11:08, 19/08/2014

Tiểu thương chợ Xóm Mới: Mong giữ được chợ truyền thống

Chợ Xóm Mới là nơi mưu sinh của 1.200 tiểu thương, hầu hết là phụ nữ. Khi được biết thông tin về Dự án Trung tâm Thương mại chợ Xóm Mới, nhiều người tỏ ra lo lắng...

Chợ Xóm Mới là nơi mưu sinh của 1.200 tiểu thương, hầu hết là phụ nữ. Khi được biết thông tin về Dự án Trung tâm Thương mại (TTTM) chợ Xóm Mới, nhiều người tỏ ra lo lắng...


Vất vả mưu sinh


Những ai thường đi chợ Xóm Mới đều biết khu bán rau và trái cây giữa chợ. Ở đó, có những dãy hàng không sạp. Vốn liếng của người bán hàng có khi chỉ là chục ký trái cây bày lên tấm nhựa mỏng trải dưới nền đất. Đầu một dãy hàng như vậy, tôi gặp bà Kiều Thị Lụa (gần 70 tuổi, xã Diên An, huyện Diên Khánh) với sạp bày bán dăm miếng mít. Nghe bà chào mời khách mua mít quê với giá 20.000 đồng/kg, tôi nhẩm tính cả vốn lẫn lời của bà chỉ độ vài trăm ngàn đồng/ngày. Bà Lụa buôn bán ở chợ đã 35 năm. Hàng ngày, cứ 5 giờ sáng, bà đón xe buýt từ Diên An để đến chợ. Trước đây, bà bán nhiều thứ hơn, giờ đã già yếu nên chỉ bán đôi ba quả mít/ngày, lời lãi cũng không bao nhiêu.

 

1
Chợ Xóm Mới.


Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (52 tuổi) buôn bán ở chợ Xóm Mới đã 15 năm. Vì gia cảnh khó khăn nên Ban quản lý chợ tạo điều kiện cho bà ngồi bán hàng ở góc đường Trần Nguyên Hãn - Võ Trứ. Bà bảo, thế là may, vì trước đây đến chỗ ngồi cũng chẳng có, phải đi bán dạo. Chồng đạp xích lô, còn bà Lan mua đầu chợ bán cuối chợ với chút giá đỗ, ít hành, rau thơm, vài chục miếng đậu hũ. Nhiều lần, hơn 8 giờ tối, tôi vẫn tạt qua hàng bà Lan mua nhánh hành, quả cà chua vì biết giờ ấy chỉ còn mỗi bà chưa dọn hàng. Cuối ngày, góc đường này vắng tanh, mùi hôi thối bốc lên từ núi rác giữa đường và vương vãi khắp nơi. Bà Lan lầm lũi trong bóng tối chờ những vị khách cuối cùng, khi có khi không. Nhà bà Lan gốc Bình Định, vào Nha Trang hơn 10 năm. Cả gia đình vẫn mướn nhà ở trọ. Hai vợ chồng bươn chải vất vả nhưng vẫn cố nuôi ba đứa con ăn học. Bà Lan bảo, ngày xưa, bà không được đi học nên giờ dù vất vả đến mấy, vợ chồng bà cũng ráng sức lo cho con cái ăn học nên người. Năm nay, một đứa vào lớp 12, một đứa lớp 8, một đứa lớp 6. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy cô con gái mặc bộ đồng phục học sinh phụ bà bán hàng. Miếng cơm, manh áo cả gia đình, gánh nặng ăn học của các con đều trông vào sự tảo tần của bà và người chồng.


Bà Đoàn Thị An vẫn được mọi người gọi là bà Mười trái cây (phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) thuộc thế hệ bán hàng kỳ cựu tại chợ Xóm Mới. Ra chợ từ năm 21 tuổi (khoảng năm 1965), bà đã bám chợ ngót 50 năm. Bà An kể, bà đã bán trái cây ở chợ từ trước giải phóng đến nay. Hồi đó, chợ nhỏ gọn, lợp tôn, sau giải phóng mới lên sạp. Nhờ sạp trái cây mà bà đã cùng chồng nuôi 9 đứa con nên người. Theo bà An, chợ Xóm Mới đã từng xây sửa 2 lần, lần gần đây nhất là năm 2003. Nghe về dự án xây dựng TTTM chợ Xóm Mới, bà An suy nghĩ: “Mong rằng, chợ được giữ nguyên như vậy để người dân dễ sống hơn; xây to lớn chắc gì đã buôn bán được”.

