Bị cáo Đỗ Nhật Duy (sinh năm 1990, trú xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) bị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản, nhưng sau đó, hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ vì còn nội dung chưa rõ.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt hơn 4,89 tỷ đồng
Theo cáo trạng, năm 2017, một công ty dịch vụ tin học có trụ sở chính tại TP. Hà Nội thành lập chi nhánh tại TP. Nha Trang. Duy được bổ nhiệm làm trưởng phòng kinh doanh dịch vụ của chi nhánh, được ủy quyền ký tên, đóng dấu vào các hợp đồng bán hàng hóa, dịch vụ giá trị đến 100 triệu đồng tại chi nhánh.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, từ tháng 2 đến hết tháng 8-2020, Duy đã yêu cầu nhân viên dưới quyền lập khống nhiều hóa đơn giá trị gia tăng mua bán hàng hóa (chủ yếu laptop, điện thoại Iphone…) với 48 đơn vị, nhưng thực tế không có giao dịch mua bán. Sau đó, Duy lấy số hàng đã xuất trên hóa đơn bán cho các đơn vị khác dưới giá vốn và thu tiền mặt. Số hàng này được chi nhánh tổng hợp trong bảng tổng hợp công nợ khách hàng (gồm 86 bộ hồ sơ).
Trong khoảng thời gian trên, Duy yêu cầu Phạm Thị Trúc Tranh (kế toán kiêm thủ kho) phải báo cho Duy số hàng nhập về kho công ty, rồi Duy điều động nhân viên đi giao hàng. Duy còn yêu cầu Tranh giao chìa khóa kho để Duy trực tiếp vào kho lấy hàng khi cần và bán dưới giá vốn, thu tiền mặt. Biên bản công nợ gửi đến chi nhánh cũng phải thông qua Duy, không được gửi trực tiếp về bộ phận kế toán tổng công ty. Số hàng hóa này, Duy chưa kịp xuất khống hóa đơn và đã được chi nhánh tổng hợp trong bảng danh sách hàng hóa tổn thất (gồm 27 bộ hồ sơ). Duy mang bán hàng cho 2 cửa hàng điện thoại di động ở TP. Nha Trang do Trần Tuấn Hùng, Bùi Ngọc An làm chủ, nhưng không có giấy tờ, thanh toán bằng chuyển khoản, hoặc trả tiền mặt.
Hội đồng xét xử công bố quyết định trả hồ sơ. |
Quá trình điều tra, Duy khai nhận, toàn bộ tiền bán hàng Duy đều nộp về công ty để thanh toán cho các đơn hàng mà Duy đã xuất khống trước năm 2020 để mua hàng tự doanh, chi trả vận chuyển, mua sắm trang thiết bị cho chi nhánh, trả lương nhân viên tự tuyển dụng, ngoại giao, thuê dịch vụ cài đặt, quảng cáo marketing, vật tư… nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng từ chứng minh.
Xác minh tại 48 đơn vị mà Duy xuất hóa đơn khống, chỉ 3 công ty thực tế có mua hàng với số tiền gần 248 triệu đồng. Xác minh tại công ty, năm 2020, Duy và Tranh đã chuyển vào tài khoản công ty hơn 8,2 tỷ đồng, gồm 91 khoản, nhưng không khoản nào thanh toán cho các đơn hàng trong bảng tổng hợp công nợ khách hàng và bảng danh sách hàng hóa tổn thất, mà chỉ thanh toán cho các đơn hàng khác công ty xuất bán, thu tiền và đã tất toán toàn bộ hồ sơ. Toàn bộ chi phí mua hàng, tài sản, phục vụ hoạt động kinh doanh của chi nhánh đều được chi từ nguồn vốn công ty, có hóa đơn chứng từ. Như vậy, tổng số tiền Duy chiếm đoạt của chi nhánh là hơn 4,89 tỷ đồng. Duy đã nộp khắc phục 15 triệu đồng.
Qua điều tra cũng xác định, không đủ căn cứ xác định Tranh đồng phạm giúp sức cho Duy, không đủ căn cứ xem xét Hùng, An về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Số tiền 273 triệu đồng Hùng khai chuyển cho Duy để đặt cọc mua điện thoại và số tiền 660 triệu đồng An khai nhiều lần đặt cọc để mua điện thoại nhưng Duy không giao hàng, đây là tranh chấp quan hệ dân sự, không có dấu hiệu tội phạm.
Yêu cầu làm rõ thêm một số nội dung
Ngày 26-9, sau khi xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh quyết định trả hồ sơ, yêu cầu định giá tài sản để xác định giá trị hàng hóa tại thời điểm Duy chiếm đoạt, bởi Duy lấy hàng của công ty bán mà không xuất hoặc xuất hóa đơn khống, không có phiếu xuất kho, không nộp tiền cho công ty, nhưng kết luận điều tra và cáo trạng đều căn cứ vào thời điểm nhập hàng để xác định thiệt hại mà không định giá tại thời điểm phạm tội. Hội đồng xét xử cũng yêu cầu xác định giá trị mỗi lần bị cáo chiếm đoạt và thực hiện bao nhiêu lần, bởi cáo trạng xác định bị cáo phạm tội nhiều lần. Đồng thời, cần xác minh hiện tại bị cáo có tài sản gì để đảm bảo bồi thường dân sự hay không; xác minh các giao dịch bị cáo dùng tiền do phạm tội mà có thực hiện.
Đối với Tranh, quá trình làm việc đã giao chìa khóa để Duy lấy hàng mà không theo dõi, giúp Duy hợp thức hóa sổ sách mỗi khi kiểm kê kho định kỳ, từ đó Duy thuận lợi chiếm đoạt tài sản của công ty, vi phạm chính sách quản lý tài sản mà mình phụ trách. Hội đồng xét xử yêu cầu bổ sung quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động, phân công nhiệm vụ cho Tranh tại công ty và xem xét, làm rõ hành vi của Tranh để không bỏ lọt tội phạm.
Hùng và An biết Duy là trưởng phòng kinh doanh, bán hàng cho công ty, khi bán hàng phải có hóa đơn, nhưng thường xuyên mua hàng của Duy với giá rẻ mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; bán lại cho khách cũng không xuất hóa đơn. Do đó, tòa yêu cầu làm rõ hành vi trên có hay không dấu hiệu tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, hoặc tội trốn thuế, để không bỏ lọt tội phạm.
Hội đồng xét xử cũng yêu cầu bổ sung quyết định bổ nhiệm hoặc quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động của giám đốc chi nhánh để làm rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của người này khi để Duy chiếm đoạt tài sản của công ty.
NGUYỄN VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin