Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC02), Công an tỉnh Khánh Hòa vừa phát hiện quả tang tài xế xe bồn chở xăng dầu có hành vi sang chiết xăng, dầu bán lại cho người dân. Mở rộng điều tra, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra nhiều địa điểm có dấu hiệu thu mua xăng, dầu từ các xe bồn để bán lại.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC02), Công an tỉnh Khánh Hòa vừa phát hiện quả tang tài xế xe bồn chở xăng dầu có hành vi sang chiết xăng, dầu bán lại cho người dân. Mở rộng điều tra, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra nhiều địa điểm có dấu hiệu thu mua xăng, dầu từ các xe bồn để bán lại.
Sang chiết, mua bán xăng dầu trái phép
Theo lực lượng chức năng, từ đầu mối tài xế xe bồn chở xăng dầu có hành vi sang chiết xăng, dầu bồn chứa (phát hiện vào cuối tháng 3), tổ công tác đã mở rộng điều tra và kiểm tra 3 hộ trên đường Lê Hồng Phong (phường Phước Long, TP. Nha Trang), 1 hộ ở đường Phan Văn Trị và 1 hộ ở đường Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). Tại thời điểm kiểm tra, 5 hộ trên đều dùng nhiều loại vật liệu như: thùng phuy, can nhựa, bồn chứa để chứa xăng dầu. Tổng số lượng xăng dầu và dụng cụ chứa xăng dầu được phát hiện gồm: 19 thùng phi sắt loại 200 lít, 56 can nhựa các loại chứa tổng cộng khoảng 1.600 lít xăng và 3.320 lít dầu. Tổng số dụng cụ rỗng được sử dụng để thu mua xăng dầu gồm: 10 thùng phi sắt loại 200 lít, 142 can nhựa các loại, 2 bồn loại 1.000 lít và 3.000 lít. Cả 5 chủ hộ đều thừa nhận không có giấy phép đăng ký kinh doanh xăng dầu cũng như các giấy tờ đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này theo quy định của pháp luật.
Một chủ hộ ở đường Lê Hồng Phong cho biết, họ thường đến đường Tô Hiệu để mua xăng rồi chở về nhà; ngoài ra, cũng có trường hợp tài xế xe bồn khi lái xe vận chuyển xăng trên đường đã dừng tại nhà người dân bán lại xăng đã được sang chiết sẵn vào các can nhựa. Giá xăng mua là 13.000 đồng/lít và bán lại cho người dân đến nhà mua trực tiếp là 14.000 đồng/lít, phần lớn là bán cho người dân có ghe thuyền đi biển. Mở rộng điều tra, một số tài xế xe bồn thuộc các công ty xăng dầu lớn cho hay, lợi dụng việc giãn nở xăng dầu trong quá trình vận chuyển, các tài xế sang chiết xăng dầu từ xe bồn ra các can nhựa loại 30 - 50 lít, sau đó bán lại cho các đầu nậu đến thu mua. Việc làm trên do các tài xế tự ý thực hiện, chủ doanh nghiệp không biết, không chỉ đạo.
Theo Nghị định 67/2017 của Chính phủ, trường hợp được bán xăng dầu qua thùng can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác là thương nhân, hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó. Vì vậy, các hộ trên đã vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu. Tổ công tác đã đề xuất xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ. Đồng thời, làm việc với chủ doanh nghiệp xăng dầu để thông báo về tình trạng chiết xuất bán xăng dầu trái phép của các tài xế và đề nghị chủ doanh nghiệp chấn chỉnh, yêu cầu các tài xế cam kết không tiếp tục thực hiện hành vi. Riêng các tài xế bị phát hiện quả tang về hành vi trên tại thời điểm kiểm tra, đề xuất xử phạt hành chính. Cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt hành chính 7 cá nhân với mức phạt 1,5 triệu đồng/người. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 21-5, 1 cơ sở trên đường Lê Hồng Phong vẫn tái diễn hành vi vi phạm.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Ông Nguyễn Hoàng Quy - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, các điều kiện về kinh doanh xăng dầu được quy định tại Nghị định 83/2014 và được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 08/2019 của Chính phủ. Theo đó, những trường hợp được kinh doanh xăng dầu gồm: Đại lý, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền kinh doanh xăng dầu, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo thiết kế xây dựng đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Đối với người hoạt động trong cửa hàng xăng dầu, người quản lý và người bán hàng trực tiếp phải được tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và được cấp chứng chỉ. Những tổ chức, cá nhân bán lẻ dưới hình thức trụ bơm mini, chai lọ đều là hành vi kinh doanh trái pháp luật. Về hoạt động kinh doanh xăng dầu, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thường xuyên giám sát, kiểm tra, tuyên truyền pháp luật đến các tổ chức, cá nhân về việc tuân thủ pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số cá nhân lén lút kinh doanh trái phép, tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ, không đảm bảo môi trường. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm này được quy định tại Nghị định 67/2017 của Chính phủ với mức xử phạt rất nặng.
Thực tế, việc kinh doanh xăng dầu trái phép đã tồn tại thời gian dài, liên quan đến thu nhập hàng ngày của nhiều hộ nên việc tái diễn hoạt động này là có thể xảy ra, đặc biệt rộ lên trong thời gian gần đây do giá xăng dầu giảm. Không những vậy, các địa điểm kinh doanh này thường nằm trong khu vực đông dân cư, gần trường học, có địa điểm hẻm vào nhỏ hẹp nên nguy cơ thiệt hại về người và tài sản là rất lớn nếu có rủi ro cháy nổ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm đối với chủ hộ vẫn tiếp tục tích trữ, kinh doanh mua bán mặt hàng xăng dầu không đúng quy định của pháp luật.
N.D - M.H