 


Lo mất chợ truyền thống

 

Ngày xưa, chợ Xóm Mới nhỏ, ít người buôn bán. Còn hiện nay, số hộ và quầy kinh doanh đã tăng lên rất nhiều. Như hàng thịt trước chỉ có 40 hộ kinh doanh, giờ đã là 200 hộ. Ban đầu, sạp chợ chỉ là mấy cái bàn để bán chứ chưa có gì; sau đó sửa lại sạp gỗ, rồi tiếp tục xây lại sạp bằng đá như bây giờ.

 

1
Cũng như các tiểu thương khác, bà Đoàn Thị An mong chợ Xóm Mới vẫn là chợ truyền thống.


 

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được lập bởi Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng (CID - Hà Nội), TTTM chợ Xóm Mới được thiết kế gồm 1 tầng hầm và 5 tầng nổi; có diện tích xây dựng hơn 4.000m2 trên khu đất gần 5.800m2; tổng diện tích sàn gần 20.100m2 (không kể tầng hầm).

Theo thiết kế, tầng hầm cao 4,5m, âm sâu dưới đất khoảng 3m, nổi 1,5m, là nơi kinh doanh chợ truyền thống các mặt hàng hải sản, thực phẩm tươi sống, rau củ quả và một phần giữ xe. Tầng 1 kinh doanh chợ truyền thống các mặt hàng đồ khô, giày dép, vàng bạc. Tầng 2 chủ yếu là khu vực siêu thị, phòng của Ban quản lý chợ. Tầng 3 có khu vực chợ truyền thống kinh doanh các mặt hàng mỹ nghệ, vải, đồ lưu niệm. Tầng 4 là khu vực siêu thị kinh doanh hàng điện máy. Tầng 5 chủ yếu là khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống và chơi game...

Năm nay 71 tuổi, bà Nguyễn Thị Gái (7/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, TP. Nha Trang) cũng bán thịt heo ở chợ từ trước ngày giải phóng đến nay. Khi còn sống, chồng bà Gái đạp xích lô cùng vợ nuôi 7 người con. Bà Gái kể, tuy các con đã lớn nhưng bà vẫn bán hàng để dành dụm cho tuổi già và phụ giúp con cháu. Khi hỏi về Dự án TTTM, bà Gái chia sẻ: “Nghe nói về Dự án TTTM chợ Xóm Mới, tiểu thương rất lo và buồn. Tiểu thương không có tiền để đóng. Vả lại, lên lầu rất khó buôn bán. Bây giờ buôn bán khó hơn ngày xưa, bà con chỉ mong sửa sang lại chợ sạch sẽ hơn thôi”.


Xuất thân là giáo viên, vì mưu sinh, bà Nguyễn Thị An (giới trưởng ngành hàng túi xách, ba lô, nhôm nhựa dép) phải chạy chợ từ năm 1988 đến nay. Mới đầu, bà phải nhờ chỗ trống của những sạp cho thuê sách truyện và bán hàng lặt vặt. Hiện nay, bà An đã mở rộng kinh doanh trên 3 lô sạp. Bà An chia sẻ: “Cuộc sống gia đình tôi đi lên được từ buôn bán. Ở chợ đang có 1.200 gia đình tiểu thương đang vất vả mưu sinh. Khi biết về dự án xây dựng TTTM với 1 tầng hầm và 5 tầng nổi, chúng tôi rất lo lắng”. Vì thế, bà An đã đứng đơn kiến nghị có chữ ký của 365 tiểu thương chợ Xóm Mới gửi UBND tỉnh và UBND TP. Nha Trang đề nghị không thực hiện dự án, giữ nguyên cấu trúc chợ truyền thống. Thay vào đó, chỉ cải tạo, nâng cấp khu vực hàng thịt cá, rau củ quả và cải thiện hệ thống nước thải.


Mới đây, khi ra Hà Nội, bà An đã cất công đến tìm hiểu TTTM chợ Hàng Da, có những nét tương đồng với Dự án TTTM chợ Xóm Mới. Tầng hầm cũng là khu vực chợ truyền thống với các gian hàng thịt cá. Bà An hỏi thăm các tiểu thương thì được biết, tình trạng buôn bán ế ẩm kéo dài đã khiến nhiều tiểu thương bỏ chợ. Tuy tạm nghỉ kinh doanh nhưng họ vẫn phải đóng nhiều khoản tiền như: bảo vệ, vệ sinh, điều hòa... Tầng hầm chỉ có 4 cửa chính rất bí và không đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố cháy nổ; máy điều hòa phải chạy suốt ngày trong khi cửa mở nên các tiểu thương phải trả tiền điện rất cao. Bất tiện hơn là, khách hàng muốn mua sắm phải chờ đến 9 giờ sáng TTTM mới mở cửa... Theo bà An, hiện nay, chợ Xóm Mới thông thoáng, có nhiều lối ra vào nên thuận lợi cho việc buôn bán cũng như phòng, chống cháy nổ. Trong khi bản thiết kế TTTM quá kín, không phù hợp kinh doanh chợ truyền thống.


