. Hỏi: Tôi đang chuẩn bị xây dựng nhà cấp 4 thì có cần phải xin phép cơ quan nhà nước khi xây dựng hay không?
(Lê Anh Thành, Ninh Hòa)
. Hỏi: Tôi đang chuẩn bị xây dựng nhà cấp 4 thì có cần phải xin phép cơ quan nhà nước khi xây dựng hay không?
(Lê Anh Thành, Ninh Hòa)
. Trả lời: Theo Thông tư 06/2021/TT-BXD thì nhà cấp 4 thuộc công trình nhà ở riêng lẻ với những tiêu chí như sau: chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng 6m; 1 tầng; Tổng diện tích sàn < 1.000m2; Nhịp kết cấu lớn nhất <15m và không có độ sâu ngầm và tầng ngầm.
Theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) thì công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư, trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng trong đó có các quy định đối với nhà ở riêng lẻ như sau: Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
Từ quy định trên thì nhà cấp 4 khi xây dựng phải xin phép trong các trường hợp sau: Nhà cấp 4 tại khu đô thị nhưng không thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhà cấp 4 ở nông thôn nhưng thuộc khu vực có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhà cấp 4 tại miền núi, hải đảo nhưng thuộc khu vực có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; Nhà cấp 4 được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
Luật sư Nguyễn Quang Vinh