Khi phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo V.V.T. (sinh năm 1975, trú TP. Nha Trang) kết thúc, không riêng người dự, vị kiểm sát viên cũng tỏ ý tiếc cho bị cáo. Mức án 1 năm 6 tháng tù về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tuy hội đồng xét xử đánh giá là nhẹ nhưng với bị cáo vẫn là khoảng thời gian thật dài khi phải bỏ lại cả gia đình đang trông cậy vào mình bị cáo.
Khi phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo V.V.T. (sinh năm 1975, trú TP. Nha Trang) kết thúc, không riêng người dự, vị kiểm sát viên cũng tỏ ý tiếc cho bị cáo. Mức án 1 năm 6 tháng tù về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tuy hội đồng xét xử đánh giá là nhẹ nhưng với bị cáo vẫn là khoảng thời gian thật dài khi phải bỏ lại cả gia đình đang trông cậy vào mình bị cáo.
Bị cáo T. và bị hại là bà con xóm làng. Tối đó, nghe em dâu gọi điện thoại nói bị hại mang theo dao tới nhà vợ chồng em trai mình để đòi nợ 5 triệu đồng, T. vội vàng chạy tới. Tại đây, T. tận mắt thấy em trai đã bị đâm trúng đầu, lưng; bị hại còn rượt đâm cả em dâu. Bị hại cũng đâm trúng tay T. khi T. vào can ngăn, sau đó lại tiếp tục cầm dao đi tìm em trai T. T. và mẹ ruột tìm cách giằng con dao nhưng không được. Lo sợ em bị đâm, T. đã lấy chiếc xẻng gần đó, tính gạt cho rơi con dao, không ngờ lại quơ trúng mặt bị hại, làm rớt lưỡi xẻng. Lúc đó, một phần vì em bị đâm, phần do chính mình cũng bị thương, bị cáo bực tức đánh vào đầu bị hại bằng cán xẻng, gây thương tích 52%. “Bị cáo không hề có mục đích giết người. Bị cáo sai vì bức xúc chuyện bị hại tấn công bị cáo và người thân nên không kiềm chế nổi”, bị cáo T. thanh minh.
Bị hại cũng thừa nhận, trước đó đã uống rượu và xỉn, đi đòi nợ không nhớ đã nói gì khi gặp em dâu của T. Bị hại đi đòi nợ mang theo dao vì nghe có người nói vợ chồng nhà đó chửi mình. Bị hại thừa nhận đã tấn công vợ chồng em trai T. và cả T. Điều này cũng được xác định bằng quyết định xử phạt hành chính về hành vi cố ý gây thương tích của bị hại. Một nhân chứng còn cho biết, có nghe tiếng la hét “tao đâm tụi mày rồi tự thú”. Tại tòa, bị hại đã chủ động xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Luật sư cho rằng, vụ án xuất phát từ sự phòng vệ. Hai bên lúc đó đều kích động. Hơn nữa, bị cáo rất thành khẩn, thừa nhận hành vi gây thương tích cho bị hại sau khi bị hại đe dọa và đâm anh em bị cáo. Bản thân bị cáo có trình độ văn hóa thấp (3/12); chưa có tiền án, tiền sự; là lao động chính trong gia đình, đang nuôi mẹ già và con nhỏ nhưng vẫn cố gắng vay mượn bồi thường 10 triệu đồng. Đặc biệt, bị cáo còn được bị hại xin giảm nhẹ… Với hàng loạt tình tiết giảm nhẹ như vậy, có nên buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù?
Nghe cấp phúc thẩm tuyên bác kháng cáo vì mức án đã nhẹ và không có tình tiết mới, bị cáo T. thở dài buồn bã, nặng nề lê bước ra khỏi tòa. Trong vụ án này, hai bên đều mất bình tĩnh. T. có lý do để tức giận, kích động và điều đó đã được tòa ghi nhận với phán quyết về tội danh. Nhưng vẫn thật đáng tiếc, bởi nếu bị cáo không hành xử thái quá, có lẽ đã chẳng có vụ án này; cuộc sống của gia đình bị cáo chắc cũng không chênh vênh một thời gian vì thiếu vắng người trụ cột kinh tế...
TAM THUẬT