Cần xem xét trước khi đầu tư


Chợ Xóm Mới được hình thành từ những năm 1960 và được xây dựng lại vào năm 2003. Đây là chợ lớn thứ 2 của TP. Nha Trang, chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống cho người dân trung tâm thành phố và vùng lân cận. Người dân có thói quen đi chợ sao cho thuận tiện, mua nhanh bán nhanh. Chị Trương Anh Thư (đường Nguyễn Thiện Thuật, TP. Nha Trang) cho biết: “Bây giờ, thành phố có nhiều siêu thị, TTTM rồi, vì vậy nên giữ nguyên chợ Xóm Mới là chợ truyền thống. Siêu thị một tháng đi đôi ba lần, còn chợ ngày nào tôi cũng đi. Thực phẩm mua hàng ngày tươi ngon hơn tích trữ...”.


Tuy nhiên, nếu Dự án TTTM chợ Xóm Mới được duyệt, nơi đây sẽ trở thành TTTM hiện đại, đa năng kết hợp chợ truyền thống.


Mới đây, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã có báo cáo kết quả tư vấn phản biện Dự án TTTM chợ Xóm Mới. Liên hiệp đề nghị UBND tỉnh, UBND TP. Nha Trang cân nhắc trước khi cho phép đầu tư để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đời sống của các tiểu thương tại chợ Xóm Mới. Tỉnh, thành phố cần tổ chức họp các hộ kinh doanh để thông báo chủ trương, chính sách và quyền lợi; giải quyết những vướng mắc hợp tình, hợp lý, đúng chính sách của các hộ kinh doanh. Liên hiệp cũng góp ý, kiến nghị nhiều nội dung như: Bổ sung mục tiêu dự án vẫn đảm bảo chợ truyền thống phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày; nếu đầu tư theo hình thức BOT phải tổ chức đấu thầu, nếu chỉ định thầu thì UBND tỉnh phải có điều kiện kèm theo; giá thuê sạp kinh doanh phải theo quy định của cấp có thẩm quyền; cần xem xét lại phương án thoát hiểm. Về thiết kế, không bố trí kinh doanh ở tầng hầm; tầng 1 và tầng 2 kinh doanh mặt hàng tươi sống thiết kế theo không gian mở, mang tính chất chợ truyền thống; các tầng còn lại bố trí thành TTTM hoặc siêu thị; đề nghị kiến trúc xây dựng đậm nét văn hóa dân tộc chợ truyền thống kết hợp với hiện đại, phù hợp với khí hậu thời tiết của Nha Trang...


Nam Du

 


Ngày 14-8, ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang đã ký văn bản trả lời đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị An. Văn bản có nội dung: Chợ Xóm Mới tuy đã được nâng cấp xây dựng vào năm 2003 nhưng hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được cải thiện nhiều, thậm chí xuống cấp, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khu vực dân cư xung quanh cũng như cảnh quan đô thị. Để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu mua sắm ngày càng cao của người dân địa phương, khách du lịch cũng như nhu cầu mở rộng diện tích kinh doanh của các tiểu thương, việc đầu tư xây dựng lại chợ Xóm Mới thành một TTTM gồm cả chợ truyền thống kết hợp với siêu thị, TTTM là cần thiết, phù hợp xu hướng và chủ trương phát triển của tỉnh về đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng, quản lý chợ, chuyển đổi quản lý chợ từ ban quản lý sang doanh nghiệp.


Dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút lao động, đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Đây là mô hình mới kết hợp hài hòa giữa buôn bán tiểu thương với các hãng sản xuất, nhà kinh doanh lớn, sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, phục vụ cho nhiều tầng lớp nhân dân, chắc chắn đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Chủ trương đầu tư Dự án TTTM chợ Xóm Mới thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Việc UBND tỉnh có quyết định đầu tư hay không còn phụ thuộc vào tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội mà dự án mang lại. Nội dung này sẽ được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan trong quá trình thẩm định dự án.