Ngày 19-4, Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “70 năm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (20-4-1953 - 20-4-2023) - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thiếu tướng Cao Phi Hùng - Phó Tư lệnh Quân khu 5 đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các ông: Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, cùng các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh.
Dấu ấn thế trận chiến tranh nhân dân
Tại hội thảo, các đại biểu đã ôn lại những chiến công của Tiểu đoàn 59 (thuộc Trung đoàn 803) trên đất Khánh Hòa, trong đó có chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn; tập trung phân tích nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử. Thiếu tướng Cao Phi Hùng khẳng định, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn ngày 20-4-1953 để lại dấu ấn quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Khánh Hòa; khẳng định sự phát triển vượt bậc về trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực Liên khu 5, sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn, sự chỉ đạo sáng suốt của cấp ủy và vai trò của lực lượng vũ trang địa phương tham gia trận đánh... Thắng lợi đó đã tăng thêm sức mạnh chiến đấu, ý chí quyết tâm cho quân và dân ta tiếp tục tiến công địch giành những thắng lợi lớn hơn, đưa cuộc kháng chiến đi đến thành công, để lại nhiều kinh nghiệm về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ông Nguyễn Hòa Bình tặng quà cho các cựu binh Tiểu đoàn 59 và các nhân chứng lịch sử. |
Đồng quan điểm, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là một chiến thắng vang dội trên địa bàn cực Nam Trung Bộ, khẳng định bộ đội chủ lực của ta có thể đánh bại chủ lực Pháp, khẳng định hiệu quả của chiến tranh nhân dân trước kẻ thù dù chúng có lực lượng mạnh, đông, được trang bị vũ khí hiện đại đến đâu chăng nữa.
Tiến sĩ Hồ Hải Hưng - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn không chỉ là một thắng lợi về quân sự thuần túy, mà còn mang ý nghĩa lịch sử và tinh thần. Đây là một trong những trận đánh mà bộ đội ta đã thực hiện được một kịch bản phản công khá hoàn hảo, đầy tính chiến lược và sáng tạo. Đồng thời, chiến thắng này cũng là một minh chứng cho tính quyết đoán của Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59 và tinh thần quyết đánh, quyết thắng, sự hy sinh quả cảm của bộ đội ta. Trận Vườn Gòn - Đá Bàn đã đánh dấu chấm hết cho thời kỳ “làm mưa, làm gió” của quân Pháp trên chiến trường Khánh Hòa. Ngược lại, với quân và dân Khánh Hòa nói riêng, lực lượng vũ trang Liên khu 5 nói chung, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã mang lại cho họ niềm tin và khí thế tiến công mới, sẵn sàng bước vào những trận đánh mới để kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nghệ thuật quân sự độc đáo
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ hơn nét nghệ thuật quân sự riêng biệt của Tiểu đoàn 59 được áp dụng trong thực tiễn chiến đấu tại chiến trường Khánh Hòa; khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đối với sự phát triển, trưởng thành của Tiểu đoàn 59, cũng như trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn. Đó là việc phát triển và vận dụng sáng tạo kế sách “Vườn không, nhà trống” của cha ông, linh hoạt thay đổi thế trận từ bị động sang chủ động; dựa vào địa hình có lợi, tạo lập thế trận để “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”… tạo nên chiến công vang dội. “Mặc dù đã qua 70 năm, chiến thắng lẫy lừng mang tên Vườn Gòn - Đá Bàn vẫn còn nguyên giá trị, là một trong những trận đánh được quân đội ta đưa vào học viện, nhà trường để nghiên cứu, học tập. Chiến thắng này cho thấy người chỉ huy đã vận dụng tốt nghệ thuật quân sự qua cách đánh giặc truyền thống của cha ông ta là “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, "dựa vào dân giành chiến thắng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thượng tướng Võ Tiến Trung - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng chia sẻ.
Đại diện gia đình ông Nguyễn Lựu - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 trao kỷ vật cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa. |
Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn chứng tỏ sự tiến bộ trưởng thành của người chỉ huy và vai trò công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội ta, đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, cấp dưới tin tưởng cấp trên, cán bộ, chiến sĩ đoàn kết một lòng và cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu. 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại trận này hầu hết là đảng viên, cán bộ từ tổ trưởng trở lên và đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho rằng, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là một trong những chiến công tiêu biểu của Tiểu đoàn 59, là sự đánh dấu bước phát triển khả năng tác chiến của đơn vị, đặc biệt là khả năng chỉ huy, hợp đồng chiến đấu của Ban Chỉ huy Tiểu đoàn dưới sự chỉ đạo của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu. Trận đánh này cũng để lại những bài học có giá trị vận dụng cho công cuộc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, nội dung trọng tâm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trực tiếp nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nhiều nội dung, từ đó làm nổi bật ý nghĩa chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn. Trong đó, các tham luận đã nêu bật thắng lợi này có được là nhờ công tác phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy địa phương và Đảng ủy Liên khu 5, từ đó chỉ đạo Tiểu đoàn 59 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Tiểu đoàn 59 về Khánh Hòa chiến đấu cũng huấn luyện, củng cố, nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang Khánh Hòa, góp phần đáp ứng nhiệm vụ trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, Tiểu đoàn 59 đã phối hợp với lực lượng địa phương tiêu diệt nhiều tháp canh, từ đó vực dậy phong trào đấu tranh cách mạng, phá vỡ sự kìm kẹp của kẻ địch tại Khánh Hòa. Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết, tỉnh đã xây dựng Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn. Thời gian tới, tỉnh sẽ nghiên cứu đưa các bài học về chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương, nghiên cứu xây dựng các tour du lịch về nguồn đối với địa danh lịch sử này.
Sau khi một loạt tháp canh ở Ninh Hòa bị tiêu diệt, ngày 18-4-1953, quân Pháp huy động khoảng 4.000 quân, có máy bay, pháo yểm trợ đánh lên căn cứ Đá Bàn nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Để đối phó với địch, quân ta đã chôn giấu chông, mìn để làm chậm tốc độ tiến quân của địch, bố trí số ít lực lượng đánh nhỏ lẻ. Tiểu đoàn 59 có thêm bộ đội địa phương dẫn đường đã bí mật di chuyển lực lượng tổ chức phục kích địch tại Vườn Gòn để chặn đánh khi địch rút quân. Chiều 20-4-1953, địch rơi vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 59, bị thiệt hại nặng nề. Hơn 400 quân địch đã bị ta tiêu diệt. Quân ta thu 1 khẩu đại liên, hàng trăm súng các loại, nhưng cũng có 14 đồng chí hy sinh.
Tại hội thảo, các cựu binh Tiểu đoàn 59 và gia đình đồng chí Nguyễn Lựu đã tặng nhiều hiện vật để trưng bày tại phòng truyền thống của Tiểu đoàn 59 tại Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn.
XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin