Ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), đời sống của đồng bào dân tộc Raglai đang còn những khó khăn. Nơi đó, hàng trăm giáo viên miền xuôi vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám làng "gieo chữ" cho học trò...
Ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), đời sống của đồng bào dân tộc Raglai đang còn những khó khăn. Nơi đó, hàng trăm giáo viên (GV) miền xuôi vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám làng “gieo chữ” cho học trò...
Thầy và trò trong giờ tan trường. |
Gửi trọn tình yêu
Nằm trên những đồi cao xa xôi, các điểm trường: Apa 1, Apa 2, Tà Giang 2 của Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn (xã Thành Sơn) được xem là nơi có quãng đường đi xa và khó khăn nhất của hệ thống trường học miền núi Khánh Sơn. Trước đây, từ trung tâm xã Thành Sơn vào các điểm trường này, GV phải lội suối bất kể trời nắng hay mưa...
Ghé thăm điểm trường Tà Giang 2 (điểm xa nhất) khi bóng chiều đã ngả, bên dòng sông Hàm Leo chảy xiết, hơn 100 học sinh (HS) người dân tộc Raglai vẫn say sưa học tập. Cảnh núi rừng heo hút khiến những người đến đây lần đầu dễ chạnh lòng. Vậy mà đã bao năm nay, tất cả GV từ khối 1 đến khối 5 (đều là nam giới) vẫn quyết tâm trụ lại điểm trường này. Gặp khách lạ, thầy Ngô My Pha (quê ở Phú Yên) hồ hởi: “Lâu lắm mới có khách. Ở đây, quanh năm chỉ có thầy với trò, ít có ai ở xa ghé qua. Điểm trường toàn GV nam nên cũng hơi buồn. Mọi công việc từ nấu ăn, rửa chén, giặt giũ... các thầy đều tự tay làm hết. Ban đầu còn thấy bỡ ngỡ, nhưng sau một thời gian, ai cũng quen dần. Vì học trò, mọi khó khăn đều có thể vượt qua”. Cũng như thầy Pha, thầy Cao Thiên Lý đã có thâm niên 24 năm gắn bó với học trò nơi đây. Qua bao gian khó, cũng có những lúc nản chí, nhưng với tình yêu nghề, yêu trò, ngọn lửa đam mê vẫn mãi cháy trong thầy. Thầy Lý nhớ lại: “Trước đây, mùa nước lớn, khi đi dạy, ai cũng phải vắt quần lên cổ để lội qua suối. Có người đã bị con suối Hàm Leo cuốn phăng cả xe. Khó khăn là vậy, nhưng tình yêu của mình đã dành hết cho nghề, dành hết cho học trò nên chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Mình yêu mảnh đất và con người nơi đây, điểm trường này có thể sẽ là nơi mình gắn bó sự nghiệp đến khi nghỉ hưu”.
Giáo viên trẻ Đỗ Thị Oanh nắn nót từng nét chữ cho học trò. |
Nhìn bộ đồng phục của các em HS đã nhuốm màu đất, mặt mày lem luốc... cũng đủ biết đời sống người dân nơi đây còn lắm cơ cực. Một lần gặp, khó ai có thể hiểu hết được những nhọc nhằn mà các thế hệ GV ở điểm trường Tà Giang 2 đã nếm trải. Nhưng nhìn vào những năm tháng cống hiến của các thầy cô cho vùng đất xa xôi, heo hút này cũng đủ biết họ đã dành trọn tình yêu cho sự nghiệp “trồng người”. Người ở lâu đã có hơn 20 năm, người ít cũng hơn 6 năm, nhưng chưa có một ai xin chuyển đi vùng khác. Đây là sự kiên trì đáng khâm phục.
Giúp học trò yêu cái chữ
Bao năm gắn bó với học trò vùng cao Thành Sơn, các GV nơi đây đã thuộc lòng từng con sông, con suối, nhớ từng nóc nhà, từng hoàn cảnh HS. Thế nhưng, để HS ngày ngày đến trường, thích từng con chữ là điều không hề đơn giản.
