Khánh Hòa có nhiều tài liệu quý, hiếm phần lớn là các đạo sắc phong, được bảo quản như báu vật truyền từ đời này sang đời khác ở các cơ sở thờ tự, dòng họ, gia đình.
Khánh Hòa có nhiều tài liệu quý, hiếm phần lớn là các đạo sắc phong, được bảo quản như báu vật truyền từ đời này sang đời khác ở các cơ sở thờ tự, dòng họ, gia đình.
Một bản sắc phong còn được lưu giữ. |
Bảo quản tốt di sản của họ tộc
Nhiều lần chúng tôi được bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh giới thiệu về bộ tài liệu đặc biệt quý, hiếm của họ tộc do ông Nguyễn Hổ (tổ dân phố Phước Đa 2, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) bảo quản. Do quý, hiếm nên rất ít người và rất hiếm dịp may mắn để được chiêm ngưỡng trọn bộ tài liệu này. Phải được sự giới thiệu của cán bộ Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh và cán bộ phường Ninh Đa dẫn đến tận nhà, ông Nguyễn Hổ mới đồng ý cho chúng tôi xem. Ông bảo, phải cẩn thận, bởi thỉnh thoảng có người lạ đến dò hỏi, săn lùng bộ tài liệu này.
Sau khi sửa soạn chỉnh tề, kính cẩn thắp nhang, ông Hổ mới lấy ra một cuộn lớn gồm: 22 đạo sắc phong, chiếu chỉ. Đó là các chiếu chỉ, sắc phong do các vua: Gia Long, Minh Mạng ban cho Thượng thư Nguyễn Xuân Thục (1762 - 1827) và phụ mẫu. Theo bia di tích lịch sử, Thượng thư Nguyễn Xuân Thục người huyện Quảng Phước (nay là thị xã Ninh Hòa), là quan đại thần có nhiều tài đức, được các vua nhà Nguyễn trọng dụng, giữ nhiều trọng trách như: Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Lễ, Đề điệu của các kỳ thi Hương tại trường thi Gia Định (1821) và Thừa Thiên (1825), giữ chức Chánh chủ khảo kỳ thi Hội năm Bính Tuất (1826). Di tích lịch sử lưu niệm Thượng thư Nguyễn Xuân Thục được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2008.
Ông Nguyễn Hổ (bên phải) giới thiệu bộ tài liệu đặc biệt quý, hiếm đã lưu giữ qua 7 thế hệ. |
Trong số các tài liệu, có 2 sắc phong của vua Minh Mạng bằng lụa, có hoa văn long phụng được thêu tay tinh xảo xung quanh, phong tặng thân phụ của Thượng thư Nguyễn Xuân Thục là nhà Thiện đạo (đạo đức tốt đẹp), thân mẫu là Thục nhân (người hiền lành). Còn lại chủ yếu là các chiếu chỉ, sắc phong chức tước bằng giấy dó vẫn đậm nét chữ, dấu son. Các chiếu chỉ, sắc phong đã phản ánh công lao, đóng góp của ông dưới triều Nguyễn, những năm tháng thăng trầm chốn quan trường của ông cho đến khi xin hồi hương và từ trần ở quê nhà. Có tài liệu từ thời Gia Long năm thứ 13 (1814) đến Gia Long năm thứ 16 (1817), có tài liệu từ thời Minh Mạng năm thứ nhất (1820), Minh Mạng năm thứ hai (1821)... Đến nay, có tài liệu đã tồn tại hơn 200 năm.
Hiện nay, ông Nguyễn Hổ là người thay mặt tộc họ bảo quản các đạo chiếu chỉ, sắc phong này. Ông Hổ cho biết, những đạo chiếu chỉ, sắc phong đã được gìn giữ từ thời Thượng thư Nguyễn Xuân Thục, truyền qua các đời đến ông là hậu duệ đời thứ 7. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cả những năm tháng chiến loạn, các thế hệ sau đều có ý thức giữ gìn, bảo vệ nên đến nay, hầu hết các tài liệu này còn nguyên vẹn.
Ông Tôn Thất Long đang giữ 3 sắc phong thời vua Thành Thái và Duy Tân. |
Được cha giao lại di sản của họ tộc từ những năm 1960, thời chiến tranh, kể cả những lúc phải tạm bỏ nhà chạy giặc, ông cũng luôn mang theo những tài liệu này. “Tôi cuốn tất cả lại, bỏ vào bao gai rồi gánh theo cùng với quần áo. Đây là di sản muôn đời của họ tộc nên dù thế nào cũng phải gìn giữ” - ông Hổ chia sẻ. Mỗi năm, trước ngày cúng tổ đường (25-5 âm lịch), ông mang tất cả ra phơi nắng, rồi đúng ngày cúng giỗ treo xung quanh khu vực bia di tích để con cháu tự hào vì họ tộc có một vị quan lớn mẫu mực, đồng thời thấy được di sản của tổ tiên vẫn được bảo quản tốt. Ông Hổ tự hào kể, nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng có dịp được xem bộ tài liệu này đã đánh giá, hiếm có gia đình, họ tộc nào giữ được đến 22 chiếu chỉ, sắc phong quý giá như vậy. Từ năm 2012 đến nay, được sự hướng dẫn của Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh, ông Hổ đã đăng ký danh mục tài liệu đặc biệt quý, hiếm và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ông còn được tỉnh hỗ trợ khung gương, hộp bảo quản, kinh phí để gìn giữ số tài liệu quý giá này.
Kho báu của nhân dân
Triển khai Đề án Sưu tầm, thu thập, bảo quản, khai thác tài liệu quý, hiếm (UBND tỉnh phê duyệt năm 2011), đến nay, có 28 tài liệu đã được công nhận là tài liệu đặc biệt quý, hiếm. Ngoài 22 tài liệu do ông Nguyễn Hổ bảo quản, còn có 2 đạo sắc phong của vua Gia Long và vua Duy Tân đang được bảo quản ở nhà từ đường của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Liên tại xã Vĩnh Trung (TP. Nha Trang); 3 sắc phong của vua Thành Thái và vua Duy Tân do ông Tôn Thất Long (thôn Xuân Lạc 2, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) bảo quản ở nhà riêng đều bằng giấy dó và còn nguyên vẹn; 1 tài liệu là bức hoành phi ở đình Trà Long (TP. Cam Ranh).
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồng Liên rất đỗi tự hào khi nhắc đến 2 đạo sắc phong được ép plastic lồng kính treo tại nhà từ đường. Sắc phong thứ nhất của vua Gia Long năm thứ 2 (1803) với nội dung ban chức Đội trưởng và tước Càn Đức Bá cho cụ Nguyễn Văn Lân. Sắc phong thứ 2 của vua Duy Tân năm thứ 7 (1913) có nội dung chuẩn đơn xin về hưu và ban cho nhiệm vụ Hàn lâm viện Tước Tác hưu trí cho cụ Nguyễn Lương.
Theo gia phả, tính đến bà Liên đã là đời thứ 7. Hai đạo sắc phong quý giá này, một có niên đại hơn 210 năm, một đã hơn 100 năm. Thế nhưng, thế hệ bà mới biết đến sự tồn tại của 2 đạo sắc phong này từ hơn chục năm nay. Sau ngày cha mất, tình cờ trong những tài liệu, đồ dùng của cha để lại, gia đình bà thấy một ống tre được cất giữ rất kỹ trong tủ. Mở ra mới thấy 2 tài liệu chữ Nho. Tuy chưa hiểu nội dung nhưng bà Liên biết đó là những thứ rất quý. Khi mang đi dịch, chỉ thoáng nghe nhắc đến tên Nguyễn Lương, bà đã mừng rơi nước mắt vì theo gia phả, bà phải gọi cụ Nguyễn Lương là ông cố.
