Đã bao năm qua, nước sông Kim Bồng (TP. Nha Trang) không còn chảy nổi. Lòng sông đã trở thành nơi xả nước thải và rác của người dân sống 2 bên bờ. Dòng sông Kim Bồng trong xanh ngày nào nay chỉ còn trong ký ức…
Đã bao năm qua, nước sông Kim Bồng (TP. Nha Trang) không còn chảy nổi. Lòng sông đã trở thành nơi xả nước thải và rác của người dân sống 2 bên bờ. Dòng sông Kim Bồng trong xanh ngày nào nay chỉ còn trong ký ức…
Con kênh “đen”
Vừa đặt chân lên phía bên này cầu Kim Bồng, khu vực đường Thủy Xưởng (phường Phương Sơn) để qua phía bên kia cầu (phường Ngọc Hiệp), mùi hôi thối của nước sông xộc vào mũi chúng tôi. Dòng nước dưới cầu đen kịt đang oằn mình chuyển vô số rác thải như không chảy nổi. Thấy chúng tôi thắc mắc về dòng sông Kim Bồng rất đẹp trước đây, ông Lưu Đình Hương (phường Phương Sơn) thở dài: “Làm gì còn sông nữa, Kim Bồng bây giờ chỉ còn là một con kênh đen, thối không chịu nổi...”.
Sông Kim Bồng oằn mình gánh rác thải. |
Men theo những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo giữa các khu dân cư dọc 2 bên bờ sông thuộc địa phận các phường: Ngọc Hiệp, Phương Sơn và Vạn Thắng, chúng tôi ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều đoạn dòng sông gần như sắp biến mất. Thay vào đó là cảnh người dân đổ đất lấn sông, xây dựng nhà cửa san sát 2 bên mép sông với nhiều biển hiệu rao bán nhà, đất. Có đoạn, lòng sông chỉ còn 5 - 7m, bờ sông trồi, sụt. Nhiều nơi, nước không chảy mà đọng thành những ao tù, đổi màu trắng đục, sủi bọt. Có những khúc sông ô nhiễm đến mức cỏ dại cũng không sống nổi...
Đứng cạnh dòng sông ngập rác, ông Phan Thế Bản không khỏi xót xa. |
Ông Phan Thế Bản - Tổ trưởng tổ dân phố 11 phường Ngọc Hiệp, người sống lâu năm ở đây ngậm ngùi kể, trước đây, sông Kim Bồng phong cảnh rất hữu tình; dòng nước trong xanh soi bóng hàng dừa nước mọc dọc 2 bờ; lòng sông rộng đến vài ba chục mét. Người dân thường ra đây tắm sông vào mỗi buổi chiều. Đây còn là nguồn nước để người dân chăn nuôi, trồng trọt, đắp đìa nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa, các hộ dân đã đổ đất lấn sông, rồi phân lô bán. Trong quá trình xây dựng nhà cửa, do đường nhỏ hẹp, xe vận chuyển không vào được đến nơi nên xà bần phát sinh, người dân đổ hết xuống sông, khiến lòng sông ngày càng bị thu hẹp. Mặt khác, ven sông là những khu dân cư tự phát, cơ sở hạ tầng tạm bợ, không có đường cống thoát nước nên phần lớn nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình đều xả trực tiếp xuống sông. Đã vậy, nhiều người còn thiếu ý thức, vứt rác xuống sông bừa bãi...
Sống chung với ô nhiễm
Qua bản đồ vệ tinh, có thể thấy, sông Kim Bồng là một nhánh của sông Cái, bắt đầu từ cầu Dứa, uốn mình qua các vùng đất Ngọc Hội, Vĩnh Điềm, bao quanh các địa danh quen thuộc đối với người Nha Trang là Hà Thanh, Phường Củi, Ngọc Hiệp, sau đó tụ họp về nhánh sông cầu Dứa trước khi đổ ra sông Bình Tân; đồng thời, nó cũng rẽ ngược để hợp lưu cùng sông Cái ngay cửa sông Hà Ra. Theo các cụ cao niên, từ hàng trăm năm trước, sông Kim Bồng rất nhộn nhịp, các loại thuyền đi vào cửa sông Cái và theo sông cập bến cầu Chợ Mới (bây giờ) để buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Một khúc sông Kim Bồng tắc nghẹn vì rác thải. |
Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, sông Kim Bồng ngày càng bị thu hẹp và ô nhiễm trầm trọng. Ông Bùi Tấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng tỏ vẻ tiếc nuối: “Ngày trước, cá ở sông Kim Bồng nhiều lắm, bây giờ không còn nữa, dòng sông gần như đã chết”. Ông Trần Bắc Lưu (phường Ngọc Hiệp) tâm sự: “Sông Kim Bồng gắn liền với tuổi thơ nhiều kỷ niệm của mỗi người dân sống ven 2 bờ. Bây giờ, nhiều người qua sông phải bịt mũi, không ai dám bước chân xuống sông. Buổi sáng, nước thủy triều lên nên dịu bớt mùi hôi; còn khi chiều xuống, nước triều rút, lớp trầm tích tích tụ từ rác thải hữu cơ lộ lên, bốc mùi hôi không chịu thấu”. Còn bà Nguyễn Thị Nở (phường Phương Sơn) bức xúc: “Nói thật, tuy mang tiếng là sông nhưng mặt sông bây giờ như một bãi rác di động khổng lồ, bập bềnh ngay giữa lòng thành phố. Hàng ngày, người dân phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc. Chúng tôi còn bị muỗi đốt đến sinh bệnh. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Một đường ống từ nhà dân xả nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống sông. |
