Đất nhà thờ họ chúng tôi đã có từ lâu, do không có tường rào ngăn cách mà chỉ phân định bằng hàng rào cây cối nên nhà ở liền kề phát bờ rồi lấn dần. Chúng tôi đặt vấn đề với họ để định lại đúng ranh giới nhưng không thống nhất được.
Hỏi: Đất nhà thờ họ chúng tôi đã có từ lâu, do không có tường rào ngăn cách mà chỉ phân định bằng hàng rào cây cối nên nhà ở liền kề phát bờ rồi lấn dần. Chúng tôi đặt vấn đề với họ để định lại đúng ranh giới nhưng không thống nhất được. Vụ việc cần đến pháp luật can thiệp, hội đồng gia tộc có thể đại diện đứng ra giải quyết được không? Là tài sản chung dòng họ, quyền lợi của nhiều người, vậy ai phải ra tòa để bảo vệ lợi ích của mình?
(Lê Bá - Diên Khánh, Khánh Hòa)
Trả lời: Theo Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong việc khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì dòng họ không phải là nguyên đơn trong vụ kiện, các tập thể như hội đồng gia tộc, chi họ, nhánh họ… không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ mà quyền này thuộc về thành viên dòng họ. Thành viên dòng họ là cá nhân trong dòng họ được xác định theo tập quán phổ biến, được thừa nhận nơi dòng họ tồn tại. Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện là thành viên dòng họ và có thể là người không phải là thành viên dòng họ. Trường hợp đương sự cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nếu không cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, quyền, nghĩa vụ của họ sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu.
Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG