Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh vừa tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ án tranh chấp di sản thừa kế ở Nha Trang do có sai sót trong cách đánh giá.
Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh vừa tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ án tranh chấp di sản thừa kế ở Nha Trang do có sai sót trong cách đánh giá.
Kháng cáo bản án sơ thẩm
Hồ sơ thể hiện, cha mẹ bà N.T.L. (trú TP. Nha Trang) có 8 người con. Năm 1992, cha bà L. mất không để lại di chúc. Năm 2010, mẹ bà L. mất để lại di chúc lập ngày 8-3-2007, cho bà L. hưởng toàn bộ phần di sản của mẹ bà trong khối di sản chung với cha bà. Khối di sản chung là nhà đất diện tích hơn 130m2 tại TP. Nha Trang, đã được cấp giấy chứng nhận, hiện bà L. và anh trai N.V.T quản lý sử dụng. Bà L. đã đề nghị ông T. giao lại nhà đất cho bà, nhưng ông này không đồng ý. Năm 2014, tất cả anh em lập biên bản thỏa thuận, ủy quyền cho người anh N.V.Th đứng ra giao dịch mua bán, nhưng việc mua bán không thành. Tháng 10-2015, bà L. khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc ngày 8-3-2007.
Quá trình tranh tụng, ông T. không thừa nhận người mẹ mất có để lại di chúc, hoặc nếu có thì di chúc này cũng không hợp pháp. Ông và các anh em đã thống nhất không chia di sản, mà để bán rồi mới phân chia. Nếu phải chia, ông yêu cầu căn cứ biên bản thỏa thuận lập năm 2014. Ông Th. lại cho biết, ông đang giữ bản di chúc của người mẹ lập ngày 27-7-2007. Theo đó, phần di sản của người mẹ giao cho ông Th. và bà L. Ông đề nghị tòa để anh em ông tiếp tục thực hiện thỏa thuận năm 2014. Nếu bà L. đòi chia di sản, yêu cầu tòa căn cứ di chúc lập ngày 27-7-2007 để hủy bỏ di chúc lập ngày 8-3-2007; ông không yêu cầu tòa giải quyết đối với di chúc lập ngày 27-7-2007. Các anh em còn lại đề nghị tòa chia phần di sản của mẹ họ theo di chúc ngày 8-3-2007 và chia cho bà L. theo quy định pháp luật.
Ngày 18-7-2017, Tòa án nhân dân TP. Nha Trang tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L. và yêu cầu bà L. nộp án phí. Ngày 20-7-2017, bà L. và 2 chị em khác kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm và hủy bản án này. Bà L., 2 người chị em và luật sư bảo vệ cho họ đều cho rằng, tòa cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền vì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông N.V.Q định cư ở Mỹ. Ông T. đã yêu cầu tòa nếu phân chia di sản thì căn cứ biên bản thỏa thuận lập năm 2014 nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ yêu cầu này; cũng không quyết định di chúc nào có, di chúc nào không có hiệu lực pháp luật.
Nhiều sai sót
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, người cha của các đương sự mất không để lại di chúc. Người mẹ mất để lại 2 bản di chúc lập ngày 8-3-2007 và ngày 27-7-2007 về cùng một căn nhà, đất tại Nha Trang. Di chúc ngày 27-7-2007 của người mẹ định đoạt toàn bộ khối tài sản chung, do đó, nội dung định đoạt đối với phần tài sản của người cha không phát sinh hiệu lực; nhưng phần định đoạt tài sản của người mẹ vẫn phát sinh hiệu lực. Đây là bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật. Di chúc ngày 8-3-2007 bị hủy bỏ, nhưng cấp sơ thẩm không tuyên hủy. Di chúc ngày 27-7-2007 có hiệu lực pháp luật nhưng cấp sơ thẩm không chia di sản thừa kế theo di chúc này là sai lầm về đường lối xét xử, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bởi việc chia di sản thừa kế của bà mẹ theo di chúc nào do hội đồng xét xử quyết định, không phụ thuộc vào yêu cầu của đương sự.
Ngoài ra, tại thời điểm cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản của người cha trong khối tài sản chung đã hết thời hiệu. Nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo đó, thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế đối với bất động sản. Do đó, phần tài sản của người cha để lại trong khối tài sản chung vẫn còn thời hiệu khởi kiện. Trong bản tự khai, ông Th. đã yêu cầu chia di sản của người cha; ông T. yêu cầu chia di sản của cha và mẹ theo thừa kế không có di chúc, nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ yêu cầu của những người thừa kế theo pháp luật để xem xét, giải quyết là chưa triệt để.
Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà L. nhưng lại buộc bà này phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là không đúng quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án. Vì vậy, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý giải quyết.
Về kháng cáo giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền, cấp phúc thẩm cho rằng, nguyên đơn, các bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều cư trú tại Việt Nam; tài sản tranh chấp cũng ở Nha Trang. Sau khi bà L. khởi kiện, ngày 11-12-2015, cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. 1 ngày sau, ngày 12-12-2015, ông N.V.Q ủy quyền cho một người đang ở Việt Nam tham gia tố tụng, sau đó xuất cảnh, định cư tại Mỹ, nên tòa cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án là đúng quy định.
BÌNH LÂN