06:10, 29/10/2014

Giữ hồn Raglai

Giữa không gian núi rừng, bên những ngôi nhà dài, nhà sàn, tiếng mã la trầm hùng, điệu sử thi da diết của người Raglai ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang hồi sinh…

Giữa không gian núi rừng, bên những ngôi nhà dài, nhà sàn, tiếng mã la trầm hùng, điệu sử thi da diết của người Raglai ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang hồi sinh…


Gieo tình yêu sử thi


Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi đến nhà Nghệ nhân dân gian Cao Thị Quang (69 tuổi) ở thôn Tà Giang 1. Từ xa đã nghe thấy âm thanh đều đều của lời sử thi Dãm Jihia (Chàng Jihia): Ơi đấy chàng Jihia nài nỉ mẹ/Ơi mẹ quạt lửa nung vôi/Gói vôi trầu cho tôi đi/Tụi tôi đi buôn vải trắng/Tụi tôi đi buôn xương vỏ sò… Bước vào ngôi nhà sàn nhỏ, chúng tôi thấy bà đang hát sử thi cho cháu nội, cháu ngoại của mình nghe. Được biết, ngoài sử thi Dãm Jihia, bà Quang còn thuộc lời các sử thi khác như Dãm Chilang (Chàng Chilang), Amã Javrai (Chàng Javrai), Vumãu Jing - Vumãu Ja (Chàng nấm mối lớn - Chàng nấm mối bé). Các làn điệu sử thi này thường mượn câu chuyện về một người con ưu tú của buôn làng để nói đến lòng dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, sự hiếu thảo với cha mẹ, tình yêu đôi lứa chung thủy của người Raglai. “Ngày trước, con trai con gái Raglai khi lên nương rẫy, lúc gặp gỡ, hẹn hò đều hát sử thi cho nhau nghe. Lời sử thi còn là tiếng ru của người mẹ dành cho con trong giấc ngủ, là lời khuyên bảo của người già đối với thanh niên”, bà Quang chia sẻ.

 

Nghệ nhân dân gian Cao Thị Quang đang hát sử thi cho các cháu nghe.
Nghệ nhân dân gian Cao Thị Quang đang hát sử thi cho các cháu nghe.


Một thời gian dài, những làn điệu sử thi ít khi xuất hiện trong đời sống tinh thần của đồng bào khiến những câu chuyện kể của ông cha rơi vào quên lãng. Những người già như bà Quang hàng ngày thấy con cháu xa dần vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, lòng không khỏi xót xa. “Người già chúng tôi cứ tưởng sẽ mang theo những làn điệu sử thi này về với ông bà. May sao, thời gian gần đây, huyện mở được nhiều lớp dạy sử thi cho các cháu nên người già cũng thấy yên tâm. Giờ đây, các cháu của già đã chịu ngồi nghe già hát sử thi rồi”, bà Quang phấn khởi nói.


Chia tay bà Quang, chúng tôi tìm đến lớp học sử thi do Nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến truyền dạy. Trong lớp học đơn sơ của Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện, gần 20 em học sinh đang đồng thanh hát sử thi Amã Udai - Ujàc (Chàng Udai - Ujàc). Theo nghệ nhân Mấu Quốc Tiến, lớp học tuy mới mở gần 1 tháng, nhưng các em đã có thể nắm bắt được cơ bản làn điệu, cách hát sử thi. Những em được chọn để tham gia lớp học đều có chút năng khiếu và yêu thích sử thi. “Em thích học sử thi vì qua đó em được biết thêm những câu chuyện hay của dân tộc mình”, em Bo Bo Thị Minh Thư chia sẻ. Còn em Cao Minh Chánh cho biết: “Trước đây, em từng nghe ông ngoại hát sử thi và rất thích. Vì thế khi được chọn học lớp này em rất vui, em sẽ cố gắng học để có thể hát được sử thi như ông ngoại”. Niềm yêu thích đó của các em là nguồn động viên lớn đối với những người “truyền lửa” như nghệ nhân Mấu Quốc Tiến. “Thấy các em chăm chỉ học từng chữ, từng câu trong các làn điệu sử thi, tôi vui lắm. Tôi sẽ cố gắng truyền lại cho các em những cái hay, cái đẹp của sử thi”, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến tâm sự.


Nối dài tiếng mã la


Nghệ nhân Cao Thị Mẫn (57 tuổi) ở thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc nổi tiếng là người biết nhiều làn điệu và cách thức đánh mã la. Nhìn những bước di chuyển nhanh nhẹn của bà khi đánh mã la mới thấy hết niềm vui, niềm tự hào của người Raglai với loại nhạc cụ của người xưa truyền lại. “Mã la cũng là một bộ phận của cồng chiêng Tây Nguyên mà. Có mã la, người Raglai tự hào vì không thua kém các dân tộc anh em khác”, nghệ nhân Cao Thị Mẫn tâm sự. Với tình yêu dành cho tiếng mã la, nhiều năm nay, nghệ nhân Cao Thị Mẫn đã tích cực truyền dạy cho các bạn trẻ trong thôn, xã những làn điệu mã la mình biết. “Trước đây, nhà nào khá giả đều có 1 bộ mã la. Nhưng sau này do khó khăn, các gia đình đã bán hết, nhiều lúc muốn tập mã la cũng không có để tập. Bây giờ, được huyện mua cho mấy bộ mã la nên tôi phải truyền dạy cho con cháu để chúng nó khỏi quên”, nghệ nhân Cao Thị Mẫn chia sẻ.

