"Quyền được cung cấp thông tin chính xác và bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số" là chủ đề ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15-3 năm nay.
“Quyền được cung cấp thông tin chính xác và bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng (NTD) trong thời đại kỹ thuật số” là chủ đề ngày Quyền của NTD thế giới 15-3 năm nay.
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Chủ đề trên được Hội bảo vệ NTD Việt Nam đưa ra xuất phát từ thực tế tình trạng vi phạm quyền lợi của NTD thông qua các phương tiện kỹ thuật số như: Internet, điện thoại di động... ngày càng phổ biến.
Sự nở rộ của thương mại điện tử khiến việc mua sắm trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Chỉ ngồi một chỗ, lướt khắp các gian hàng chọn sản phẩm phù hợp, nhấp chuột hoặc nhấc điện thoại đặt hàng, sẽ có người giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, đây cũng là hình thức mua bán tiềm ẩn nhiều rủi ro khi những thông tin về hàng hóa không được kiểm chứng.
Một tin nhắn chào bán sim điện thoại. |
Thấy trên website enbac.com có topic (chủ đề) rao bán áo khoác Hàn Quốc mẫu mã đẹp, giá chỉ 290.000 đồng, chị Nguyễn Thị Nhung (đường Lý Nam Đế, Nha Trang) liên hệ với chủ topic là Đ.L.Quyên để đặt hàng. Nhung cẩn thận hỏi kỹ xem sản phẩm có đúng như hình hay không, rồi đọc các comment (bình luận) của khách hàng khác và không thấy có ai phàn nàn gì. Vậy nhưng chuyển tiền xong, Nhung đợi 3 ngày vẫn chưa thấy hàng về như đã hẹn. Gọi điện cho người bán, Nhung nhận được câu trả lời là do trục trặc khâu vận chuyển, kèm theo lời hứa “sẽ sớm gửi hàng”. 2 tuần sau hàng mới về đến tay, nhưng không phải là chiếc áo đẹp như hình ảnh trên mạng. “Chất liệu thì nhăn nhúm, đường may cẩu thả, màu áo cũng không giống như hình đăng tải. Tôi nghi ngờ đây là hàng do họ copy mẫu về rồi may nhái theo. Gọi cho người bán, họ cam đoan là vải nhập từ Hàn Quốc. Chưa kịp hỏi thêm thì đầu dây đã cúp máy. Những lần sau tôi gọi nhưng không có người nghe máy” - chị Nhung bức xúc.
Mạng xã hội facebook hiện cũng là một kênh mua bán khá sôi động, nhưng độ tin cậy thì vẫn còn là một dấu hỏi. Trần Thị Thu T. (đường Đoàn Trần Nghiệp, Nha Trang) kể, lang thang trên facebook thấy trang của L.N có tới hơn 1.000 bạn bè, thường xuyên đăng tải hình ảnh của chủ nhân với vẻ ngoài xinh đẹp, làn da trắng bóc, kèm theo các dòng quảng cáo sản phẩm kem làm trắng da tự chế. L.N cam đoan hàng chiết xuất từ bột yến mạch, bột ngọc trai, “tuyệt đối an toàn”. Tràn ngập facebook của L.N là những lời khen ngợi như: “Em nhận được hàng, mới dùng lần đầu mà ưng lắm chị ạ”, “Hiệu quả thấy rõ, chừng nào dùng hết phải đặt mua tiếp thôi”... Chỉ sau khi bỏ 900.000 đồng mua một hộp kem về dùng rồi bị dị ứng thì T. mới biết mình bị lừa.
Nguyễn Ngọc Oanh, người đang sở hữu gian hàng ảo trên enbac.com và facebook cho biết, kinh doanh qua mạng tiện ở chỗ không phải thuê mặt bằng, nhân viên, chỉ cần vài thao tác là có thể lập được một gian hàng. Một số trang mạng yêu cầu chi phí để lập khoảng vài chục ngàn đồng, nếu thuê gian hàng VIP thì giá lên tới vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng, thời gian hoạt động 1 năm, rẻ hơn nhiều so với thuê gian hàng thật.
Gọi điện, mời mọc mua hàng
Gần đây, ông Phạm Thanh Châu (đường Lý Thánh Tôn, Nha Trang) thường xuyên nhận được các cuộc gọi mời mua hàng từ các cửa hàng điện máy, công ty bán hàng trả góp. Người gọi điện thường cho biết ông là “khách hàng tiềm năng”, sẽ được nhận nhiều “ưu đãi hấp dẫn” khi mua hàng. Tuy ông chưa từng nghe tên các cửa hàng này, cũng không quen biết nhân viên ở đó nhưng tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc của ông thì họ lại rất rành. Ông Châu cho biết: “Tôi hỏi tại sao họ lại có thông tin của mình thì nhân viên nói bên họ có bộ phận chuyên thu thập thông tin khách hàng. Thỉnh thoảng, tôi có ghi một số thông tin cá nhân trong phiếu bảo hành hay hóa đơn mua hàng ở một số nơi. Không biết có phải các cửa hàng trao đổi thông tin khách hàng cho nhau hay không?”. Còn bà Trần Thị Hồng (đường 23-10, Nha Trang) thì không ít lần bị quấy rầy vì tin nhắn trên điện thoại từ các số lạ. Hết chào bán nhà đất, bán hàng trả góp không lãi suất, bán sim số đẹp cho đến tin nhắn báo trúng thưởng iPad, xe hơi..., yêu cầu bà gọi điện hoặc soạn tin nhắn để biết thêm chi tiết. Bà Hồng thắc mắc, không biết từ đâu mà nhiều người lạ lại biết số điện thoại của bà.
Theo bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định, một trong những quyền của NTD là được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Bên bán chỉ được chuyển giao thông tin của NTD cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của NTD. Đối với các cá nhân, doanh nghiệp lập website bán hàng thì bắt buộc phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, nếu không sẽ bị xử phạt từ 10 đến 100 triệu đồng. Quy định là thế nhưng với sự nở rộ các loại hình kinh doanh hiện nay thì việc quản lý còn nhiều bất cập.
Trước thực trạng trên, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có biện pháp hữu hiệu để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp NTD yên tâm tận hưởng những tiện ích mua sắm trong thời đại kỹ thuật số.
V.T