Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả triển khai, người dân đã rất đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, những hộ dân thuộc diện tái định cư ở xã Vạn Thọ và Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại đang lo lắng trước nơi ở mới còn quá ngổn ngang, trong khi Tết Nguyên đán đang đến gần…
Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả triển khai, người dân đã rất đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, những hộ dân thuộc diện tái định cư (TĐC) ở xã Vạn Thọ và Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại đang lo lắng trước nơi ở mới còn quá ngổn ngang, trong khi Tết Nguyên đán đang đến gần…
Cây cầu bắc qua khu tái định cư xã Đại Lãnh đang được thi công. |
Chật vật nơi ở mới
Có mặt tại khu TĐC xã Đại Lãnh, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh công trường ngổn ngang bùn đất, sình lầy, lác đác có vài căn nhà của người dân vừa mới xây xong. Đường nối từ khu dân cư Tây Bắc sang khu TĐC phải băng qua con suối lớn nhưng cầu chưa xây xong; vì vậy, người dân phải lội qua suối. Đường giao thông nội bộ, hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt... vẫn chưa hoàn thiện. Phải rất vất vả, chúng tôi mới tới được nhà ông Nguyễn Hồng Thái - một trong những gia đình đầu tiên chuyển tới khu TĐC. Tiếp chúng tôi, ông Thái buồn bã nói: “Gia đình tôi mới chuyển về nơi ở mới được 1 tháng. Cuộc sống sinh hoạt ở đây gặp rất nhiều khó khăn do đường sá chưa có. Mỗi khi mưa xuống, toàn bộ khu vực này thành một bãi sình lầy, bị cô lập do nước suối chảy xiết. Không chỉ thế, nước sinh hoạt chưa có nên chúng tôi phải tự mua đường ống dài khoảng 5km để kéo nước từ trên núi về dùng”.
Lẽ thường, khi người dân về ở khu TĐC, cơ sở hạ tầng phải được hoàn thành trước. Tuy nhiên, ở khu TĐC Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đang diễn ra ngược lại, khiến cho người dân rất lo lắng. Bà Phạm Thị Hoa - người dân ở đây tâm sự: “Chúng tôi đều đồng tình ủng hộ triển khai dự án. Vì vậy, Nhà nước phải sớm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để người dân an tâm. Thực tình, tôi chưa muốn về nơi ở mới, nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc nên phải chuyển đến. Về nơi ở mới mà thiếu thốn trăm bề...”. Không những thế, những ngôi nhà ở đây vừa xây xong thì đã nứt dọc, nứt ngang. Ông Nguyễn Tấn Hoàng - người dân ở khu TĐC xã Đại Lãnh bức xúc: “Gia đình tôi nhận được hơn 130 triệu đồng tiền đền bù, về khu TĐC xây nhà vừa đủ. Nhưng ngặt nỗi, nhà vừa xây xong thì bị nứt, mặc dù tôi đã giằng móng rất kỹ. Tôi đã thuê người sửa 2 lần nhưng vẫn không ăn thua, sống ở nhà mới mà lo nơm nớp”.
Cảnh ngổn ngang ở khu tái định cư xã Đại Lãnh. |
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những căn nhà mới xây xong sau 1 tháng đều bị nứt và thấm nước. Nhiều người dân cho rằng, trước đây khu vực này là đất ruộng, do đơn vị thi công san lấp mặt bằng không chắc chắn nên nền đất bị yếu. Ngoài ra, cách nhà dân khoảng 500m, đơn vị thi công cho nổ mìn liên tục cũng ảnh hưởng tới nhà dân. “Nhà đã nứt thế này, e rằng sắp tới đây, khi làm đường giao thông nữa thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra?”, ông Thái lo lắng. Được biết, gần 1 tháng nay, người dân đã làm đơn kiến nghị về tình trạng nứt nhà gửi đến UBND xã Đại Lãnh, Ban quản lý Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả nhưng vẫn chưa có hồi âm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, khu TĐC hầm đường bộ Đèo Cả tại xã Đại Lãnh có diện tích 15ha, được chia làm 312 lô để đáp ứng nhu cầu cho gần 200 hộ dân bị giải tỏa. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 15 hộ chuyển đến xây nhà ở. “Do các hạng mục công trình phụ trợ tại khu TĐC chưa hoàn thành nên người dân không muốn chuyển về. Đồng thời, hiện nay đang vào thời điểm cuối năm, trên địa bàn khan hiếm thợ xây dựng, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, đơn vị thi công chưa làm xong cơ sở hạ tầng, kè chống sạt lở, trong khi mùa mưa lũ đang bắt đầu nên nguy cơ sạt lở, người dân bị cô lập là rất cao”, ông Thú nói.
