11:08, 23/08/2019

Đừng nói không biết!

Phiên tòa xét xử 2 đạo chích P.N.Đ (sinh năm 1986, trú phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) và L.H.V (sinh năm 1994, trú xã Vĩnh Lương, Nha Trang) kéo dài hơn dự kiến bởi bị cáo Đ. tuy đã hơn 30 tuổi nhưng dường như chỉ như… trẻ lên 3, khi liên tục trả lời không biết trước nhiều câu hỏi của tòa.

Phiên tòa xét xử 2 đạo chích P.N.Đ (sinh năm 1986, trú phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) và L.H.V (sinh năm 1994, trú xã Vĩnh Lương, Nha Trang) kéo dài hơn dự kiến bởi bị cáo Đ. tuy đã hơn 30 tuổi nhưng dường như chỉ như… trẻ lên 3, khi liên tục trả lời không biết trước nhiều câu hỏi của tòa.


Đ. khai chiếc xe máy Đ. dùng chở V. đi tới khu nhà trọ để trộm cắp không phải xe ăn trộm, mà do bị cáo mua được của một người lạ ở giữa đường. Để củng cố lời khai, Đ. còn cho biết đã mua chiếc xe không giấy tờ với giá 4 triệu đồng. Bị cáo chỉ biết chiếc xe nhãn hiệu đó có giá thị trường ít nhất hơn chục triệu đồng khi được thẩm phán cho biết! Khẳng định không nghi ngờ xe phi pháp, bị cáo cũng không trộm hay tiêu thụ, nhưng bị cáo quên không giải thích một người không việc làm như bị cáo lại có sẵn 4 triệu đồng trong túi để sẵn sàng bỏ ra mua xe máy ngay giữa đường! Bị cáo cũng chẳng hề biết vì sao đi chơi với bạn mà phải mang theo bình xịt hơi cay, dụng cụ phá khóa và dao bấm. Bị cáo để V. trông xe rồi đi bộ vào khu trọ phá khóa nhưng vẫn trả lời không biết V. đứng ở đâu…


Trong một số vụ án khác, khi ra tòa, nhiều bị cáo hay dùng từ “không biết”. Kẻ giết người dùng gậy đánh thẳng vào đầu bị hại, hay cầm dao xuyên thấu ngực trái nạn nhân vẫn thảng thốt trả lời “không biết đó là vùng trọng yếu, có thể lấy đi sinh mạng con người”. Người đòi nợ bằng dao cũng than vãn không biết đòi nợ kiểu đó là sai. Bị cáo khác lại than thở trót uống rượu say nên không làm chủ được tay lái, tông xe vào người khác. Có bị cáo đã dăm ba lần vào tù về tội trộm cắp tài sản vẫn vô tư nói không biết lén lút lấy đồ của người khác là phạm pháp, rồi than nghèo kể khổ “bất đắc dĩ” phải vậy!


Pháp luật hình sự đã quy định, chủ thể tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là có khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và khả năng điều khiển hành vi đó. Người có năng lực trách nhiệm hình sự trước hết phải đạt tới độ tuổi nhất định theo quy định pháp luật để đảm bảo có khả năng nhận thức đầy đủ về tính chất pháp lý của hành vi mà mình gây ra và có đủ khả năng điều khiển được hành vi đó. Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của cá nhân quy định thành 2 trường hợp: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm có quy định khác; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều luật cụ thể. Bị cáo Đ. đã trưởng thành, không hề hạn chế về năng lực  nhận thức và điều khiển hành vi, nên không thể vì bị cáo nói không biết mà có thể thành vô can! 

 
 TAM THUẬT