12:11, 24/11/2018

Yêu và hận

Vụ án H.N.C.H (sinh năm 1991, trú Nha Trang) cùng đồng phạm cướp tài sản đã qua nhiều phiên tòa tương đối căng thẳng, bởi các bị cáo đều thừa nhận hành vi, nhưng nhất định không nhận tội danh đó.

Vụ án H.N.C.H (sinh năm 1991, trú Nha Trang) cùng đồng phạm cướp tài sản đã qua nhiều phiên tòa tương đối căng thẳng, bởi các bị cáo đều thừa nhận hành vi, nhưng nhất định không nhận tội danh đó. Lên tới cấp phúc thẩm, H. rưng rức khóc khi nghe giải thích pháp luật cặn kẽ hơn. Người dự còn nghe thấy những tiếng thở dài từ người thân và 2 bị cáo còn lại. Ngay cả bị hại, từ chỗ khăng khăng không nhượng bộ, cũng đã dịu lại, không còn phẫn nộ như phiên sơ thẩm đầu tiên.


Đó là vụ cướp mà thủ phạm không phải những kẻ “đầu trộm đuôi cướp” như mọi người hình dung. Kẻ cướp và người bị cướp vốn là đôi nam nữ từng có quan hệ tình cảm thắm thiết đến mức sống chung 1 năm. Nhưng chuyện tình của họ đã kết thúc không êm đẹp. Hồ sơ chỉ thể hiện H. vay ngân hàng 20 triệu đồng và đã đưa cho bị hại 15 triệu đồng. Sau khi hai bên chấm dứt quan hệ tình cảm, bị hại không đồng ý trả khoản vay này. Vì vậy, H. nhờ 2 người bạn giúp. Nhờ sức của 2 thanh niên, H. lấy được ví của bị hại, chiếm đoạt tiền và chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe nhằm ép bị hại trả tiền ngân hàng.  


Trước tòa, H. khóc và thanh minh, bị cáo không hề có ý định cướp của ai. Trước đó, H. đã nhiều lần yêu cầu bị hại trả tiền nhưng bị hại không trả, còn nói: có gì chứng minh bị hại nợ thì mới trả. Lúc đó, bị cáo nghĩ chỉ có cách lấy được giấy tờ của bị hại, từ đó ép bị hại viết giấy nợ để có chứng cứ, qua đó bắt bị hại trả tiền vay ngân hàng. “Nếu bị hại có thiện chí trả thì đã không xảy ra xô xát. Và nếu bị cáo định cướp thì đã lấy tài sản đi luôn, đâu cần yêu cầu viết giấy nợ?”, H. cãi.


Tuy vậy, theo lý giải của bị hại, khoản tiền trên có nguồn gốc khác hẳn. Khi hai bên còn yêu đương, vào dịp gần Tết, khi chị H. ở nước ngoài về, H. đã nhờ bị hại mượn 50 triệu đồng, khi chị đi sẽ trả. Bị hại đã vay ngoài 30 triệu đồng và bảo lãnh cho H. vay ngân hàng 20 triệu đồng. Khi chị H. đi và gửi tiền về, H. chỉ trả 25 triệu đồng. Sau đó, H. đưa tiếp 15 triệu đồng và nói tiền vay ngân hàng không trả được, nhờ bị hại hỗ trợ. Lúc hai bên chấm dứt quan hệ, H. đòi lại 15 triệu đồng, bị hại không đồng ý. Vì vậy, H. liên tục gọi điện thoại làm phiền, thậm chí cùng nhóm bạn tới nhà đập phá, đe dọa. Một người trong nhóm H. còn ném mắm ruốc, sơn, dầu hỏa vào nhà, bị hại có thể chứng minh qua băng ghi hình từ camera an ninh của gia đình…


Qua cách căng thẳng kể tội nhau, họ dường như còn chất chứa rất nhiều hận thù. Nhưng cho dù lai lịch khoản vay ngân hàng đó ra sao, xét trên giấy tờ, H. vẫn là người đứng vay. H. lại không có chứng cứ chứng minh bị hại liên quan trong khoản vay đó. Tuy nhiên, không chỉ bị cáo H. lo lắng về tội trạng; còn 2 bị cáo khác, chỉ vì không hiểu tường tận nội tình, thấy H. yêu cầu giúp đỡ đã vội nhận lời, để rồi cũng phải ra tòa với tư cách đồng phạm.


Đến phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không còn khăng khăng chối tội cướp, có điều, nước mắt của H. dường như rơi nhiều hơn. Bị hại cũng chủ động xin giảm án cho đồng phạm của H. Nhưng với hai người từng có thời yêu nhau ấy, dường như nỗi oán hận vẫn chưa thể giải. Người yêu cầu xử nghiêm, đúng pháp luật, kẻ kiên quyết không nói lời xin lỗi. Yêu tha thiết, chia tay, rồi thù hận chỉ vì chuyện tiền bạc quả là đáng tiếc.


TAM THUẬT