Ngày 26-3-2023 đánh dấu mốc quan trọng của hành trình 35 năm thành lập, xây dựng và phát triển của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), khẳng định vị thế ngân hàng thương mại hàng đầu trong nước với uy tín thương hiệu và sứ mệnh phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn được hàng triệu khách hàng tin tưởng, gắn bó.
Ngày 26-3-2023 đánh dấu mốc quan trọng của hành trình 35 năm thành lập, xây dựng và phát triển của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), khẳng định vị thế ngân hàng thương mại hàng đầu trong nước với uy tín thương hiệu và sứ mệnh phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn được hàng triệu khách hàng tin tưởng, gắn bó.
Tự hào những chặng đường phát triển
Ngày 26-3-1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 53/HĐBT về “Thành lập Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam”. Đây là sự kiện đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng của ngành Ngân hàng Việt Nam, hình thành hệ thống các ngân hàng chuyên doanh thực hiện các chức năng kinh doanh của ngân hàng thương mại với các nguyên tắc hạch toán kinh tế.
Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-1988 với mạng lưới các chi nhánh trải rộng trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp tỉnh Phú Khánh được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-9-1988. Tháng 7-1989, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp tỉnh Phú Khánh chia tách thành Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp tỉnh Phú Yên và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1990, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Ngày 1-1-1991, chi nhánh đổi tên thành Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 603/NH.QĐ ngày 22-12-1990 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Vượt qua những khó khăn chồng chất của những năm đầu (giai đoạn 1988 - 1994), đến cuối năm 1995, Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đã từng bước khẳng định vị thế và vai trò của một ngân hàng thương mại nhà nước có uy tín cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là năm đầu tiên đánh dấu sự thành công lớn về hiệu quả kinh doanh của chi nhánh với việc thực hiện cơ chế khoán tài chính, thu nhập của người lao động được nâng cao rõ rệt so với trước.
Ngày 2-6-1998, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đổi tên thành Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa. Cùng với việc đổi tên, hoạt động của chi nhánh đã có sự thay đổi về chất, vừa kế thừa và phát huy truyền thống, vừa tạo được những yếu tố đột phá trên nhiều phương diện về năng lực tài chính, công nghệ, tổ chức, cán bộ và quản trị điều hành hướng đến chuẩn mực, thông lệ của một ngân hàng hiện đại.
Giai đoạn 1997 - 2000, hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam gia tăng nhanh về số lượng với 84 ngân hàng, trong đó có đến 51 ngân hàng thương mại cổ phần nên áp lực cạnh tranh gay gắt. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) đã triển khai hàng loạt các chính sách đổi mới và cải cách để ổn định thị phần và uy tín thương hiệu. Chi nhánh đã tập trung củng cố thị trường khu vực nông thôn, mở rộng cho vay trực tiếp đến hộ nông dân và cho vay tín chấp thông qua hình thức tổ vay vốn; đồng thời tiến hành chọn lọc, phân loại đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhà nước, chỉ đầu tư vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, chi nhánh đã từng bước mở rộng đầu tư tín dụng phục vụ xuất, nhập khẩu đi đôi với việc triển khai các sản phẩm thanh toán quốc tế và cung ứng một số sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại, nhiều tiện ích cho khách hàng. Đến cuối năm 2005, dư nợ cho vay của chi nhánh đạt 1.919 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với thời điểm năm 2001; nguồn vốn tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng bình quân 22%/năm. Doanh số thanh toán quốc tế năm 2005 đạt gần 110 triệu USD, doanh số mua bán ngoại tệ đạt 201 triệu USD/năm; doanh thu dịch vụ tăng gấp 3 lần so với năm 2001…
Năm 2006, Agribank Khánh Hòa đã triển khai thành công Chương trình “Thanh toán nội bộ và kế toán khách hàng của Agribank ” (IPCAS). Đây là chương trình được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Đây cũng là năm thứ hai triển khai nghiệp vụ thẻ tại chi nhánh, với số lượng thẻ đạt gần 11.500 thẻ. Bên cạnh đó, chi nhánh đã đẩy mạnh đầu tư lắp đặt hệ thống máy ATM tại một số huyện, thị ngoài địa bàn TP. Nha Trang. Đây là bước đột phá để tăng thị phần thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với việc triển khai các sản phẩm dịch vụ mới gia tăng từ thẻ, bắt đầu hợp tác triển khai dịch vụ thanh toán hóa đơn Billpayment với Điện lực Khánh Hòa, Viễn thông Khánh Hòa (từ năm 2010) đã góp phần tăng tiện ích cho khách hàng. Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ra đời cùng với sự ra đời của hàng loạt chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện thuận lợi để Agribank thực hiện tốt sứ mệnh phục vụ “tam nông”.
Kết thúc năm 2017, chuẩn bị cho dấu mốc kỷ niệm 30 năm thành lập, hoạt động kinh doanh của Agribank Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi với tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 11.600 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 7.067 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu 0,21%; thu dịch vụ so với tổng thu nhập ròng đạt gần 15%; chênh lệch khoán tài chính đạt hơn 346 tỷ đồng và đạt quỹ lương năng suất cao so với các năm trước. Agribank Khánh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Cờ thi đua với thành tích dẫn đầu Khối thi đua Ngân hàng Khánh Hòa.
Đẩy mạnh tái cơ cấu để phát triển ổn định, bền vững
Những năm 2018 - 2023 tiếp tục đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Agribank Khánh Hòa. Vượt qua các khó khăn, thử thách, hoạt động của Agribank Khánh Hòa đã có những bước đột phá, hiệu quả kinh doanh ngày càng được nâng cao, bảo đảm thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Agribank Khánh Hòa luôn giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng; phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mạng lưới, đồng hành với sự phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, gắn kết sự tăng trưởng của ngân hàng với các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn, chung tay góp sức với chính quyền địa phương, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Agribank Khánh Hòa tiếp tục triển khai phù hợp, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cho vay theo chuỗi liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao, tài trợ xuất nhập khẩu… Vốn đầu tư tín dụng trên địa bàn nông thôn đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; đồng thời mở rộng cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống, góp phần hạn chế “tín dụng đen” và cho vay phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch. Việc đầu tư vốn cho hộ nông dân trồng bưởi da xanh, xây dựng trang trại chăn nuôi ở Khánh Vĩnh; trồng cây sầu riêng ở Khánh Sơn; nuôi trồng, đánh bắt hải sản ở Cam Ranh, Vạn Ninh… đã góp phần tạo nên các thương hiệu giá trị được thị trường ghi nhận. Ngoài ra, việc đầu tư vốn để mở rộng nhà máy chế biến, trang bị dây chuyền công nghệ mới trong sản xuất nguyên liệu, chế biến thủy sản… cho một số khách hàng truyền thống đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm và tăng kim ngạch xuất khẩu.
Việc phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp trong công tác cho vay thông qua tổ ngày càng được củng cố về chất lượng và đạt hiệu quả cao. Để tạo điều kiện đưa nguồn vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng đến với người dân các xã vùng xa, Agribank Khánh Hòa đã mở điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại chi nhánh huyện Cam Lâm. Hoạt động của điểm giao dịch lưu động đã giảm chi phí giao dịch cho khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động cho Agribank Khánh Hòa, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực của Agribank trong việc thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với sự tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp, nguồn vốn huy động của Agribank Khánh Hòa tăng trưởng ổn định, bền vững. Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Khánh Hòa là 17.284 tỷ đồng, tăng 48,78% so với cuối năm 2017, chiếm thị phần 15,8% tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và là ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi dân cư cao nhất tỉnh; tổng dư nợ cho vay đạt 8.998 tỷ đồng, tăng 27,76% so với cuối năm 2017, chiếm 7,9% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh, nợ xấu được kiểm soát tốt với tỷ lệ 0,4% trên tổng dư nợ.
