(Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “70 năm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn” của đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa ngày 19-4-2023)
. Kính thưa PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao
. Kính thưa Thượng tướng PGS, TS, AHLLVTND Võ Tiến Trung, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân uỷ Trung ương, Nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng;
. Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, các tướng lĩnh, các nhà khoa học, các vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí!
Cách đây 70 năm, ngày 20 tháng 4 năm 1953, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Khánh Hòa, sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương, Tiểu đoàn 59 - Bộ đội chủ lực Liên khu 5 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu trực tiếp chỉ huy đã giành thắng lợi lớn trong trận chiến đấu chống càn của địch tại Vườn Gòn - Đá Bàn, tiêu diệt hơn 1 đại đội lính Âu, Phi - lính nhà nghề thiện chiến trong đội quân viễn chinh của Pháp lúc bấy giờ; thu 1 đại liên, hơn 100 súng các loại cùng các trang bị khác của địch. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã đập tan ý đồ của thực dân Pháp nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta và phá hoại căn cứ cách mạng của tỉnh.
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã đi vào trang sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Khánh Hoà, tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần cách mạng tiến công của quân và dân toàn tỉnh. 70 năm cũng là mốc thời gian để chúng ta cùng nhìn lại, tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn và khẳng định chủ trương đúng đắn trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương trên chiến trường Nam Trung Bộ, vai trò xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Thiết thực kỷ niệm 70 năm chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, hôm nay tại Thành phố biển Nha Trang, Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “70 năm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (20/4/1953 -20/4/2023) - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo; tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử, các cựu chiến binh; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội, các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương cùng toàn thể các đồng chí có mặt tham dự buổi Hội thảo khoa học đầy ý nghĩa này.
Kính thưa các đồng chí!
Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự; nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, cửa ngõ của Tây Nguyên xuống đồng bằng, có sân bay và nhiều cảng biển quan trọng. Vì vậy, thực dân Pháp đã xây dựng nơi đây nhiều căn cứ quân sự, tập trung lực lượng, với trang thiết bị, vũ khí hiện đại nhằm khống chế khu vực quan trọng này, đồng thời tiêu diệt lực lượng cách mạng, củng cố ách thống trị của chúng lên đất nước ta.
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn ngày 20/4/1953 để lại dấu ấn quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Khánh Hòa; khẳng định sự phát triển vượt bậc trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực Liên khu 5, chỉ với một lực lượng nhỏ đã đánh thắng cả một trung đoàn địch mạnh về quân số và hỏa lực; khẳng định sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn, sự chỉ đạo sáng suốt của cấp ủy và vai trò của lực lượng vũ trang địa phương tham gia trận đánh; là biểu tượng về tinh thần khắc phục khó khăn, anh dũng chiến đấu, giành chiến thắng của quân và dân Khánh Hòa nói riêng, quân và dân Liên khu 5 nói chung. Thắng lợi đó đã tăng thêm sức mạnh chiến đấu, ý chí quyết tâm cho quân và dân ta tiếp tục tiến công địch giành những thắng lợi lớn hơn, đưa cuộc kháng chiến đi đến thành công, để lại nhiều kinh nghiệm về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn cũng vinh danh những chiến sĩ anh hùng, trong đó có đồng chí Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 - Nguyên chiến sĩ du kích Ba Tơ anh hùng. Ông là người chỉ huy mưu trí, sáng tạo, anh dũng, gan dạ trong chiến đấu, gần gũi thương yêu cấp dưới, gắn bó máu thịt với nhân dân và tôn trọng sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Ông đã chỉ huy Tiểu đoàn 59 đánh thắng hàng trăm trận, có những chiến công đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam và lịch sử đảng bộ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với những trận chiến tiêu biểu như: trận diệt cứ điểm Lệ Sơn năm 1952, trận diệt cứ điểm Đồn Nhất năm 1952 tại đỉnh đèo Hải Vân; trận diệt cứ điểm Thượng An năm 1953 tại An Khê, Gia Lai; trận chống càn Vườn Gòn - Đá Bàn ngày 20/4/1953 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa; trận diệt cứ điểm Kon Braih năm 1954 tại Kon Rẫy, Kon Tum…
Kính thưa các đồng chí!
Kết quả Hội thảo khoa học hôm nay sẽ cung cấp, bổ sung những thông tin về chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 59 và nhiệm vụ xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh ngoan cường, tưởng nhớ đến những cán bộ, chiến sĩ đã can đảm chiến đấu, anh dũng hi sinh cho thắng lợi vẻ vang của trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập tự chủ và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Khánh Hòa xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị, với mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, nơi Nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc.
Với ý nghĩa đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học “70 năm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (20/4/1953 -20/4/2023) - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, quý vị khách mời mạnh khoẻ và hạnh phúc!
Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin