06:08, 10/08/2019

Tích tụ cơn giận

Nghe sơ qua vụ án giết người do L.V.N (sinh năm 1995, trú Ninh Thượng, Ninh Hòa) thực hiện, ai cũng cho rằng bị cáo quá coi thường pháp luật. N. giết người vì lý do lãng xẹt: đòi uống thêm lon bia mà hàng xóm không cho! Vẻ gay gắt của bị hại và sự im lặng của bị cáo càng củng cố suy nghĩ này của nhiều người.

Nghe sơ qua vụ án giết người do L.V.N (sinh năm 1995, trú Ninh Thượng, Ninh Hòa) thực hiện, ai cũng cho rằng bị cáo quá coi thường pháp luật. N. giết người vì lý do lãng xẹt: đòi uống thêm lon bia mà hàng xóm không cho! Vẻ gay gắt của bị hại và sự im lặng của bị cáo càng củng cố suy nghĩ này của nhiều người. Nhưng chỉ khi người thông dịch đứng lên, dùng cử chỉ, điệu bộ “nói chuyện” với bị cáo, người ta mới nhận ra N. không nói được, không nghe được. Cũng từ đó, người dự mới thấy bị cáo ở một khía cạnh khác.


Qua thông dịch viên, N. khai nhận, tối đó, nhà hàng xóm tổ chức nhậu. Thấy mấy thanh niên tụ tập rôm rả, N. cũng sang xin được tham gia, nhưng ai cũng lắc đầu không chịu. N. năn nỉ mãi, rồi chủ nhà cũng cho N. một lon bia. Nhưng lon bia đó, N. không được vui vẻ uống chung với mọi người trong bữa nhậu, mà chỉ là dốc cạn đáy trong sự chờ đợi của cả bàn nhậu trước khi lại ra hiệu cho N. ra về. Người bị hại còn đẩy N. về.


Luật sư cho biết, từ nhỏ, N. đã cảm thấy tủi thân vì bị mọi người xa lánh; cũng ít người cố gắng hiểu N. Bị cáo hiểu rõ đó là bởi mình bị khuyết tật, không giao tiếp được bình thường. Điều đó khiến N. rất bức bối. Tủi phận bao nhiêu, N. càng nhạy cảm bấy nhiêu, dù chỉ là một ánh mắt thiếu thân thiện. Vị chủ nhà khai, anh không cho bị cáo uống tiếp bởi cứ uống vào là N. hành gia đình. Điều đó có phần đúng, nhưng chưa phải tất cả. Sâu xa hơn, bị cáo cảm thấy khủng hoảng với cuộc sống của bản thân mà chẳng biết trách ai. Mỗi khi có hơi men, N. càng dễ nổi xung.


Giá như sớm hiểu được những chất chứa trong lòng N., có lẽ những người hàng xóm và bị hại đã hòa hợp, thông cảm, gần gũi hơn với N. Cũng vì chưa hiểu, tận lúc phiên tòa diễn ra, bị hại vẫn còn bực tức đầy vơi. Do đó, trong khi một hàng xóm khác bị N. chém thương tích nhẹ và từ chối giám định, khởi tố, thì bị hại vẫn kiên quyết liệt kê mọi khoản bồi thường lên tới gần 200 triệu đồng, không bớt chút nào, cũng không đề nghị giảm án cho bị cáo, mặc cho N. xin lỗi, gia đình N. chạy vạy vay 10 triệu đồng bồi thường một phần, hay khi luật sư phân tích hoàn cảnh, điều kiện của bị cáo, mong bị hại tha thứ. Vị này còn phân tích: bị hại đòi hỏi bồi thường tiền mất thu nhập 400.000 đồng/ngày với người đi biển, đặc biệt làm nghề giã cào như bị hại là chưa hợp lý. Bởi lao động biển trả công theo chuyến, không trả lương đều đặn như người làm cơ quan, doanh nghiệp. Đáp lại mọi phân tích đó, bị hại vẫn lắc đầu. Một số người còn thì thào: chắc bị cáo đi tù càng lâu, càng đỡ phiền! Người ta lên án bị cáo chỉ vì cái đẩy vai mà kiếm dao quay lại đâm liên tiếp bị hại, gây thương tích 50%. Một số còn không chấp nhận khi bị cáo tỏ ý hối hận, xin lỗi bị hại.  


Nghe tòa tuyên phạt 12 năm tù, mẹ bị cáo như muốn xỉu. Dù nói gì đi nữa, đâm người suýt chết là tội không hề nhẹ, pháp luật không dung thứ. Bản án đã cân nhắc mọi yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo. Nhưng ở khía cạnh xã hội, qua diễn dịch của thông dịch viên, việc bị cáo tấn công bị hại dường như là hệ quả của quá trình tích tụ, dồn nén lâu dài từ những ấn tượng bị xem thường, bị tách rời khỏi xã hội. Trong hành động quyết liệt đó của bị cáo, thấp thoáng nỗi oán trách vì không được nhìn nhận bình đẳng, không được giao du như bao thanh niên khác. Khao khát hòa nhập được tích tụ trong vẻ ngoài lặng lẽ giữa bao người, đến một lúc nhất định, chỉ cần gặp một sự việc, dù nhỏ thôi, cũng đủ xúc tác để bùng phát thành cơn giận mất kiểm soát.


TAM THUẬT