Những hộ dân thuộc diện TĐC trên địa bàn xã Vạn Thọ cũng chịu chung cảnh “3 không” (không điện, không đường, không nước). Toàn xã có 23 trường hợp TĐC ở 3 nơi là: Ruộng Dỡ Trong, Cây Xanh, Tư Ích. Thế nhưng, cũng mới chỉ có 3 gia đình chuyển đến ở. Ông Võ Văn Tuyển ở khu TĐC Ruộng Dỡ Trong bức xúc: “Đồng tình với chủ trương của Nhà nước, tôi đã bàn giao hơn 100m2 đất rồi về khu TĐC xây nhà ở hết 100 triệu đồng. Tưởng về đây cuộc sống sẽ đầy đủ hơn, ai ngờ điện phải kéo nhờ, nước thì đi mua, đường sá chưa có. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nhất cho các hộ dân ở khu TĐC”.
Theo ông Huỳnh Ngọc Liêm - Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ, đất TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả thực chất là quỹ đất bán đấu giá tạo nguồn thu cho xã đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do tính cấp bách của dự án nên UBND tỉnh và huyện đã chuyển mục đích quỹ đất này sang làm khu TĐC. Hiện tại, xã mới chỉ thực hiện nâng mặt bằng, còn các công trình phụ trợ vẫn chưa thực hiện được.
Ông Trần Đại Xuân - Phó Trưởng Ban quản lý Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả cho biết: “Do thời gian triển khai gấp rút nên hiện nay, cơ sở hạ tầng khu TĐC vẫn chưa hoàn thành. Tình trạng nhà dân bị nứt, chúng tôi chưa nhận được phản ánh. Chúng tôi sẽ cử người trực tiếp đi kiểm tra, điều chỉnh lại phương pháp nổ mìn. Trường hợp nếu có nứt nhà dân thì đơn vị bảo hiểm sẽ có phương án hỗ trợ. Trên thực tế, đất nền được đơn vị thi công làm rất kỹ nên không thể ảnh hưởng làm nứt nhà dân được. Nhà dân nứt có thể do làm móng yếu, đào móng cạn...”.
Nỗi lo sinh kế
Ngoài cơ sở hạ tầng, người dân còn lo lắng trước việc mưu sinh khi về ở khu TĐC. Ông Nguyễn Hồng Thái ở khu TĐC xã Đại Lãnh bộc bạch: “Đa số người dân ở đây quanh năm đi biển, chăn nuôi, làm ruộng, trồng hoa màu. Khi chuyển đến nơi ở mới, chúng tôi chưa biết phải làm gì để sống. Ở chỗ cũ, chúng tôi còn có mảnh vườn để chăn nuôi, trồng trọt, gần biển còn có nơi đậu ghe thuyền đi đánh cá. Đến nơi ở mới rất xa biển, mỗi hộ được cấp mấy chục mét vuông đất chỉ đủ để xây nhà. Do không có đất sản xuất nên từ ngọn rau, con cá... đều phải đi mua. Cứ thế này, nguy cơ các gia đình rớt xuống hộ nghèo là khó tránh khỏi”.
Do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nên rất ít hộ dân về ở khu tái định cư xã Vạn Thọ |
Gia đình ông Nguyễn Tấn Hoàng ở khu TĐC xã Đại Lãnh quanh năm sống bằng nghề mộc, hiện nay cũng rơi vào khó khăn. “Ở nơi cũ gần biển, ghe thuyền vào sửa chữa nhiều, cuộc sống gia đình khấm khá. Giờ về nơi ở mới, không có bạn hàng nên cuộc sống trở nên khó khăn. Ông Hoàng chia sẻ: “Gia đình tôi đã có nghề mộc, sau này còn chuyển được sang làm mộc dân dụng; những hộ khác chủ yếu đi biển, bây giờ họ đang rất bế tắc về việc làm. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước, chính quyền địa phương có hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân ở khu TĐC”.
