10:07, 12/07/2019

Phục thiện… nửa chừng

Gặp lại N.N.P. (sinh năm 1972, trú xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) tham gia tố tụng với tư cách bị cáo  tại phiên tòa, một số người không khỏi cảm thấy thất vọng. Vài năm trước, P. được xem là người có nỗ lực hoàn lương, được địa phương, cơ quan quản lý đánh giá khá tốt. Vậy mà…

Gặp lại N.N.P. (sinh năm 1972, trú xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) tham gia tố tụng với tư cách bị cáo (BC) tại phiên tòa, một số người không khỏi cảm thấy thất vọng. Vài năm trước, P. được xem là người có nỗ lực hoàn lương, được địa phương, cơ quan quản lý đánh giá khá tốt. Vậy mà…


Năm 1993, P. lãnh án 1 năm 6 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân. Năm 1997, P. tiếp tục lãnh tổng cộng 20 năm tù về 6 tội: trộm cắp, cướp giật, cướp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Khi được hỏi, sau từng ấy năm ở tù, về rồi lại phạm tội tiếp, phải chăng vì án vẫn chưa đủ nghiêm khắc, P. tỏ ra bức bối: “Xin tòa đừng nhắc lại quá khứ của BC! Ở tù, BC luôn chấp hành cải tạo tốt. Ra tù, BC đã cố gắng làm ăn lương thiện, nhưng BC không được tạo cơ hội làm lại. Đã có lúc, BC không biết kiếm đâu ra tiền nuôi vợ con…”. Nói rồi, P. khóc.


Thời gian ở tù, do chấp hành cải tạo tốt, P. được giảm án 8 lần, ra tù năm 2015, trước hạn 3 năm 3 tháng. Ra tù, P. đã thề không vi phạm pháp luật nữa. P. không nề hà làm mọi nghề chính đáng, từ phụ hồ, đến kéo xe ba gác, chạy xe thồ... Rồi P. được một phụ nữ ít hơn 10 tuổi thương yêu, kết hôn và có 1 con chung. Vợ chồng P. tá túc trong căn nhà nhỏ bám bên sườn núi ở Vĩnh Ngọc, vốn là nơi cư ngụ của người cha già và người anh trai thần kinh bất ổn thuộc diện hộ cận nghèo. P. ngày ngày đi chở hàng thuê, cùng người vợ làm nghề dọn nhà thuê chung sức vun đắp cho gia đình. Nhưng việc dùng chung chiếc ba gác của em trai để kiếm kế sinh nhai khiến P. ít nhiều suy nghĩ. Nghề bóc vỏ hạt điều, làm song mây học hồi ở trại lại chưa có chỗ cần. Công việc trông xe ở nhà hàng mà một cảnh sát bảo vệ ở trại giới thiệu tuy thu nhập khá nhưng P. lo ngại va chạm đối tượng xấu. Địa phương  thì chưa có nguồn quỹ vay nào cho đối tượng như P… “BC không muốn lặp lại quá khứ. Phạm tội lần này, BC rất ân hận. Hôm đó, mâu thuẫn với vợ, buồn quá, BC đi lang thang, thấy du khách cầm điện thoại, chẳng biết sao BC giật luôn”, P. thanh minh.


Vị chủ tọa nghiêm nghị: Sẽ chẳng ai nhắc lại quá khứ nếu BC không phạm tội tiếp! Cho dù BC nói rất ân hận, thâm tâm muốn hoàn lương, nhưng sự thật, BC đã thực hiện ý định phạm tội ngay khi thấy cơ hội. BC cũng thừa nhận tuy trong túi còn tiền nhưng không đủ so với mong muốn của BC. Không thể kiếm tiền đủ với mong muốn bằng cách trái pháp luật vậy!


Lúc này, P. năn nỉ: Nếu thực BC không hề cố gắng phục thiện sau khi ra tù, nghiện ngập ma túy, giao du băng đảng thì lần này phạm tội, dù tòa xử nặng BC vẫn thảnh thơi, không oán thán. Nhưng thực sự BC đã rất cố gắng. Những lần phạm tội trước đều do BC còn trẻ, nông nổi. Giờ đây, BC hiểu rõ giá trị tự do. Xin tòa hãy mở cho BC cơ hội lần nữa! BC cũng muốn chăm lo cho con mình.


Ngồi phía sau BC, suốt phiên tòa, người vợ hầu như chỉ gục đầu vào thành ghế trước hoặc gạt nước mắt. Phiên tòa kết thúc, chị đưa mũ cho chồng đội rồi bước ra, chẳng nói lời nào. Không hiểu, P. có nhận ra mình đã làm người phụ nữ tin tưởng gắn bó với BC thất vọng? Cuộc đời P., gần như toàn bộ thời thanh niên phải chấp hành án trong tù. 21 tuổi, như P. thanh minh, do nông nổi, bồng bột tuổi trẻ nên phạm tội. Nhưng nay, P. phạm tội ở tuổi 47, có thể nào do “bồng bột tuổi trung niên”?! Năn nỉ xin được tòa mở thêm cơ hội, nhưng P. không nhận ra, trước đó, bản thân đã tự đóng lại cơ hội hoàn lương khi chưa kiên trì nỗ lực. Cố gắng phục thiện sao được ghi nhận khi chỉ đi nửa chừng?


TAM THUẬT