đến nguồn tuyển sinh ở các trường thấp với khoảng 10% HS tốt nghiệp THCS đi học nghề.


Ngoài ra, đa số HS học nghề là con em gia đình nghèo, thu nhập thấp, nhưng chính sách hỗ trợ cho đối tượng này hiện nay chưa đủ mạnh để trợ giúp họ. HS có nhu cầu học nghề phần lớn có học lực trung bình, yếu, khi vào trường TCN các em vừa học nghề, vừa học văn hóa nên có tâm lý “ngại học”. Mặt khác, nhiều em HS không thích học các trường trong tỉnh, không muốn học ở trường nghề, trong khi đó, công tác định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông chưa tốt… Ông Trần Tịnh, Hiệu trưởng Trường TCN Cam Ranh chia sẻ: “Khó khăn sẽ ngày càng chồng chất với các trường dạy nghề nếu không xóa bỏ được tình trạng kỳ thị bằng cấp. Chưa kể hiện nay, hoạt động của các trường phụ thuộc vào khoản kinh phí cấp trên đầu HS. Tuyển sinh thấp, kinh phí được cấp thấp nên các trường đã khó lại càng khó thêm, muốn đột phá cũng khó. Ngoài ra, chế độ tiền lương cho người lao động chậm đổi mới đã tạo những rào cản rất lớn đối với công tác tuyển sinh ở các trường nghề”.


Bên cạnh những khó khăn trên, chất lượng đào tạo nghề tại các trường chưa tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thừa nhận vấn đề này, ông Văn Công Minh cho biết, hiện nay định mức chi 4,8 triệu đồng cho 1 HS nghề/năm theo quy định là quá thấp, không đủ để các trường trang trải chi phí đào tạo, hoạt động. Các trường tuy đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng do thiếu kinh phí nên trang thiết bị chưa được đáp ứng đầy đủ. Thêm vào đó, các giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh tuy đã đạt chuẩn theo quy định, nhưng gần 50% chưa đạt kỹ năng nghề. Ngoài ra, thu nhập của giáo viên dạy nghề còn thấp nên chưa thu hút được giáo viên giỏi về làm việc tại các trường… Những nguyên nhân trên cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh.


Đâu là giải pháp?


Để giải quyết những khó khăn trên, theo lãnh đạo các trường TCN trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở LĐ-TB-XH cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc định hướng, phân luồng HS sau THCS. UBND tỉnh nên có cơ chế, chính sách huy động giáo viên dạy nghề giỏi, các nghệ nhân, công nhân có tay nghề cao, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư giỏi tham gia dạy nghề tại các trường. Đồng thời tăng định mức chi cho HS học nghề lên 6,6 triệu đồng/năm; có chính sách hỗ trợ thêm cho HS học nghề như: miễn học phí hoàn toàn, hỗ trợ học bổng…

 

Tại buổi làm việc mới đây của HĐND tỉnh với Sở Giáo dục - Đào tạo về vấn đề trên, ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, năm học 2013 - 2014, tổng số HS tốt nghiệp THCS trên toàn tỉnh khoảng 16.000 em, trong đó có 12.000 em học lên THPT, còn hơn 4.000 em không vào lớp 10.

Bên cạnh những giải pháp trên, các trường cần chủ động hơn trong việc liên kết với các trang web giới thiệu việc làm; gắn kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, vừa tạo việc làm cho học viên sau đào tạo, vừa tranh thủ sự hỗ trợ của doanh nghiệp cho nhà trường, HS… Có như vậy, việc thu hút HS học nghề mới có thể được cải thiện.


“Lấy ngắn nuôi dài”, “đìu hiu”… là tình cảnh tồn tại từ nhiều năm nay đối với các trường TCN trên cả nước nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Trước thực trạng trên, nhiều năm qua, các cấp bộ, ngành đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị nhằm đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường nghề. Tuy nhiên, nếu không giải quyết rốt ráo các nguyên nhân trên thì bức tranh dạy nghề chưa biết khi nào sẽ sáng và thị trường lao động vẫn luôn ở thế mất cân đối cung - cầu.


THẢO LY