Cam kết hoàn thành cơ sở hạ tầng trước ngày 30-1-2015 Ông Trần Đại Xuân - Phó Trưởng Ban quản lý Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả cho biết: “Ngày 10-10, phía tỉnh Khánh Hòa mới bàn giao khu TĐC để đơn vị thi công cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, hiện nay đã vào mùa mưa nên tiến độ thi công của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, chậm tiến độ. Tuy nhiên, chúng tôi đang ngày đêm gấp rút triển khai các hạng mục công trình như: làm cầu qua khu TĐC, hoàn thiện hệ thống điện, đường, nước. Chúng tôi cam kết hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước ngày 30-1-2015 để người dân đón Tết Nguyên đán”. |
Tuy đã 9 giờ sáng nhưng người dân ở khu TĐC Ruộng Dỡ Trong vẫn còn ở nhà. Đàn ông thì uống trà, còn phụ nữ tụm ba, tụm năm tán gẫu. Bà Nguyễn Thị Thuyết thở dài: “Trước đây, nhà ở mặt đường Quốc lộ 1A, tôi mở quán cơm xe khách mỗi tháng cũng thu nhập cả chục triệu đồng. Bây giờ về đây, đất ruộng không có, diện tích nhà nhỏ hẹp, cách đường hàng trăm mét nên không thể mở quán ăn”. Tuy sống trong căn nhà khá khang trang nhưng gia đình ông Võ Văn Tuyển vẫn luôn đau đáu nỗi lo sinh kế. Khi chuyển về khu TĐC, ông mang theo khát vọng đổi đời. Thế nhưng, 2 tháng qua, để có tiền đong gạo hàng ngày, ông Tuyển phải vào rừng chặt cây đốt than đem bán. “Biết là vi phạm pháp luật, nhưng không làm thì không biết lấy gì mà sống...”, ông Tuyền nói.
Chính vì thấy các hộ dân về nơi ở mới còn nhiều bất cập, khó khăn nên hiện nay, có rất nhiều hộ đã nhận tiền đền bù, nhận đất TĐC nhưng vẫn chưa rời nơi ở cũ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Nguyễn Văn Kiên (xã Vạn Thọ) - hộ thuộc diện di dời về khu TĐC nói: “Hơn 20 năm mở quán bán cơm cho xe khách cũng đủ nuôi 5 miệng ăn, về nơi ở mới thì lấy gì sống? Vì vậy, tôi bám trụ nhà cũ buôn bán được ngày nào hay ngày đó. Tôi dự định bán luôn lô đất ở khu TĐC, rồi đi tìm nơi khác thích hợp để làm ăn”.
Đem nỗi lo sinh kế của người dân giải bày với lãnh đạo 2 xã Vạn Thọ và Đại Lãnh, chúng tôi được biết, từ khi Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả triển khai, xã chỉ tập trung vận động người dân nhận tiền đền bù, giải tỏa, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công thực hiện dự án; còn về cuộc sống, việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp vẫn chưa tính đến. Thời gian tới, 2 xã sẽ kiến nghị với huyện, tỉnh tìm hướng giải quyết vấn đề này...
Việc đầu tư, xây dựng hầm Đèo Cả và Cổ Mã là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo thuận lợi trong việc đi lại, thông thương cho người dân, giảm thiểu tai nạn giao thông và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung. Tuy nhiên, việc các đơn vị thi công chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu TĐC mà vẫn đưa dân vào ở đã tạo ra sự hoang mang, lo lắng cho người dân. Rồi đây, vấn đề “an cư lạc nghiệp” của họ sẽ được giải quyết ra sao? Chúng tôi xin gửi những trăn trở này của người dân đến Ban quản lý Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và các cấp, ngành, chính quyền địa phương.
VĂN GIANG - MẠNH HÙNG