Mẹ tôi có nguồn tiền nhàn rỗi nên thường cho bạn bè vay với điều kiện phải thế chấp giấy tờ nhà, đất. Xin hỏi, nếu có phát sinh tranh chấp thì có được sử dụng giấy tờ đó để bán thu hồi nợ không?
. Hỏi: Mẹ tôi có nguồn tiền nhàn rỗi nên thường cho bạn bè vay với điều kiện phải thế chấp giấy tờ nhà, đất. Xin hỏi, nếu có phát sinh tranh chấp thì có được sử dụng giấy tờ đó để bán thu hồi nợ không?
(Phạm Thị Lan - Nha Trang)
. Trả lời: Hiện nay, việc cầm cố giấy tờ nhà, đất diễn ra rất phổ biến trong khi pháp luật chưa quy định rõ ràng về trường hợp cầm cố tài sản là giấy tờ nhà, đất. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Ngoài ra, Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, đối tượng cầm cố phải là tài sản chứ không phải là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu quyền sử dụng đất hoặc tài sản. Do đó, giấy tờ về nhà, đất không thể cầm cố mà chỉ có thể đem đi thế chấp ngân hàng. Như vậy, giấy tờ nhà, đất mà mở rộng ra là các loại giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu tài sản (chẳng hạn như cà vẹt xe ô tô, tàu thuyền …) không phải là đối tượng để có thể áp dụng quy định về cầm cố tài sản.
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên có thể thấy Nhà nước không thừa nhận việc cầm cố giấy tờ nhà, đất. Do vậy, những giao dịch này không có giá trị pháp lý và sẽ bị tuyên vô hiệu theo Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hậu quả của hợp đồng vô hiệu là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Luật gia M.H