Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi
Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình với những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, phù hợp là nguồn lực hết sức quan trọng, kịp thời, tạo điều kiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
NHCSXH đã tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo, triển khai trong toàn hệ thống các chương trình tín dụng chính sách và thực hiện hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý theo quy định tại Nghị quyết số 11. Xác định được vai trò, tầm quan trọng của chính sách, UBND tỉnh đã kịp thời có văn bản số 1376 ngày 18-2 chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp tham mưu triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 11. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể phối hợp với NHCSXH rà soát, xác định nhu cầu vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; triển khai cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch... Trong đó, các ngành, đoàn thể cần quan tâm đến những đối tượng người lao động từ các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố vì tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã quay trở về địa phương để tiếp tục sinh sống và mưu sinh, có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, duy trì, ổn định cuộc sống.
Sẽ thực hiện hiệu quả, đúng đối tượng
Ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, căn cứ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện rà soát nhu cầu vốn chính sách từ các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, thông qua rà soát sơ bộ, nhu cầu tăng trưởng nguồn vốn trong năm 2022 (bổ sung theo Nghị quyết số 11) của tỉnh hơn 196 tỷ đồng; trong đó tập trung vào chương trình cho vay giải quyết việc làm là 187 tỷ đồng và cho vay nhà ở xã hội khoảng 9 tỷ đồng. Hiện nay, các sở, ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp với NHCSXH rà soát, xác lập nhu cầu thực tế; tập trung huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11.
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh cũng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 với 2 nội dung: Phối hợp với sở, ngành, cơ quan liên quan triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng; hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được giải ngân trong giai đoạn 2022 - 2023.
NHCSXH tỉnh yêu cầu các phòng nghiệp vụ, phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với NHCSXH trong việc rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách để tổng hợp, xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ và triển khai giải ngân kịp thời. Các đơn vị trực thuộc NHCSXH tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình tín dụng được giao thực hiện theo Nghị quyết 11 để các đối tượng thụ hưởng nắm bắt kịp thời; phân bổ nguồn vốn đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế từng địa phương, trong đó ưu tiên cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh để phục hồi sản xuất. Các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quan tâm gắn việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật… góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Những chương trình tín dụng chính sách chính theo Nghị quyết số 11
Dành tổng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 15.000 tỷ đồng cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội. Dành 3.000 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vay để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập và trang trải chi phí học tập; 1.400 tỷ đồng cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Dành 9.000 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được NHCSXH giải ngân trong giai đoạn 2022 - 2023... |
MAI HOÀNG