Về điểm trường Apa 1, mọi người đều đồng loạt giới thiệu với chúng tôi về lớp 5 - nơi có thầy Nguyễn Trung Kiên làm chủ nhiệm. Dù mới đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh, song khi được hỏi, thầy Kiên chỉ khiêm tốn: “Ở đây, còn rất nhiều tấm gương GV cống hiến nhiều cho sự nghiệp giáo dục tại miền núi này. Em chỉ mới dạy được 6 năm, thấm tháp gì với các chú, các anh đã cống hiến mấy chục năm...”. Chàng trai xứ Nghệ (sinh năm 1982), ngồi trần tình về chuyện dạy học, về cơ duyên đến và gắn bó với mảnh đất Thành Sơn. Dẫu là người kiệm lời nhưng khi nhắc đến chuyện học của HS miền núi, Kiên say sưa kể hết chuyện này đến chuyện khác.
Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh Nguyễn Trung Kiên gắn bó với miền cao Thành Sơn đã 6 năm qua. |
Đưa mắt nhìn về phía làng xa - nơi có những nóc nhà nằm rải rác trên các triền đồi, thầy Kiên tâm sự: “Dạy HS miền núi, nhất là người dân tộc thiểu số là điều không hề dễ. Mình vừa phải là người thầy, người cha nhưng nhiều khi là người bạn. Khi dạy, mình phải vận dụng hết mọi phương pháp, khả năng; mỗi HS có những cách tiếp cận khác nhau. Nhận thức của các em không khác mấy so với HS miền xuôi, nhưng rào cản lớn nhất chính là ngôn ngữ. Các em mới vào lớp 1, ít biết tiếng Việt, ít được giao tiếp. Do tuổi thơ các em gắn liền với nương rẫy, sông suối nên thấy người lạ, các em ngơ ngác, rụt rè. Muốn các em đến trường đều đặn phải làm sao để các em yêu thầy, yêu lớp, mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Trong ký ức của thầy Kiên vẫn chưa thể nào quên những buổi phải đi nửa ngày đường lên rẫy để thuyết phục các em về với lớp. Vẫn còn đó nhiều đêm lặn lội đến từng gia đình động viên phụ huynh để con em họ được đến trường. Nhờ vậy, các lớp học mà thầy làm chủ nhiệm không có HS bỏ học, thành tích học tập của HS luôn được nâng cao...
Nói đến chuyện học của HS miền núi, thầy Ngô My Pha cũng kể biết bao nhiêu vất vả để các em đến trường, đến lớp. Vì kinh tế khó khăn, nên người dân nơi đây không có thời gian để quan tâm đến việc học của con em. Để duy trì tỷ lệ chuyên cần, thầy Pha cũng như nhiều GV khác phải nỗ lực tiếp cận với gia đình các em. Bất đồng ngôn ngữ, thầy cố học tiếng bản địa. Ngoài giờ lên lớp, thầy thường xuyên đến các gia đình để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng trò chuyện. Từ đó, người dân mới tin tưởng. 6 năm qua, nỗi ám ảnh đối với thầy Pha vẫn là những ngày đông giá rét. Nhìn các em HS vượt đường dài đi học trong bộ quần áo mỏng, thầy không thể cầm lòng. “Học trò nghèo lắm! Tôi đến từng nhà nên rất hiểu. GV chúng tôi cũng còn thiếu thốn nên chẳng hỗ trợ học trò được bao nhiêu” - thầy Pha tâm sự.
Lên với vùng cao Thành Sơn được 2 năm, nhưng chừng đó thời gian cũng đủ để cô giáo trẻ Đỗ Thị Oanh (quê ở Thanh Hóa) dạy ở điểm trường Apa 2 nếm trải những vui buồn của nghề dạy học. Cô tâm sự: “Mỗi lần HS nghỉ học theo cha mẹ lên rẫy, tôi thấy buồn lắm. Đời cha mẹ các em đã nghèo, vì vậy phải cố cho các em học lấy cái chữ. Chỉ có cái chữ mới mong cuộc đời con em dân tộc Raglai ở Thành Sơn đổi khác...”.
