3 bị cáo (cùng trú Ninh Hòa) kháng cáo xin giảm hình phạt và hưởng án treo đều còn trẻ: N.M.G (18 tuổi), L.H.Đ (19 tuổi) và N.T.T.L (21 tuổi). Ban đầu, nghe việc cả ba nhiều lần trộm bia của chủ quán nơi họ làm phục vụ, có người nghĩ các bị cáo bất nghĩa. Nhưng những lời khai tại tòa cho thấy điều khác.
3 bị cáo (cùng trú Ninh Hòa) kháng cáo xin giảm hình phạt và hưởng án treo đều còn trẻ: N.M.G (18 tuổi), L.H.Đ (19 tuổi) và N.T.T.L (21 tuổi). Ban đầu, nghe việc cả ba nhiều lần trộm bia của chủ quán nơi họ làm phục vụ, có người nghĩ các bị cáo bất nghĩa. Nhưng những lời khai tại tòa cho thấy điều khác.
G. ấp úng trình bày, bị cáo phục vụ ở quán nhậu được 5 - 6 tháng, tiền lương tháng có tháng không. G. đã gặp chủ quán năn nỉ xin trả lương, nhưng chủ vẫn khất. L. cũng thừa nhận, chủ quán trả lương không đều, có khi nợ. Hồi đó, trúng tháng giáp Tết, ai cũng cần tiền chi tiêu, nhưng chờ mãi chủ quán chưa trả. Vì thế, khi G. rủ Đ. và L. trộm bia, nước ngọt ở quán để trừ vào khoản lương còn nợ, cả hai liền đồng ý. 3 đêm liên tiếp, 3 bị cáo đã trộm 50 thùng bia, nước ngọt, bò húc bán cho một chủ quán nhậu gần đó lấy 7,2 triệu đồng và bán 14 thùng bia, nước ngọt cho chủ quán đối diện lấy 2 triệu đồng. Tổng giá trị chiếm đoạt được định giá hơn 13 triệu đồng.
3 bị cáo đều nghỉ học khi mới tới lớp 9, lớp 10, nhưng không phải nghỉ học do hư hỏng, đua đòi chúng bạn hay học yếu. Nhắc đến gia cảnh, L. bật khóc cho biết, ông ngoại và cha cô đều đi bộ đội. Ông ngoại đã mất, còn cha đã ra ngũ, hiện bị bệnh sốt rét hành hạ, không làm việc được. Là chị lớn, cô đành nghỉ học đi làm phụ gia đình để các em được tiếp tục đi học. Đ. cũng nghỉ khi đang học lớp 10 do tự thấy nghĩa vụ của người con trai trụ cột gia đình khi cha mẹ đều bị bệnh, chị hai đã lấy chồng và cũng vất vả. G. nghỉ học từ năm lớp 9 và cũng từ đó mưu sinh giúp gia đình, chưa từng một ngày lêu lổng. G. còn khai nhận, chính người chủ quán đối diện với quán G. phục vụ đã bày cho cách trộm bia trừ lương. Bà này còn bảo, hễ lấy được thì bán cho bà. Do không rành bán buôn, nên khi được trả 160.000 đồng/thùng bia, 100.000 đồng/thùng nước ngọt, các bị cáo đều không cò kè.
Nghe các bị cáo khai, người chủ quán đối diện chỉ cười, lắc đầu tỏ vẻ đầy thông cảm với những lời... trẻ dại. Rồi bà khẳng định không hề xúi G. trộm bia trừ lương. Bà và chủ quán thứ hai đã mua bia của nhóm G. đều nói không hề nghi ngờ hàng trộm cắp, cứ tưởng mua bán ngay thẳng! Họ chẳng thấy có gì khác thường khi việc mua bán chỉ diễn ra vào đêm hôm, tầm 1 - 3 giờ sáng. Một người còn nói, lúc đó suy luận chắc gần Tết nên có thể chủ quán thưởng Tết bằng bia, các bị cáo gom lại đi bán! Người còn lại tưởng các bị cáo... bán bia giùm cho chủ! Có điều, cả hai đều khẳng định biết rõ các bị cáo là nhân viên phục vụ quán nhậu gần đó. Một vị hội thẩm phải “băn khoăn”: Các vị đều là những người trưởng thành, có kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng, sao không nhận ra sự vô lý khi chủ quán gần đó “thừa bia” đến mức phải nhờ nhân viên bán giùm và chịu lỗ tới 60.000 - 80.000 đồng/thùng, trong khi quán thường xuyên nhộn nhịp khách tới 1 giờ sáng. Sao không thấy lạ khi các bị cáo chỉ bán mỗi đêm vài chục thùng! Nghe vậy, 2 chủ quán lại đồng thanh đổ tại bản thân ham rẻ nên nông nổi, không nhận ra.
Trong vụ án này, dễ thấy các bị cáo phạm tội có phần do trẻ tuổi, ít học, hiểu biết hạn chế. Nhưng những người mua bia trộm cắp đều đã trưởng thành, một người còn qua tuổi trung niên, lại cùng kinh doanh nhà hàng, lẽ nào cũng nông nổi đến mức không thấy nhiều dấu hiệu bất thường rõ ràng như tòa phân tích? Bản án sơ thẩm trên đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại dấu hiệu phạm tội của những người mua bia trộm cắp.
TAM THUẬT