11:02, 17/02/2022

Ngành ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số

Thời gian qua, các ngân hàng tích cực thực hiện chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán.

Thời gian qua, các ngân hàng (NH) tích cực thực hiện chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán.


Cuộc đua công nghệ


Đang cần rút tiền nhưng lại không mang theo thẻ ATM, điện thoại hoặc chứng minh nhân dân, nếu như trước đây, khách hàng sẽ không thể thực hiện loại giao dịch này, nhưng nay đã khác. Chị Trần Thị Kiều Tiên (xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) cho biết: “Không cần tiếp xúc với giao dịch viên, không cần thẻ ATM hay điện thoại thông minh, tôi vẫn thực hiện được các giao dịch trên nền tảng số tại địa điểm ONEBANK của Nam A Bank như: Rút tiền, nộp tiền vào tài khoản, gửi tiền tiết kiệm… Tất cả đều thực hiện nhanh gọn, đơn giản, thuận tiện”. Được biết, cuối năm 2021, Nam A Bank ra mắt Hệ sinh thái số ONEBANK - một chạm mọi trải nghiệm với nhiều ứng dụng tiện lợi như: Gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, thanh toán hóa đơn điện/nước, thanh toán thẻ, chuyển khoản 365+ banking không giới hạn, chuyển chứng từ tự động; nộp hay rút tiền từ tài khoản của tất cả NH bằng QRCode theo tiêu chuẩn VIETQR, rút vốn, lãi tiền gửi tiết kiệm qua tài khoản thanh toán khách hàng… Hệ sinh thái số ONEBANK đã nhanh chóng được nhiều khách hàng trải nghiệm và đánh giá cao.

 

Chị Trần Thị Kiều Tiên rút tiền tại ONEBANK mà không cần dùng  thẻ ATM, điện thoại di động.

Chị Trần Thị Kiều Tiên rút tiền tại ONEBANK mà không cần dùng thẻ ATM, điện thoại di động.


Đầu năm 2022, khách hàng sử dụng dịch vụ E-Mobile Banking của Agribank đều nhận thấy giao diện mới của NH này. Qua trải nghiệm các tiện ích, chị Bùi Thúy Hạnh (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) cảm thấy giao diện mới cập nhật hiện đại, dễ dùng và tốc độ xử lý các giao dịch nhanh hơn trước, đặc biệt là dịch vụ chuyển khoản trong những thời gian cao điểm. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thông thường của người dùng như: Chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet, học phí…, phiên bản mới của ứng dụng Agribank E-Mobile Banking còn bổ sung thêm một số tiện ích mới như: Thanh toán HTVC/VTVCab ON/FPT Play, đặt sân golf, trả nợ tiền vay...


Từ năm 2019, Vietcombank đã bắt đầu khởi động chiến lược chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng. Tại Khánh Hòa, việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số đã thu được “quả ngọt”, mang lại hiệu quả tích cực cho NH với nhiều dấu ấn như: Vietcombank Khánh Hòa phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tháng 7-2020, đơn vị ra mắt NH số VCB Digibank (giúp khách hàng thực hiện các giao dịch NH trực tuyến như: Chuyển tiền liên NH; chuyển tiền bằng mã QR; thanh toán bằng mã QR tại các điểm bán, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước; thanh toán cước truyền hình, viễn thông; thanh toán học phí, viện phí; đặt vé máy bay/tàu/xe…). Tháng 3-2021, NH triển khai tính năng VCB Cash-Up cho phép các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán của khách hàng để thực hiện thanh toán điện tử và truyền nhận sao kê tài khoản; tháng 6-2021 tiếp tục triển khai dịch vụ mở tài khoản trực tuyến eKYC. Lãnh đạo chi nhánh Vietcombank Khánh Hòa cho biết, chỉ trong năm 2021, chi nhánh đã có hơn 52.550 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ NH điện tử, tăng trưởng rất cao so với các năm trước.


Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt


Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thói quen của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Ví điện tử Momo, Internet Banking, ATM, ứng dụng E-Mobile Banking… Do đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử ghi nhận mức tăng trưởng cao so với các năm trước.


Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán qua NH đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Các NH tích cực phối hợp với Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, ngành y tế, giáo dục… triển khai thanh toán qua NH đối với các dịch vụ như: Thu thuế, tiền điện, nước, viện phí, học phí…; xây dựng kết nối dữ liệu, thông tin hóa đơn của khách hàng để thanh toán online hoặc ký hợp đồng tự động trích tiền từ tài khoản để thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ.


Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1813 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022 được kỳ vọng sẽ có những đột phá trong thực hiện chuyển đổi số của ngành NH. Với nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại được các NH, tổ chức trung gian thanh toán đã và đang triển khai, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử sẽ tăng cả về số lượng và giá trị.

 

Theo báo cáo của NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, năm 2021, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 2.045.500 món, tăng 174,3%; giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 17.727.607 món, tăng 158%; có 29.438 lượt khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, tăng 39,68%, với 192.367 giao dịch, tăng 115,5% so với năm 2020.

Năm 2021, thanh toán qua NH đối với dịch vụ công tiếp tục đạt kết quả tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế qua mạng đạt hơn 99%; doanh số nộp thuế điện tử đạt hơn 96%; thuế xuất nhập khẩu và các khoản thu phí, lệ phí Hải quan đạt 100%; thanh toán tiền điện đạt 90,2%/tổng doanh thu tiền điện và 76,7%/tổng số món; 19,48% số hộ sử dụng nước thực hiện thanh toán qua NH với doanh số 142,9 tỷ đồng...


MAI HOÀNG