 

 Biểu diễn mã la tại xã Ba Cụm Bắc.
Biểu diễn mã la tại xã Ba Cụm Bắc.


 Bộ mã la của dân tộc Raglai thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc tùy thuộc quan niệm của từng vùng. Người Raglai yêu quý mã la nên coi mã la cũng như một gia đình mẫu hệ. Theo cách gọi của đồng bào, chiếc mã la có âm trầm nhất được gọi là mẹ, rồi đến cha, kế tiếp là các con từ con cả đến con út. Âm thanh mã la nghe trầm bổng như hơi thở, nhịp tim của con người, khi sâu lắng, lúc dạt dào, lúc lại rộn ràng âm vang trong lễ hội. Khi đánh mã la, đội hình thường được xếp ngồi hoặc đứng dàn hàng ngang, hay đi vòng tròn. Mã la thường được đánh khi thực hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống như: lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ ăn đầu lúa mới...; được đánh cả trong sinh hoạt đời thường như những cuộc vui của bè bạn, gia đình.

Ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Chúng tôi mong muốn có thể khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào và phát huy nó trong cuộc sống hiện tại. Hiện Khánh Sơn đang phát triển du lịch, nên có thể thu hút khách đến Khánh Sơn bằng những giá trị văn hóa bản địa độc đáo. Tôi tin, nếu khôi phục tốt những nét đẹp văn hóa như tục ngủ thảo, hát sử thi, đánh mã la, chapi, các đội văn nghệ và gắn nó trong hoạt động của các nhà dài thì du khách sẽ đến Khánh Sơn nhiều hơn.


May mắn cho chúng tôi khi thực hiện bài viết này đúng vào dịp xã Ba Cụm Bắc vừa tổ chức bế giảng lớp đánh mã la do nghệ nhân Cao Thị Mẫn truyền dạy. Bên ngôi nhà dài của xã, các chàng trai cô gái trong những bộ trang phục đẹp mắt lần lượt biểu diễn các làn điệu mã la Atóc sawalowa, Atóc trunpu, Atóc ỳaq, Atóc cacu... Đây là những làn điệu thường được dùng trong lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai. “Tiếng mã la nghe rất hay, như giúp mọi người giãi bày tâm sự, truyền đạt cảm xúc, tình cảm”, bạn Mấu Thị My (thôn A Thi) chia sẻ. Còn chị Cao Thị Nương - Trưởng thôn A Thi khoe: “Khi được xã đồng ý cho tổ chức lớp dạy mã la, để có đủ người học, tôi đã đi vận động các bạn trẻ trong thôn. Tôi còn vận động chồng tham gia và bản thân mình cũng là một thành viên của đội”. Điều đặc biệt của đội mã la thôn A Thi là 5/7 thành viên là nữ. Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Cao Thị Mẫn, sau thời gian tập luyện các thành viên đã có sự phối hợp nhịp nhàng khi diễn xướng. Được biết, không chỉ xã Ba Cụm Bắc, các địa phương như: thị trấn Tô Hạp, xã Ba Cụm Nam, xã Sơn Hiệp, Thành Sơn đều đã và đang mở lớp dạy mã la.


Giữ hồn Raglai


Ông Phạm Văn Hợp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết, vấn đề gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Raglai luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm. Trước thực trạng các giá trị văn hóa của đồng bào ngày càng mai một, huyện đã kịp thời đưa ra các giải pháp cần thiết để bảo tồn. Từ năm 2010 đến nay, huyện mở được 3 lớp dạy sử thi cho gần 70 học sinh. Qua các lớp học, các em đã nắm được những làn điệu sử thi và góp phần tích cực vào hoạt động văn nghệ của địa phương. Đối với mã la, huyện cũng mở được 5 lớp, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã thành lập được đội mã la. Ngoài ra, huyện còn mua và cấp phát cho mỗi địa phương ít nhất một bộ mã la để phục vụ việc truyền dạy, biểu diễn. Cán bộ văn hóa xã và huyện thường xuyên gặp gỡ các nghệ nhân để thu âm lại những làn điệu sử thi làm tài liệu lưu trữ. Một vấn đề cũng được đặt ra trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống Raglai ở địa bàn Khánh Sơn đó là kinh phí thực hiện. Hàng năm, nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp văn hóa không có mục riêng cho công tác này. Lâu nay, huyện phải vận dụng kinh phí từ nhiều nguồn khác để thực hiện. Đến thời điểm này, những mong mỏi của lãnh đạo huyện như tổ chức các cuộc thi hát sử thi, thi đánh mã la giữa các địa phương hàng năm vẫn chưa làm được.

 

Lớp học sử thi do Nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến truyền dạy.
Lớp học sử thi do Nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến truyền dạy.


Hiện Khánh Sơn có 4 nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian. Đây có thể xem là những hạt giống để nhân rộng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Bởi các nghệ nhân này là những người đang nắm giữ nhiều làn điệu sử thi. Tuy nhiên, các nghệ nhân tuổi đời đã cao, nên tuy có tâm huyết, nhưng sức khỏe không cho phép. Bên cạnh đó, một số người già vẫn giữ được những bài bản, làn điệu, cách thức của sử thi, mã la, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chưa thể truyền lại cho con cháu. Nên chăng, đã đến lúc cần có cơ chế tạo điều kiện để sưu tầm, biên soạn, khai thác, phát huy vốn văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai; để những tiếng nói của con tim, tâm hồn người Raglai sống mãi với thời gian.


Nhân Tâm