Tại các đợt tiếp xúc với chính quyền TP. Nha Trang, cử tri các phường có dòng sông Kim Bồng chảy qua đã kiến nghị nhiều về con sông bị ô nhiễm này, bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng khắc phục để đảm bảo sức khỏe lâu dài. Về vấn đề này, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang cho biết, Phòng đã phối hợp với chính quyền các phường liên quan để thu gom rác thải tại những khu vực đoạn từ cầu Hộ đến tổ 9 Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp), thường xuyên rắc vôi bột và phun chế phẩm Enchoice - Solutions để khử trùng, hạn chế ô nhiễm. Đối với việc san lấp lấn chiếm mặt nước, Phòng cũng đã kiểm tra và xử lý nghiêm các hộ vi phạm. “Tuy nhiên, việc quản lý người dân đổ đất lấn chiếm mặt nước và xả xà bần, rác, nước thải xuống sông gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm thuộc về UBND các phường”, ông Vũ Ngọc Huân - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang nói.
Lãnh đạo các phường: Ngọc Hiệp, Phương Sơn, Vạn Thắng cho biết, kể từ khi có quy hoạch phân khu phía Nam khu dân cư Kim Bồng theo Quyết định của UBND tỉnh ngày 9-12-2011, chính quyền địa phương đã quản lý rất chặt các hoạt động đổ đất lấn chiếm, xây dựng trái phép khu vực sông đã được quy hoạch. Những trường hợp phát hiện vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Riêng vấn đề quản lý xả thải bừa bãi, các cán bộ địa phương cũng thừa nhận gặp không ít khó khăn. “Ngoài việc tăng cường kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, phường rất khó bắt tận tay những người thiếu ý thức đã vứt rác, đổ xà bần xuống sông hoặc lén lút làm đường ống ngầm xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra sông”, ông Bùi Tấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng nói.
Trông chờ cải tạo
Theo quy hoạch phân khu phía Nam khu dân cư Kim Bồng, khu vực lập quy hoạch có diện tích 64,3ha, thuộc các phường: Vạn Thắng, Phương Sài và Ngọc Hiệp. Phía Đông giáp đường 2-4; phía Tây giáp đường quy hoạch 16m, phía Nam giáp đường Phương Sài và đường Trần Quý Cáp; phía Bắc giáp sông Cái.
Theo đó, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực quy hoạch bao gồm không gian ven sông Cái, không gian ven sông Kim Bồng và khu vực xây dựng mới. Khu vực ven sông Kim Bồng sẽ được nạo vét, tôn tạo cảnh quan cây xanh, cải tạo môi trường sạch đẹp. Các dãy nhà ven sông được cải tạo và xây dựng để có hướng nhìn ra sông, nhằm làm tăng giá trị cảnh quan đô thị ven sông và giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân. Giao thông đảm bảo giao lưu nhanh chóng, tiện lợi, an toàn giữa khu vực với các đô thị lân cận. Mạng lưới công trình ngầm đảm bảo thoát nước mặt dễ dàng, tránh tình trạng ngập úng, gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường. Do môi trường khu vực sông Kim Bồng bị ô nhiễm trầm trọng về nguồn nước nên quy hoạch đã đề ra các giải pháp khắc phục bằng việc trồng cây xanh ven đường để giảm ô nhiễm về khói bụi và tiếng ồn. Nước thải được thu gom và xử lý. Chất thải rắn được phân loại và thu gom hàng ngày để làm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí... Người dân và chính quyền địa phương mong muốn dự án này sớm được triển khai để chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần trả lại sự trong xanh cho một dòng sông chảy giữa lòng TP. Nha Trang.
Sông Kim Bồng chảy qua vùng nông thôn Nha Trang xưa, nay đã lên phố. Mặc cho dòng sông oằn mình giãy chết thì giá đất ở khu vực này vẫn tăng lên từng ngày. Dù chính quyền các địa phương cho rằng đang quản lý rất chặt từ khi có quy hoạch thì hàng ngày, 2 bên bờ sông vẫn có người dân âm thầm đổ đất lấn sông mà không thấy ai xử lý.
Không ít người lo ngại, sông Kim Bồng sẽ có nguy cơ biến mất trước khi tiến hành nạo vét, cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch.
MINH THIẾT - THẢO LY