Hàng tấn rùa biển khô vừa được cơ quan Công an phát hiện tại một cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang). Cơ sở này hoạt động đã lâu ở giữa khu dân cư, nhưng khi bị lực lượng chức năng phát hiện, ai cũng tỏ ra ngỡ ngàng.
Hàng tấn rùa biển khô vừa được cơ quan Công an phát hiện tại một cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang). Cơ sở này hoạt động đã lâu ở giữa khu dân cư, nhưng khi bị lực lượng chức năng phát hiện, ai cũng tỏ ra ngỡ ngàng.
Ông Hoàng Tuấn Hải (bên phải) chủ cơ sở chứa rùa biển khô. |
Số lượng lớn
Chiều 20-11, khi kho hàng của ông Hoàng Tuấn Hải (trú thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) được cơ quan Công an mở ra, mùi phoóc-mon xộc lên nồng nặc. Dưới sàn, trong kho, đầy rẫy rùa biển khô. Tại xưởng chế tác ở thôn Phước Lợi, cơ quan chức năng thu được gần cả ngàn con rùa biển đã làm khô còn nguyên mai, đầu, chân, cân được gần 590kg. Còn ở nhà kho tại thôn Phước Hạ, cơ quan chức năng cũng thu được hàng ngàn con rùa biển được làm khô với khối lượng hơn 770kg.
Số lượng lớn rùa biển khô trong kho chứa ở thôn Phước Hạ. |
Để phát hiện được các kho chứa rùa biển khô này, lực lượng của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Bộ Công an (C49) đã bí mật đến Khánh Hòa điều tra từ trước. Trước đó, vào tối 19-11, C49 phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa bất ngờ phong tỏa 3 khu nhà gồm các kho và xưởng của cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ tại xã Phước Đồng do ông Hải làm chủ sở hữu đóng tại thôn Phước Lợi và Phước Hạ. Tại những nơi này, cơ quan chức năng phát hiện một lượng rất lớn rùa biển đã được làm khô, một số đang được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ và hàng ngàn vỏ ốc rất lớn nghi là trai tai tượng.
Thu gom rùa biển khô. |
Có mặt tại hiện trường, ông Bùi Quang Nghị - Trưởng phòng Quản lý chuyên môn Bảo tàng Viện Hải dương học bất ngờ khi lần đầu tiên thấy một lượng lớn rùa biển khô. Sắp tới, Viện Hải dương học sẽ tiến hành giám định các mẫu rùa biển để xác định là loài gì. Theo nhận định ban đầu thì rùa biển ở đây gồm vích, tráng bông và đồi mồi - loài sinh vật biển nằm trong Sách đỏ, nghiêm cấm săn bắt, buôn bán.
Chính quyền không hề biết
Ông Hải - chủ cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ có chứa rùa biển phân trần: “Tôi đâu biết buôn bán loại này lại bị cấm. Thấy người ta bán mai rùa khô thì mình mua về để đấy, ai ngờ gặp nạn”. Nói là vậy, song sự thật thì năm 2009, em ruột của ông Hải là Hoàng Minh Cường cũng đã bị cơ quan chức năng xử lý về việc nuôi, nhốt 849 con rùa biển ở Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). Được biết, ông Hải mua lại xưởng chế tác ốc mỹ nghệ của em mình từ năm 2007. Theo lời ông Hải, từ năm 2010, ông mua gom mai rùa biển của người dân để chế tác hàng mỹ nghệ bán cho khách du lịch. Mỗi mai rùa biển mua vào với giá 200.000 - 300.000 đồng, sau khi chế tác thì bán khoảng 800.000 đồng/sản phẩm. Ngoài ra, ông còn chế tác ốc biển mỹ nghệ. “Tôi nghĩ chỉ là đồ bỏ đi nên khi làm cũng không đăng ký với cơ quan chức năng. Giờ bị bắt mới biết vi phạm. Bây giờ mất cả vốn liếng, mà còn lo không biết tìm tiền đâu ra để nộp phạt” - ông Hải nói.