Agribank Khánh Hòa đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, cập nhật nhanh các xu hướng, công nghệ thanh toán hiện đại, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế, mang dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với người dân. Chi nhánh đã hướng khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng hiện đại trên kênh thanh toán điện tử (ATM, Mobile Banking, Internet Banking…). Việc đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ giúp khách hàng không phải đến quầy giao dịch vẫn thực hiện thanh toán nhanh trên ứng dụng đã tạo sự tin tưởng và hài lòng của khách hàng. Chi nhánh đã đưa vào vận hành máy CDM, mô hình ngân hàng tự động (Autobank CDM) hoạt động 24/7 để dần thay thế giao dịch truyền thống. Số lượng khách hàng sử dụng các sản phẩm thẻ, dịch vụ SMS Banking, E-Mobile Banking, Internet Banking ngày càng tăng cao. Đến cuối năm 2022, đã có 105.599 khách hàng sử dụng dịch vụ SMS Banking, 100.838 khách hàng sử dụng dịch vụ E-Mobile Banking, 4.921 khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking. Cơ cấu thu dịch vụ có sự chuyển hướng từ các khoản thu truyền thống sang các khoản thu về dịch vụ ngân hàng hiện đại một cách rõ nét. Ngoài ra, Agribank Khánh Hòa còn tích cực trong công tác phát triển thẻ, POS thuộc Đề án Nông nghiệp nông thôn với số lượng thẻ đã phát hành 12.272 thẻ, triển khai phát hành sản phẩm thẻ Lộc Việt nhằm tiếp tục đẩy mạnh Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Agribank về phát triển dịch vụ thẻ trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn; góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” và triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025. Đến nay, Agribank Khánh Hòa đã trang bị 43 máy ATM/CDM tại tất cả địa phương trong tỉnh, với số lượng thẻ lưu hành 174.452 thẻ; lắp đặt 304 POS (thiết bị đọc thẻ), 162 thiết bị QR code tại các khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng lưu niệm, siêu thị… trên khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Dịch vụ thanh toán quốc tế và kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng tốt. Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay tài trợ xuất nhập khẩu của chi nhánh đạt hơn 10 triệu USD; doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt 117 triệu USD; doanh số mua bán ngoại tệ đạt 121 triệu USD.
Đội ngũ cán bộ chi nhánh ngày càng trưởng thành và nâng cao trình độ chuyên môn. Đến cuối năm 2022, số lượng cán bộ toàn chi nhánh là 383 người. Trong đó, số cán bộ có trình độ thạc sĩ, đại học chiếm hơn 90%, lực lượng lao động trẻ chiếm hơn 70%. Người lao động được đào tạo, trang bị nhiều kiến thức kỹ năng mềm; có trình độ ngoại ngữ, tin học cao đáp ứng tốt yêu cầu công việc; nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tâm và “chịu thương chịu khó” đã góp phần tạo nên sức mạnh và vị thế của Agribank Khánh Hòa trong cạnh tranh tại địa bàn. Kết thúc năm 2022, Agribank Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng tự hào: Các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng tốt, hoàn thành 6/6 chỉ tiêu kế hoạch Agribank giao, thu nhập của người lao động được cải thiện đáng kể; được Agribank công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh và được tặng giấy khen dẫn đầu các chi nhánh khu vực duyên hải miền Trung.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển 35 năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Agribank Khánh Hòa rất tự hào về những thành quả đã đạt được. Với bề dày truyền thống, tiềm lực đã có cùng với sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết gắn bó cao, chắc chắn tập thể Agribank Khánh Hòa sẽ chinh phục được nhiều đỉnh cao mới trên chặng đường phía trước.
NGUYỄN XUÂN HUY
Nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa