Phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo giành quyền nuôi con của anh Võ (*) sau khi ly hôn với chị Mai rối bời như canh hẹ, bởi hai bên ra sức đấu khẩu để thuyết phục tòa cho mình được nuôi con.
Phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo giành quyền nuôi con của anh Võ (*) sau khi ly hôn với chị Mai rối bời như canh hẹ, bởi hai bên ra sức đấu khẩu để thuyết phục tòa cho mình được nuôi con.
Anh Võ khẳng định rất thương con. Cháu đã 4 tuổi, được bệnh viện xác nhận bị trầm cảm giai đoạn 1, chậm phát triển, nhưng chị Mai không nhận ra, không đồng hành cùng anh giáo dục con. Chị còn ít chơi với con, toàn cho con uống sữa. Anh đang quản lý 1 công ty có số vốn khoảng 500 triệu đồng cùng 1 quán net trị giá khoảng 400 triệu đồng nên có điều kiện kinh tế hơn hẳn để chữa bệnh cho con. Chị Mai nói anh nhậu nhẹt bê tha, không gửi tiền lo cho con là không đúng. Chẳng qua do công việc kinh doanh của anh mang tính đặc thù, tiền bạc cũng không giống mức lương ổn định. Một tháng anh đưa cho vợ 10, 20 triệu đồng hoặc ngày nào cũng đưa; nếu có tiền anh đều đưa vợ giữ, khi cần tiền kinh doanh lại lấy ra. Nhưng tiền ăn của con chưa khi nào anh thiếu vì quán net của anh mỗi ngày cho doanh thu 2 triệu đồng. Công việc của anh phải làm từ 7 giờ tới 21 giờ, buổi tối phải đi tiếp khách để kiếm thêm thu nhập, nhưng chị Mai không hiểu, lại bảo nhậu nhẹt bê tha.
Còn chị Mai bác bỏ hết, cho biết mấy công ty của anh Võ đều đang vay vốn ngân hàng, hàng tháng còn lo trả lãi, anh chưa hề đưa tiền nuôi con. Lúc chung sống, anh Võ thường xuyên chửi mắng, thậm chí đánh đập chị. Nửa năm trước khi ly hôn, anh chị đã ly thân, mẹ con chị về sống ở nhà ngoại. Chị là giáo viên tiểu học, công việc đòi hỏi đúng giờ nhưng chưa khi nào anh giúp chị đưa cháu đi học, cho dù công việc của anh khá tự do. Vì thế, sáng nào chị cũng tất bật đưa con tới trường rồi vội vàng lên lớp. Anh nói yêu thương con mà chưa khi nào chơi với con, bởi hầu như tối nào cũng đi nhậu. Khi anh về tới nhà thì con đã đi ngủ hoặc đang uống sữa, vậy là anh cho rằng chị cho con uống sữa trừ cơm. Khi vợ chồng mâu thuẫn, anh còn đánh chị ngay trước mặt con, khiến cháu sợ hãi khóc. Hồi 2 tuổi, cháu chậm nói, hai vợ chồng đưa con đi khám, bác sĩ nói cần chơi với cháu nhiều hơn, cho cháu đi học, nếu tiến triển tốt không cần tái khám. Chị đã làm theo, nên hiện giờ cháu đã phát triển tốt, về nhà biết kể chuyện ở trường. Suốt thời gian mẹ con chị ở bên ngoại, anh không hề ghé thăm con…
Anh Võ phản đối, rằng anh không tới thăm con vì ngại mẹ vợ, rằng anh không đánh vợ, rằng cháu chưa bình thường, còn bệnh nặng. Rồi anh xuất trình xác nhận của bệnh viện khi anh đưa cháu đi khám riêng và ngần ngừ xác nhận, đúng là anh không báo cho vợ biết kết quả khám bệnh của con; đúng là có lần anh lỡ tay đánh vợ, khiến chị Mai chấn thương, phải đi chụp CT. Chị Mai ngỡ ngàng cho biết, chỉ có một lần anh Võ xin đưa con vào TP. Hồ Chí Minh, nói để dự tiệc, hóa ra là giấu chị đưa con đi khám. Thực ra anh không yêu gì con, chỉ có bà nội thương cháu, có lẽ vì vậy mới hối thúc anh kiện giành quyền nuôi con…
Cuộc đấu khẩu kéo dài tới gần 12 giờ chưa kết thúc. Thậm chí, anh Võ còn ngắt lời chủ tọa để thuyết phục. Anh năn nỉ ít nhất cho anh nuôi con 3 năm, đến khi cháu phát triển bình thường, anh sẽ nhường lại cho chị Mai, nếu chị muốn!
Bên nào cũng cố đưa ra lý lẽ thuyết phục, nhưng dường như cả cha và mẹ cháu đều quên mất cái lý của con. Ở giai đoạn còn nhỏ, bé trai cần người có thời gian ổn định, thu nhập ổn định và biết chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, nên pháp luật quy định ở giai đoạn này, ưu tiên cho người mẹ. Còn ở giai đoạn trước dậy thì, cháu lại cần người cha hơn. Nhưng pháp luật cũng quy định, dù ai nuôi con cũng không ảnh hưởng đến quyền chăm sóc, thăm con của người kia. Nuôi con, đâu thể thỏa thuận nhường nhau đơn giản vậy, mà phải hiểu là gánh vác trách nhiệm dạy con nên người. Đó mới là yêu con.
TAM THUẬT
-------------------------
(*) Tên của nhân vật đã được thay đổi.