Hỏi: Việc vận động bầu cử được quy định như thế nào? Ứng cử viên có được hứa hẹn lợi ích vật chất khi vận động bầu cử không?
Kim Loan (thị xã Ninh Hòa)
Hỏi: Việc vận động bầu cử được quy định như thế nào? Ứng cử viên có được hứa hẹn lợi ích vật chất khi vận động bầu cử không?
Kim Loan (thị xã Ninh Hòa)
Trả lời: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có một thời gian để thực hiện vận động bầu cử. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Cử tri có thể nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử; người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn, cởi mở những vấn đề cùng quan tâm. Tinh thần đó đã được ghi nhận tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND hiện hành. Nguyên tắc trong vận động bầu cử được luật quy định là: Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm:
1. Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
2. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
3. Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
4. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Các hoạt động tuân thủ nguyên tắc và không vi phạm điều cấm của luật được pháp luật tôn trọng.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng