Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay. Đây là động thái tích cực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tập trung sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới “room” tín dụng, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay. Đây là động thái tích cực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tập trung sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.
Giảm lãi suất từ 0,5 đến 3%/năm
Là ngân hàng có số lượng khách hàng khá lớn nên đợt giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm của Vietcombank đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đợt giảm lãi suất này (thời gian đến hết ngày 31-12) được áp dụng cho khoảng 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu của Vietcombank. Bà Hồ Thị Mai Trang - Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank Khánh Hòa cho biết, riêng tại chi nhánh Khánh Hòa có 9.889 khách hàng được áp dụng giảm lãi suất với tổng dư nợ hỗ trợ hơn 9.878 tỷ đồng. Số tiền lãi được giảm dự kiến hơn 16 tỷ đồng. Toàn bộ khách hàng đều được hỗ trợ giảm lãi suất (trừ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản). Vietcombank chủ động thực hiện việc giảm lãi cho tất cả khách hàng thỏa mãn điều kiện mà không cần thực hiện bất cứ hồ sơ chứng minh nào. Việc này giúp giảm thiểu thủ tục giấy tờ, qua đó hỗ trợ khách hàng nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Chỉ trong 2 tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất cho vay. Ngoài Vietcombank, các ngân hàng khác như: Agribank, HDBank, ACB, VIB, SHB… cũng giảm lãi suất với mức giảm từ 0,5 đến 3%/năm. Trong đó, bằng nguồn lực của mình, Agribank chủ động giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 30-11-2022. Đối với dư nợ phát sinh từ ngày 1-12 đến ngày 31-12-2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ... cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này. Ngân hàng SHB cũng triển khai chương trình giảm lãi suất từ 1,5 đến 2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh… Các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân cũng được ngân hàng triển khai hỗ trợ.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, đến nay, đã có 19 ngân hàng thực hiện giảm tiền lãi cho doanh nghiệp và người dân. Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng là tín hiệu tích cực, giúp người vay vốn giảm bớt gánh nặng chi phí hàng tháng.
Chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đứng trước áp lực tăng lãi suất cho vay do lãi suất huy động đầu vào tăng, các ngân hàng đã tích cực tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chi phí huy động vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho khách hàng vay. Các ngân hàng cũng đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp giao dịch trực tuyến nhằm tiết giảm thời gian, chi phí hoạt động, qua đó góp phần tạo sự thuận tiện và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân.
Vừa qua, trong công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng cần rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình.
MAI HOÀNG