Đất lạ hóa tâm hồn
Ở mảnh đất Thành Sơn heo hút, hình ảnh những thầy cô ngày ngày đến lớp truyền dạy cho bao thế hệ HS đã làm ấm lòng những người bản xứ. Trong số 52 GV của Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn, phần lớn đều là những người ở địa phương khác. Người gần nhất thì ở Cam Lâm, Cam Ranh, còn xa hơn thì ở các tỉnh: Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An... Với các GV ở xa, khi đặt chân lên miền đất này, chẳng mấy ai nghĩ sẽ gắn bó lâu dài. Vậy nhưng, thời gian trôi qua, đã có không ít người tìm thấy hạnh phúc từ nơi đây. Họ “thành gia lập thất” và nguyện ở lại với vùng cao.
Thầy Ngô My Pha trong một lần đi vận động học sinh đến trường. |
Một trong những thế hệ đầu tiên lên với Thành Sơn và gắn bó luôn với nơi này chính là thầy Lê Đình Sức - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn. Thầy Lê Đình Sức tâm sự: “Ngày đó, cái gì cũng khó khăn. Trường học lúc đó chỉ bằng tranh tre, nứa lá, HS thưa thớt. Vậy mà khi lên đây một thời gian,
vùng đất và con người nơi đây đã tạo cho tôi những ấn tượng tốt, không thể dứt ra được. Từ chỗ xa lạ, bỡ ngỡ ban đầu, bây giờ, Thành Sơn đã là quê hương thứ 2 của tôi”. Ở đây, thầy đã tìm thấy một tình yêu và lập gia đình nhỏ bé, vợ thầy cũng là GV. Điều đáng mừng, thế hệ con thầy cũng đã chọn chính nghề của cha mẹ để có điều kiện trở về Thành Sơn tiếp bước thế hệ đi trước truyền dạy “con chữ” cho học trò nơi đây...
Gạt đi những lo toan thường ngày, các thầy cô giáo ở miền cao vẫn miệt mài, hăng say bên những trang giáo án, nỗ lực đưa chữ đến với HS miền núi. Sự tâm huyết của các thầy cô đã được phụ huynh HS cảm kích. Chị Cao Thị Mà Kiên (thôn Tà Giang 2) tâm sự: “Tuy điều kiện ở miền núi rất khó khăn, nhưng các thầy cô vẫn đến đây dạy học cho con em đồng bào. Chúng tôi rất biết ơn và trân trọng những tình cảm ấy. Tuy điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng lo cho con em được đến trường...”. Còn chị Cao Thị Duyến ở cùng thôn chia sẻ: “Nhiều thầy vì thương yêu HS mà quyết định ở lại Thành Sơn. Chúng tôi mong ngày càng có nhiều GV miền xuôi gắn bó lâu dài với mảnh đất này”.
Ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Huyện miền núi Khánh Sơn không có điều kiện thuận lợi, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn..., nhưng với sự phấn đấu vượt bậc, tâm huyết của các thế hệ GV, ngành Giáo dục và Đào tạo Khánh Sơn đã gặt hái được nhiều hành tích đáng khích lệ. Tuy sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều thách thức, nhưng tôi tin tưởng rằng, với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, thầy cô giáo trên địa bàn huyện sẽ vượt qua khó khăn, góp phần cùng với Đảng và Chính quyền địa phương đưa kinh tế - xã hội huyện ngày càng phát triển. |
Bên ly trà mời khách, ông Nguyễn Tấn Lâm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Sơn nhớ lại: “Ngành Giáo dục và Đào tạo Khánh Sơn được chia tách năm 1985, khi ấy trường lớp còn tranh tre, nứa lá; việc đi lại, ăn ở của GV hết sức khó khăn... Với những nỗ lực, nhiệt huyết của bao thế hệ cán bộ, GV, đến nay, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện đã được nâng cao. Các thầy giáo, cô giáo đã chăm lo tốt cho sự nghiệp “trồng người””. Những năm qua, tỷ lệ HS trong độ tuổi ra lớp ngày càng cao, 100% các trường tổ chức bán trú cho HS tiểu học; duy trì vững chắc kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư khang trang. Trong năm học qua, có 2 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1... Những thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo Khánh Sơn đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.
Rời Thành Sơn về phố thị, chúng tôi vẫn nghe vang vọng những câu hát mà các thầy cô giáo trẻ Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn đã hát tặng: Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/Từng ngày, giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy/Để em đến bến bờ ước mơ… Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi/Tóc xanh bây giờ đã phai/Thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy/Dõi theo bước em trong cuộc đời…”.
ĐÌNH LÂM - HẢI LĂNG