Theo tài liệu lịch sử, ba anh em Nguyễn Khanh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương đều tham gia phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa. Ông Nguyễn Khanh (sinh năm 1834), một trong “Khánh Hòa tam kiệt” (cùng Trịnh Phong, Trần Đường) giữ chức Tán tương Quân vụ, bị quân Pháp bắt và hành quyết năm 1886. Ông Nguyễn Dị sinh năm 1843 giữ chức Tham tán bị giặc bắt và đày vào Cam Ranh. Ông Nguyễn Lương sinh năm 1852 giữ chức Kiểm biện trong phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa. Ông cũng bị địch bắt và đày vào Cam Ranh. Sau khi được tha về, ông tiếp tục học và đậu cử nhân trong khoa thi Đinh Dậu (1897) dưới triều vua Thành Thái, được bổ nhiệm làm Giáo thụ Ninh Hòa rồi Tri huyện Hòa Đa, Thanh Chương. Sau khi cáo bệnh từ quan, ông về quê dạy học và mất năm 1928.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ: Nhờ tích cực tuyên truyền Đề án Sưu tầm, thu thập, bảo quản, khai thác tài liệu quý, hiếm nên số lượng tài liệu quý, hiếm đăng ký và được UBND tỉnh phê duyệt tăng dần theo từng năm. Năm 2012, có 14 tài liệu; năm 2013 có 32 tài liệu; năm 2014 đã tăng lên 82 tài liệu. |
Từ lần đầu chạm vào di vật của tổ tiên từ hơn 200 năm trước, bà Liên khao khát muốn tìm hiểu nhiều hơn về nguồn cội, về lịch sử. Gửi bản sao ra tận Huế để nhờ người có thể dịch chính xác nội dung 2 sắc phong của triều đình, rồi về Văn miếu Diên Khánh để tìm một bài minh cụ Nguyễn Lương viết khi đang làm Giáo thụ Ninh Hòa. Bà Liên tâm sự: “Trong gia phả có ghi ông cố đậu cử nhân làm tri huyện, nhưng tôi vẫn muốn tìm những bằng chứng xác thực. Cuối cùng cũng tìm được tên học sinh Nguyễn Lương, làng Võ Cạnh trong số 5.000 cử nhân của Triều Nguyễn. Chúng tôi tự hào vì gia đình còn giữ được những đạo sắc phong đã truyền từ đời này sang đời khác để giáo dục lòng biết ơn, tôn trọng cha ông. Nước có sử, nhà có phả, đời sau cần biết để nhìn nhận nguồn cội của mình” .
Nhờ anh Bùi Thiên Sơn - chuyên viên Chi cục Văn thư - Lưu trữ, ông Tôn Thất Long mới cho chúng tôi xem 3 sắc phong thuộc danh mục tài liệu đặc biệt quý, hiếm mà gia đình ông đang giữ. Ông Long xuất thân dòng dõi hoàng tộc. 3 sắc phong ông đang giữ của vua Thành Thái và vua Duy Tân sắc phong cho ông nội của mình là cụ Tôn Thất Linh (sinh năm 1861). Theo gia phả, cụ Tôn Thất Linh từng làm chức án sát các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị. Năm 40 tuổi, cụ về kinh lãnh chức Thị lang Bộ Lại. Cả 3 đạo sắc phong đều bằng chất liệu giấy dó, có hoa văn nhũ bạc hình rồng và họa tiết trang trí được ông Long cất giữ cẩn thận, chỉ đưa ra trong những dịp quan trọng.
Ngoài các tài liệu thuộc loại đặc biệt quý, hiếm kể trên, trong gần 3 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt 100 tài liệu quý, hiếm. Trong số đó, đình Trường Đông (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) hiện còn giữ được nguyên vẹn 8 sắc phong của các đời vua: Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh, Duy Tân. Theo ông Trần Văn Dư - Trưởng Ban quản lý đình Trường Đông, ngôi đình xây dựng từ năm 1853 thờ tiền hiền, thành hoàng và ông Nam Hải (cá Ông) mang đặc trưng tín ngưỡng dân gian vùng biển. Trước đây, các sắc phong do những thủ sắc giữ, đến ngày cúng mới rước vào đình. Hiện nay, các sắc phong bảo quản tại đình. Chỉ vào dịp tổ chức lễ cầu an (ngày 10-10 âm lịch hàng năm), người dân mới tổ chức cúng bái và đưa sắc phong xuống chiêm ngưỡng. Các tài liệu quý hiếm của tỉnh hầu hết là những sắc phong ở trong cơ sở thờ tự như: đình, chùa, miếu, dinh. Các sắc phong này là nguồn tư liệu quý giá để bổ sung thêm lịch sử và để nghiên cứu các tín ngưỡng dân gian. Đây cũng là cơ sở để dòng tộc, làng xóm nhận thức rõ công lao của các bậc cha ông, tiền bối, góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước của các thế hệ đi sau.
N.D