Phiên tòa xét xử 2 chị em bị cáo N.T.H (sinh năm 1988) và N.T.L (sinh năm 1990, cùng trú phường Vĩnh Phước, Nha Trang) về tội mua bán trái phép chất ma túy không mất nhiều thời gian xét hỏi diễn biến vụ án, bởi các bị cáo bị bắt quả tang. ...
Phiên tòa xét xử 2 chị em bị cáo N.T.H (sinh năm 1988) và N.T.L (sinh năm 1990, cùng trú phường Vĩnh Phước, Nha Trang) về tội mua bán trái phép chất ma túy không mất nhiều thời gian xét hỏi diễn biến vụ án, bởi các bị cáo bị bắt quả tang. Phiên tòa này cũng khá đặc biệt bởi suốt phiên xử, bị cáo L. chẳng nói nên lời, chỉ ú ớ ra dấu và phải… nằm hầu tòa! Nhưng những lời khai của bị cáo H. đã làm rõ cuộc đời của 2 chị em.
Ít học, không nghề nghiệp, 2 chị em lay lắt sống cùng người cha đi biển và người mẹ buôn bán vặt. Bị cáo H. khai chỉ nhớ láng máng mình học đến lớp 2, lớp 3. Hồi giờ, H. không nghề nghiệp, mãi gần khi bị bắt mới làm nghề… buôn ma túy! H. có chồng và 1 con, giờ đã 28 tháng. Buổi sáng, H. sinh con thì buổi chiều, chồng H. chết vì… ma túy!
Cuộc đời của L., qua phần “thông dịch” của H. và lời trần tình của người mẹ, còn chật vật hơn chị. Ngày sinh L., vì túng quẫn, không đủ tiền thanh toán viện phí, người mẹ phải ôm L. trốn viện, chấp nhận con không giấy chứng sinh, giấy khai sinh. Không giấy tờ tùy thân, nhà nghèo nên L. không được đi học. Lớn lên hoang dại như cây cỏ, năm 17 tuổi, L. sinh một đứa con mà chẳng biết cha nó là ai. 23 tuổi, L. lại mang thai, rồi phá thai khi được 2 tháng rưỡi. Việc phá thai chui đã khiến L. nằm một chỗ từ đó.
Nghe mấy người xúi bán ma túy sẽ có tiền mua sữa cho con, mua thuốc cho L., H. làm theo chẳng chút đắn đo và còn rủ L. cùng tham gia. H. nghĩ, L. cứ nằm đó, phải có người nâng lên đặt xuống, có tiền sẽ đỡ khổ nên H. phải giúp L.!
Nhưng cách giúp của H. cũng lạ: H. ẵm L. ra đường, đặt nằm chỗ mát, lấy tép ma túy bỏ vào tay em và núp ở gần đó. Khách cần ma túy, H. chỉ tới lấy từ tay L. rồi để tiền lại. H. chạy lại lấy tiền rồi nhét tép ma túy mới vào tay em… Cứ vậy, tiền bán ma túy được ngày nào mua thuốc, mua sữa ngày đó. Bỏ ra 1 triệu đồng, nếu bán trót lọt hết 15 tép, 2 chị em lời 500.000 đồng.
Tòa chất vấn: Tại sao bị cáo không nghĩ đến tương lai của mình và con mình? Không lao động, không thu nhập hợp pháp, sau này con cũng không được học, lại vào vòng luẩn quẩn phạm tội. Đã vậy còn đẩy em mình vào con đường phạm tội, trong khi em mình như vậy? H. trả lời “hồn nhiên”: Bị cáo núp vì còn phải ẵm con! L. cũng hiểu bán như vậy để có tiền mua thuốc cho nó! Dạo đầu L. còn nói được, còn bảo khách đưa 200.000 đồng thì được 2 tép!
Nghe vị chủ tọa nghiêm khắc hỏi, phải vào tù, bị cáo có suy nghĩ gì; ra tù, không nghề nghiệp, liệu có phạm tội nữa, H. lại “hồn nhiên” nói đang nghĩ ở tù vậy biết lấy ai nuôi con (!?), nhưng bị cáo cũng sợ rồi, không dám phạm tội nữa.
Kết luận giám định pháp y tâm thần cho thấy trước, trong, sau khi phạm tội và hiện tại, L. bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, do đó không đủ điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự. Án đã tuyên cho cả 2 chị em, nhưng hầu hết người dự đều chắc chắn quá trình chấp hành án của L. sẽ gian nan khi mà L. không thể tự phục vụ nhu cầu tối thiểu của bản thân. Người dự trách người chị đẩy em vào tù; trách cha mẹ họ mải lo cơm áo gạo tiền mà thiếu chỉ bảo, để các con sống lay lắt, không việc làm, không tấm chồng tử tế… Rồi đây, 2 chị em vào tù, cha mẹ họ lại phải chăm con của cả hai. Liệu cha mẹ họ có vì túng nghèo mà buông lơi bảo ban 2 cháu? Và cuộc đời 2 đứa cháu sẽ ra sao, khi ông bà ngày một già?
TAM THUẬT