Từ phiên sơ thẩm đến phiên phúc thẩm vụ án P.N.T (sinh năm 1990, trú Diên Khánh) vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người dự đều thấy một người đàn ông tóc đã bạc ngồi phía đại diện bị hại, chăm chú theo dõi diễn tiến phiên tòa.
Từ phiên sơ thẩm đến phiên phúc thẩm vụ án P.N.T (sinh năm 1990, trú Diên Khánh) vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người dự đều thấy một người đàn ông tóc đã bạc ngồi phía đại diện bị hại, chăm chú theo dõi diễn tiến phiên tòa.
Ở phiên tòa sơ thẩm, ông này tha thiết xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo (BC) T. Ông giãi bày, dù gì, người nhà ông cũng không thể sống lại, nhưng người đang sống cần sống có ích. Ông biết hoàn cảnh gia đình T. rất khó khăn. Tai nạn xảy ra một phần cũng do BC vừa kết thúc ca làm đêm, tinh thần đã mệt mỏi, không thể tỉnh táo như người vừa ngủ trọn đêm, lại thêm một số xe máy chạy trước làm hạn chế tầm nhìn, do đó, BC phản ứng chậm khi thấy người nhà ông đi bộ qua đường. Nhưng sau khi tai nạn xảy ra, BC đã lập tức đưa nạn nhân đi cấp cứu, không bỏ mặc và chạy trốn. BC còn cố gắng vay mượn các nơi, gom được 37 triệu đồng gửi gia đình ông khắc phục phần nào. Sau khi xét xử sơ thẩm, BC lại tới bồi thường tiếp 15 triệu đồng. Đây là hành động thể hiện sự ăn năn, hối hận, cũng thể hiện BC sống có trách nhiệm. Vì vậy, gia đình ông không thể làm khó BC.
Mới đây, xét xử phúc thẩm, ông này cũng tới, tiếp tục xin cho T. được hưởng án treo. Ông tha thiết như xin cho người nhà mình: “Chúng tôi biết gia đình BC rất khó khăn. Chúng tôi coi BC như người thân trong nhà, không yêu cầu thêm bất cứ khoản bồi thường nào, chỉ mong mỏi quý tòa hãy cho BC cơ hội được hưởng án treo, để ở ngoài tiếp tục đi làm, lo kinh tế cho gia đình. Được như vậy, chúng tôi vô cùng cảm ơn”. Một người dự, có lẽ biết gia đình bị hại, kể, hồi vụ án mới xảy ra, cả nhà bị hại còn lên xã, năn nỉ xin miễn trách nhiệm hình sự cho BC… Vừa nghe tòa tuyên cho BC được hưởng án treo, người đàn ông đó phấn khởi bước tới BC trước tiên, vỗ vai chúc mừng và động viên BC về nhà, nỗ lực làm việc.
Nhưng ở phòng xử phúc thẩm bên cạnh, cảnh tượng lại trái ngược hẳn.
Vụ án cố ý gây thương tích đó có thể đã không xảy ra nếu bị hại đừng chủ động tấn công BC N.H.H (sinh năm 1986, trú Cam Lâm). Khi bị hại chạy xe đến rẫy nhà mình, thấy cha con H. đang xây tường rào, liền cho rằng cha con H. xây lấn ranh. Hai bên nói qua lại và xô xát, sau đó bị hại bỏ về vì không có chứng cứ. Nhưng đến chiều, thấy H. mang cá sang nhà anh trai gửi nhờ tủ lạnh, bị hại lại tức tối đầy vơi và quyết định kiếm cây gỗ, phục sẵn trên đường H. trở về để ra tay. Đánh nhát đầu tiên không trúng, thấy BC bỏ xe chạy, bị hại tiếp tục đuổi theo, quật vào lưng. Bị dồn đuổi đánh, thấy cây gỗ bên đường, BC nhặt lên, đánh lại bị hại một cái, gây thương tích 40%.
Tại phiên tòa, H. khai thêm, thấy cha con BC xây tường rào, bị hại nói khiêu khích: “trông ngứa mắt”. Được biết, sau khi sự việc xảy ra, tuy BC và gia đình nhiều lần tới bồi thường, bị hại đều từ chối, không tha thứ, thậm chí còn yêu cầu bồi thường khá cao. Lần duy nhất bị hại nhận một phần tiền bồi thường là tại phiên tòa sơ thẩm.
Có lẽ, bị hại chưa nhận ra hậu quả thương tích mình phải gánh cũng có phần lỗi của bản thân. Tuy bị hại khăng khăng không chịu nhận bồi thường, để BC mang tiếng vô tình, nhưng hội đồng xét xử vẫn sáng suốt nhận định, BC phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra. Tòa cũng đánh giá BC có thái độ ăn năn, hối cải, thể hiện nhiều lần tới bồi thường nhưng bị hại đều từ chối, từ đó quyết định giảm án.
Hai hội đồng xét xử đều đã cân nhắc đầy đủ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để có phán quyết thỏa đáng trong 2 vụ án. Nhưng ở góc độ xã hội, không thể ngăn người dự ủng hộ thái độ ăn năn của 2 BC, và đánh giá cao cách ứng xử bao dung của gia đình bị hại thứ nhất, chê trách lối hành xử hẹp hòi của bị hại thứ hai.
TAM THUẬT