Trên đường tìm đến cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ của ông Hải, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi người dân ở thôn Phước Hạ khá tường tận về ông Hải, thậm chí họ còn biết trong kho của Hải “đồi mồi” có cả nghìn con rùa biển. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại không hề hay biết. Ông Hoàng Thanh Long - Trưởng thôn Phước Lợi tỏ ra khá bất ngờ trước việc Công an phát hiện hàng ngàn con rùa biển được làm khô ở xưởng của ông Hải. “Tôi nghe mà giật mình, bởi trước nay chỉ biết ông Hải làm ốc mỹ nghệ” - ông Long nói. Trong khi đó, ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng nói rằng ông chỉ biết nơi này trước kia là xưởng chế tác sản phẩm mỹ nghệ đồi mồi của ông Hoàng Minh Cường chứ không nghe là của ông Hải. Chính quyền cũng không biết ở các kho xưởng trên có chứa những loại động vật hoang dã quý hiếm như vậy.
Cơ quan chức năng kiểm tra khối lượng rùa biển phát hiện được. |
Gặp ông Nguyễn Văn Hướng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, ông cũng bất ngờ về thông tin này. Ông Hướng cho biết: “Lâu nay chỉ nghe xưởng của ông Hải làm ốc mỹ nghệ nhưng ông ấy không đăng ký kinh doanh nên chúng tôi không nắm được. Khi nghe nói phát hiện kho rùa biển khô ở đây, tôi nghĩ chỉ có ít chứ không ngờ số lượng lại lớn đến như vậy”. Ông Hướng lý giải, vì các kho, xưởng của ông Hải nằm ở nơi vắng vẻ, xa khu dân cư, lại kín cổng, cao tường nên rất khó phát hiện. “Khi sự việc xảy ra, tôi có hỏi Trưởng Công an xã thì được biết ngày 19-7, Đội Công an Kinh tế TP. Nha Trang có phối hợp với Công an xã kiểm tra kho chế tác của ông Hải nhưng không phát hiện gì”, ông Hướng cho biết thêm.
Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ - Phó Trưởng Công an TP. Nha Trang lại cho rằng, ngày 19-7, Đội Công an Kinh tế của Công an TP. Nha Trang có tổ chức kiểm tra một cơ sở chế biến mỹ nghệ ở thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng nhưng không phải của ông Hải. Khi kiểm tra, cơ quan Công an không phát hiện được gì ở cơ sở này. “Còn vụ cơ sở ông Hải chứa rùa biển khô thì chúng tôi không có thông tin gì. Mà cơ sở này lúc nào cũng đóng kín cửa, lại ở rất sâu nên khó phát hiện” - ông Kỳ cho biết.
Tiếp tục điều tra, làm rõ
Qua 2 ngày kiểm tra các kho của cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ do ông Hoàng Tuấn Hải làm chủ, cơ quan chức năng đã lập biên bản bàn giao cho Thanh tra Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn 204 bao tải chứa rùa biển với tổng khối lượng 4.368kg. Cụ thể, qua kiểm tra tại kho ở thôn Phước Lợi ngày 20-11, cơ quan chức năng đã thu giữ 29 bao, với khối lượng 586kg. Còn tại kho ở thôn Phước Hạ, trong 2 ngày 20 và 21-11, cơ quan chức năng đã thu giữ 175 bao, với khối lượng 3.782kg. |
Hiện dư luận hết sức quan tâm cơ sở chứa rùa biển khô sẽ bị xử lý như thế nào. Theo Đại tá Đào Văn Toản - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ việc. Hiện chưa thể khẳng định vụ việc sẽ bị xử lý hình sự hay hành chính bởi vẫn đang trong quá trình điều tra. Còn Đại tá Hồ Anh Quý - Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã cử lực lượng điều tra phối hợp với C49 và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành các quy trình để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duyên Thành - Đội trưởng Đội Hành chính, Tổng hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo quyết định công bố danh mục các loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển thì trong số các loài rùa biển có rùa da và quản đồng là những loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn, còn các loài đồi mồi, vích, đồi mồi dứa thì xếp vào danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm khai thác, buôn bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loại này. “Sau khi tiếp nhận số tang vật của vụ việc, ngành chức năng sẽ đề nghị cơ quan chuyên môn giám định số lượng xác rùa biển khô thuộc loài nào, số lượng cá thể bao nhiêu. Sau đó mới tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Thành cho biết.
Dư luận đang quan tâm, toàn bộ số rùa này được đánh bắt ở đâu và ai là người vận chuyển về Phước Đồng trong một thời gian dài?
ĐÌNH LÂM - HẢI LĂNG